Kình ngư không chân Hồng Lợi bên nhóm "fan" ruột của mình. Ảnh: T.P |
Chàng kình ngư không chân, một tay Nguyễn Hồng Lợi không hề cô độc ở Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2017 tại TP.HCM (diễn ra ở 3 địa điểm gồm Trung tâm TDTT quận Tân Bình, Trung tâm Huấn luyện - thi đấu TDTT và sân Thống Nhất). Trái lại, anh có không ít bè bạn, CĐV - những người hâm mộ đúng nghĩa đến ủng hộ khi Lợi bước xuống đường đua xanh.
Đến xem để thấy mình may mắn
Ngồi cùng Lợi bên quán căngtin hồ bơi là một nhóm HLV một trung tâm thể hình ở TP.HCM. Anh Nguyễn Trường Ân - người lớn tuổi nhất và cũng là bạn thân của chàng kình ngư khuyết tật - cho biết anh và Lợi quen nhau ở phòng tập thể hình. Không chân, bị dị tật một tay nhưng Lợi rất chăm chỉ rèn luyện cơ thể, sở hữu một khung người lực lưỡng chẳng kém bất kỳ VĐV chuyên nghiệp nào.
Trang Anh, một bạn gái học ngành marketing trong nhóm, lần đầu đến xem giải đấu khuyết tật không khỏi lộ ra vẻ thán phục khi nhìn những chàng kình ngư tuy bước đi khập khiễng nhưng vô cùng khỏe mạnh: “Cảm giác đầu tiên của tôi khi nhìn thấy họ là sự liên tưởng đến Nick Vujicic (nhà diễn thuyết người Úc nổi tiếng vì nghị lực vượt lên số phận, thiếu cả bốn chi trên cơ thể). Thật khó tin được với cơ thể khiếm khuyết như vậy, họ lại có động lực rèn luyện đến thế”.
Đi cùng Trang Anh là anh Nguyễn Trường Ân - người vốn dĩ đã là một fan lâu năm của thể thao khuyết tật. “Là bạn của Lợi nên tôi đi cổ vũ anh ấy từ mấy năm qua, tiện thể xem luôn các môn khác. Dần dà việc theo chân các VĐV khuyết tật trở thành thói quen của tôi. Đây không phải là một thú vui, vì các VĐV khuyết tật dù có tài giỏi đến cỡ nào cũng làm sao bằng được những người bình thường. Nhưng mỗi lần đến xem, tôi lại tiêu tan hết cảm giác mệt mỏi. Chứng kiến những VĐV khuyết tật gian khổ trăm bề mà vẫn vượt khó được, tôi tự cảm thấy mình may mắn lắm”.
Cần lắm những tiếng cổ vũ
Không chỉ mình Nguyễn Hồng Lợi có CĐV. Các VĐV khuyết tật một khi đã bước ra sân thi đấu đều nhận được sự ủng hộ từ đông đảo khán giả đến xem giải đấu. Phần lớn là bè bạn, nhưng cũng không ít người dân đến trung tâm thể thao tập luyện nhân tiện ghé qua theo dõi giải đấu. Với các VĐV khuyết tật, việc có người đến xem đã là một nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn với họ, dù rằng đôi lúc họ không hề nhìn thấy.
Nguyễn Ngọc Hiệp, VĐV điền kinh khiếm thị, cho biết trong những lần đầu thi đấu, anh hơi ngại khi phải nghe những tiếng nói bên lề sân đấu vì như vậy sẽ gây sao nhãng, khó lòng tập trung thi đấu được, chưa kể còn có áp lực, nhưng rồi mọi chuyện dần khác đi. “Trong mấy năm đầu thi đấu, tôi hầu như chẳng quen ai nên có ít người đi cổ vũ. Vì vậy tôi thường sinh ra lo lắng mỗi khi có ai đó hét to tên mình. Nhưng dần dà cảm giác hưng phấn vì được cổ vũ che lấp đi các nỗi sợ. Không có khán giả mình tủi thân lắm. Thích nhất là mỗi khi đi thi đấu nước ngoài, chỉ cần mình thi đấu tốt là được đông đảo khán giả cổ vũ, không hề có phân biệt quốc gia, dân tộc”.
Những kình ngư với đôi chân tật nguyền, dặt dẹo bước đi nhưng vẫn vô cùng cứng cáp, những tay vợt chỉ có thể giam mình trên xe lăn nhưng vẫn mướt mồ hôi theo từng đường bóng... Họ trở thành những hình ảnh mà không ít phụ huynh dắt con em đến Đại hội thể thao người khuyết tật để chiêm ngưỡng.
Chị Ngọc Lan, phụ huynh dắt con đến xem, nói: “Ngày nào tôi cũng chở con đến Trung tâm TDTT quận Tân Bình tập cầu lông, sẵn tiện bữa nay dắt cháu qua đây xem cho cháu biết thế nào là nghị lực vượt khó của các VĐV khuyết tật. Tôi nghĩ những hình ảnh như thế này nên được phát nhiều trên sóng truyền hình, hoặc nhà trường có thể tổ chức cho học sinh đi xem. Như vậy vừa ý nghĩa mà cũng rất thiết thực với trẻ em”.
“Thể thao vua” đến với giải thể thao NKT Lần đầu tiên môn “thể thao vua” bóng đá được đưa vào thi đấu chính thức tại Giải thể thao người khuyết tật (NKT) toàn quốc 2017. Lâu nay, môn bóng đá khiếm thị vẫn được đưa vào tập luyện thường xuyên ở các trung tâm bảo trợ trẻ em tàn tật, mái ấm dành cho người khiếm thị... nhưng chưa bao giờ các cầu thủ khiếm thị được trải nghiệm cảm giác thi đấu thật sự. Thế nên ngay lần đầu được tổ chức, giải đã thu hút được 4 đội gồm 2 đội của TP.HCM, 1 đội đến từ Cần Thơ và 1 đội tận Hà Tĩnh. Hôm nay (17-6), môn bóng đá khiếm thị mới chính thức khởi tranh và được kỳ vọng mang đến nhiều điều thú vị cho cả VĐV trên sân lẫn khán giả. Ngoài ra, môn quần vợt xe lăn cũng lần đầu trở lại với Giải thể thao NKT toàn quốc sau nhiều năm vắng bóng và đã có gần chục tay vợt khắp mọi miền đất nước đăng ký tham dự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận