Bởi lẽ, thanh danh là một trong những giá trị cơ bản nhất của một cá nhân hay một pháp nhân: “Để có được thanh danh, có khi chỉ cần một ngày và chút may mắn, song để giữ thanh danh thì phải đem hết thân mình ra trong mọi lúc” (Montesquieu, diễn văn gia nhập Hàn lâm viện Bordeaux).
Nếu việc bêu tên đó được thực hiện đúng đắn, tin rằng sẽ đạt mục đích tối hậu của quyết định này là đánh vào thanh danh các doanh nghiệp chây ì thuế, như một hình phạt các doanh nghiệp nợ thuế và cũng là răn đe các doanh nghiệp khác. Trong trường hợp đó sẽ chẳng ai phản đối.
Để đảm bảo tính chính xác, “đúng người, đúng tội”, Bộ Tài chính đã yêu cầu các cục thuế địa phương căn cứ vào bảng tổng hợp danh sách người nộp thuế có số tiền nợ lớn đến ngày 30-6-2015 theo địa bàn quản lý của từng cục thuế để thực hiện công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thế nhưng, không rõ cái sự “tổng hợp danh sách” này đã được thực hiện như thế nào mà đùng một cái, một số doanh nghiệp chưa hề nợ thuế lại bị bêu tên chỉ vì, sau khi sở thuế kiểm tra lại, do lỗi... phần mềm!
Câu hỏi đặt ra là: Liệu cơ quan thuế đã làm việc nghiêm túc đủ, chu đáo đủ, thận trọng đủ trước khi hạ bút chốt “danh sách người nộp thuế có số tiền nợ lớn” cần được bêu tên?
Liệu có thể cứ hùng hục chốt danh sách, máy tính cung cấp kết quả như thế nào thì lập danh sách như thế đó, mà không cần rà soát, kiểm tra, gọi doanh nghiệp sắp bị bêu đó đến để cùng kiểm tra chéo một lần chót xem đúng, sai thế nào và cũng để cảnh cáo lần cuối trước khi hài tên?
Tại sao trong ngành y tế lại đề ra nguyên tắc “3 kiểm tra, 5 đối chiếu” và buộc các y tá, điều dưỡng chấp hành tuyệt đối khi cho bệnh nhân dùng thuốc, mà ngành thuế lại không thể đối chiếu, rà soát, kiểm tra một lần chót trước khi thi hành “án tử hình thanh danh” các doanh nghiệp?
Nếu ngành y cũng làm việc y hệt ngành thuế, chẳng cần “3 kiểm tra, 5 đối chiếu” thì khắp nơi đã “xanh cỏ” cả rồi!
Thiết tưởng đây là vấn đề phương pháp và thái độ làm việc chứ không phải là vấn đề do ứng dụng công nghệ thông tin. Con người làm chủ công nghệ chứ không phải nô lệ công nghệ!
Việc lập danh sách thiếu cẩn trọng như thế rõ ràng là không xem trọng thanh danh của doanh nghiệp - một thứ mà các doanh nhân quý còn hơn mạng mình.
Vậy mà thanh danh của doanh nghiệp đã được phán một câu nhẹ tựa lông hồng: “Chưa đúng thì chỉnh lại chứ có gì đâu!”. Có vẻ như không phân biệt được thế nào là lưu danh, là lưu xú, thế nào là nhân phẩm, thanh danh.
Cách suy nghĩ xem nhẹ thanh danh đó có lẽ là di tích của một nền kinh tế bao cấp, trong đó các doanh nghiệp được tự động rót, bơm vốn, bất cần hiệu quả kinh doanh, không thể nào áp dụng cho các doanh nghiệp tự lực cánh sinh, gầy dựng năm này sang năm khác thanh danh của mình trong thị trường, trên sàn chứng khoán, trong đầu óc người tiêu dùng, để đạt đến một giá trị như thế nào đó trong nền kinh tế.
Đối với các doanh nghiệp đó, bán một sản phẩm bị khách hàng khiếu nại chất lượng hay kết quả lắp ráp, hoặc thái độ nhân viên, đưa lên báo đã cuống cuồng xin lỗi rồi...! Xem thanh danh nhẹ tựa lông hồng như thế thì bao giờ mới tự chứng tỏ là kinh tế thị trường?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận