Hằng trăm chiến sĩ, công nhân lao vào đống sắt thép, gỗ cốt pha để giải cứu những nạn nhân mắc kẹt cuối cùng trong vụ sập giàn giáo - Ảnh: Văn Định |
Tai nạn sập giàn giáo tại Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh chỉ là một trong số những sự cố về mất an toàn lao động (ATLĐ) xảy ra khá thường xuyên tại VN thời gian gần đây. Nguyên nhân chính là đơn vị thi công chưa thật sự chú trọng đến công tác ATLĐ.
Hiện nay, VN có tiêu chuẩn TCVN 5308 về ATLĐ trong xây dựng và quy chuẩn 18-2014, nhưng tôi thấy phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức hoặc không tuân thủ.
Tâm lý của các nhà thầu lúc nào cũng muốn đẩy nhanh tiến độ, nhưng vấn đề ATLĐ chưa được quan tâm và thậm chí còn cố tình bỏ qua để giảm thiểu chi phí.
Chẳng hạn như đối với những công việc có tính chất nguy hiểm cao thì cần phải có sự đánh giá rủi ro có thể xảy ra cho từng công việc, và dựa trên cơ sở các đánh giá này để đưa ra giải pháp giảm thiểu rủi ro trước khi thi công.
Ví như việc dựng giàn giáo phải được tính toán cụ thể sử dụng cho việc gì, cần chịu tải tối đa bao nhiêu, hệ giằng phải được thiết kế với kích thước và vật liệu nào phù hợp...
Nhưng trong nhiều công trình xây dựng hiện nay, người ta đã rất xem nhẹ giai đoạn đó. Vì vậy rủi ro luôn rình rập các công trình này.
Khi xảy ra tai nạn đáng tiếc thì các bên liên quan tìm cách đẩy trách nhiệm cho nhau và phần thiệt thòi thuộc về người lao động.
Công nhân xây dựng tại các công trường thường không thể nhận biết được nguy cơ tiềm ẩn trong những công việc hằng ngày, hoặc giả có thấy họ vẫn phải làm vì họ cần kiếm tiền mưu sinh và không có nhiều sự lựa chọn.
Qua những vụ tai nạn mới thấy mạng sống của người lao động nhỏ bé quá. Mỗi mạng người đền vài chục triệu đồng là xong, và trách nhiệm cuối cùng không được truy xét.
Có một thực trạng cần phải thẳng thắn nhìn nhận là người lao động không được đào tạo về kiến thức ATLĐ hoặc đào tạo một cách qua loa dẫn đến ý thức của người lao động chưa cao, làm việc cẩu thả, không tuân thủ quy trình, quy định về ATLĐ nên dễ xảy ra tai nạn.
Bên cạnh đó, gần như không có (hoặc có cũng như không) bộ phận bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi họ từ chối thực hiện công việc có mối nguy hiểm cao mà chưa có giải pháp an toàn phù hợp. Quan trọng hơn, chủ đầu tư chưa đặt nặng vấn đề ATLĐ ngay từ giai đoạn chọn thầu.
Để vấn đề ATLĐ được triển khai triệt để, cần phải làm tốt năm yêu cầu sau: Một là, khi bắt đầu một dự án thì nhà thầu phải tính chi phí liên quan đến ATLĐ cho dự án này, thường là khoảng 3% tổng giá trị dự án.
Có chi phí này thì nhà thầu mới mua sắm được các trang thiết bị lao động cần thiết và đúng tiêu chuẩn cho công trường.
Hai là, nhất thiết phải có sự khảo sát, đánh giá rủi ro và đưa ra các giải pháp an toàn trước khi thi công.
Ba là, chủ đầu tư cần có đơn vị giám sát ATLĐ riêng, làm việc độc lập với nhà thầu thi công để quản lý và kiểm soát việc tuân thủ quy định về ATLĐ.
Bốn là, các đơn vị thanh tra, cơ quan có thẩm quyền thường xuyên kiểm tra và có biện pháp chế tài phù hợp cũng như có thể yêu cầu dừng thi công ngay lập tức nếu cần thiết.
Năm là, với những sự cố ở công trình xây dựng đã xảy ra ở Việt Nam cần phải được đánh giá nguyên nhân một cách nghiêm túc, chính xác và được phổ biến để các nhà thầu rút kinh nghiệm.
Có làm tốt cả năm yêu cầu trên mới hi vọng không còn cảnh những bà mẹ trẻ, những đứa con thơ phải mất chồng, mất cha oan ức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận