18/08/2015 14:02 GMT+7

​Xem rối nước trong lòng... bún đậu

MINH TRANG,  minhtrang@tuoitre.com.vn
MINH TRANG, [email protected]

TT - Đều đặn mỗi tối vào khoảng 20g, thực khách đến quán bún đậu Homemade (Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM) lại rộn ràng dắt trẻ nhỏ lên lầu 2 của quán để được xem biểu diễn múa rối nước truyền thống.

Nhiều du khách nước ngoài lẫn khách Việt thích thú xem và tự tay điều khiển các con rối tại sân khấu múa rối mini của Hương Giang - Ảnh: Thanh Tùng

Tận dụng những ngày nghỉ hiếm hoi sau một chuyến bay dài, Hương Giang - chủ quán bún đậu Homemade - lại hăm hở chuẩn bị cho đêm biểu diễn múa rối trong một không gian được thiết kế như nhà hát thu nhỏ.

Đầm đìa mồ hôi và hai bàn tay còn run lẩy bẩy vì phải điều khiển các con rối xoay chuyển, nhảy múa trong hơn 30 phút, Hương Giang thở dốc nửa đùa nửa thật: “Tí nữa thì gãy tay!”.

Đổi lại, trong cả buổi biểu diễn, đám trẻ nhỏ chốc chốc lại bật lên những tiếng cười giòn tan và từng tràng pháo tay vang không ngớt khi con rồng, con phượng phun nước về phía chúng!

Đứng sau tấm rèm tre, Giang cứ tủm tỉm cười mãi, mặc dù đây không phải là thời điểm cuối tuần - thời điểm đông khách nhất của sân khấu này.

 “Có nhiều đoàn khách du lịch đến hỏi: nếu không ăn ở quán mà khách muốn xem múa rối có được không? Mình chỉ cười đáp: dù đến uống một ly nước trà thì sân khấu múa rối nước vẫn rộng cửa đón khán giả
HOÀNG HƯƠNG GIANG

7.000 USD cho “một chuyện điên rồ”!

Bước vào quán bún đậu Homemade của Hương Giang, cảm giác đầu tiên là chột dạ: Có phải quán bán... bún đậu mắm tôm không? Chỉ là quán ăn thôi mà sao “art” (nghệ thuật) thế? Ngoài những khung tranh nhã nhặn còn có một kệ sách giới thiệu những tác phẩm hay nhất về Hà Nội của Tô Hoài, Vũ Bằng...

Là cháu nội của nhạc sĩ Hoàng Giác (một trong những tên tuổi nổi bật của dòng nhạc tiền chiến Việt Nam với các nhạc phẩm được nhiều thế hệ yêu quý như Mơ hoa, Ngày về...), bác ruột là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, và cha là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Nhuận Kỳ, nên ngay từ bé Hương Giang đã yêu thích tranh ảnh, nhạc họa, các loại hình văn hóa dân gian và không... rành làm việc với con số, tính toán!

Chính người cha đã truyền cho con gái kiến thức lẫn tình yêu và sự cảm thụ tự nhiên với văn hóa dân tộc. Ông cũng là người giới thiệu cô với nghệ nhân Phan Thanh Liêm - truyền nhân bảy đời của gia đình múa rối họ Phan tại Nam Định - để học nghề khi Giang có ý định muốn học và tìm hiểu về múa rối nước truyền thống.

“Học múa rối không khó nhưng phải thuyết phục người thầy dạy mình bằng nhiệt huyết và khao khát muốn được theo đuổi, làm bạn thật sự với con rối.

Đó cũng là lý do vì sao từ khi có ý định mở một sân khấu múa rối mini, tôi không mời các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật đến biểu diễn kiểu chạy sô mỗi tối, mà muốn mình phải tự dành thời gian để đi học, dù đi lại khá vất vả.

Và phải cử thêm năm nhân viên ra tận nhà nghệ nhân Phan Thanh Liêm học hành bài bản để có thể tự tay biểu diễn khi tôi không có nhà. Tôi nghĩ khi mình học về rối, tức là lúc múa rối nước đã được nhân rộng thêm cho một người biết đến” - Hương Giang kể.

Nhưng mọi chuyện chẳng dễ dàng. “Thật điên rồ” - đó là câu Hoàng Hương Giang thường nhận được khi cô bắt đầu chia sẻ về ý tưởng xây dựng một quán ăn dân dã có biểu diễn rối nước nằm ngay giữa trung tâm Q.1 sôi động của Sài Gòn.

Bởi chỉ có những kẻ lãng mạn lại pha sẵn máu liều lĩnh của một nghệ sĩ mới dám bỏ hẳn một tầng lầu rộng hơn 100m2, trên một mặt bằng phải thuê trả gần 7.000 USD/tháng để xây dựng một nhà hát múa rối mini, phục vụ miễn phí mỗi đêm cho những ai có nhu cầu muốn xem múa rối nước.

Chỉ một mình cô hiểu, đó là một câu chuyện rất dài để có được một sân khấu múa rối nhỏ xinh nhưng đầy đủ về kỹ thuật, và đặc biệt mang lại sự gần gũi, ấm cúng mà không phải nhà hát to đẹp nào cũng có thể làm được...

Chọn rối nước cho bún đậu

18 tuổi, thay vì chiều lòng bố mẹ lên đường du học, Hương Giang quyết định một thân một mình Nam tiến và thi đỗ để trở thành tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines.

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình còn trẻ, mình muốn đi đây đi đó nhiều hơn, muốn được khám phá thế giới và thỏa sức làm những điều mình thích” - cô nói.

13 năm làm việc trong ngành hàng không, những vùng đất mới, những con người mới khiến Hương Giang háo hức không ngừng.

Nhưng càng đi nhiều, càng được nếm trải nhiều món ăn ngon, cô lại càng thấy nghệ thuật ẩm thực Việt thật sự rất quyến rũ, nhất là khi nó được bảo tồn và nâng tầm một cách xứng đáng.

Và cô gái trẻ chọn múa rối nước cho bún đậu. Hương Giang kể điều đó xuất phát từ những ký ức thơ bé, mỗi lần đi học về ngang qua Nhà hát múa rối Thăng Long là lại thấy từng tốp du khách nước ngoài rủ nhau vào xem múa rối.

Cha cô cũng là người đưa nhiều nghệ nhân và các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở nước ngoài, giới thiệu với bạn bè khắp năm châu, nhưng rất hiếm hoi có dịp biểu diễn  trong nước. 

“Giống như kịch nô của Nhật, kinh kịch của Trung Quốc, múa rối nước của Việt Nam là một nét văn hóa rất riêng biệt, và chính vì nó riêng biệt nên tôi rất sợ một ngày nào đó, thế hệ các bạn trẻ sau này phải nhờ người nước ngoài giải thích cho biết thế nào là múa rối nước” - Giang nói.

Câu chuyện kết hợp có vẻ trái khoáy, nhất là khi đưa đặc sản Bắc bộ vào Nam bộ, nên không phải không có e ngại.

“Có người bảo mình làm rối nước là để PR cho quán bún đậu. Nhưng thật ra đây đã là quán ăn thứ ba của mình tại Sài Gòn, nên mình cũng đã có một lượng khách quen biết đến - Giang kể.

Rồi cô giải thích: "Tôi muốn các bạn trẻ và khán giả miền Nam có dịp được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật này vì nó không chỉ là một nét đẹp văn hóa, nó còn thể hiện được khát khao chế ngự sức nước, chế ngự thiên nhiên từ ngàn đời của người Việt...”.

Hương Giang biểu diễn rối nước tối 4-8 - Ảnh: Gia Tiến

Đưa rối đến gần trẻ em

Nhìn cách một cô gái đẹp chịu mặc bộ đồ chống nước, chân đi ủng và đứng ngâm mình trong nước cả tối để biểu diễn cho khán giả, cách cô say sưa kể về các tích trò thì mới hiểu với Giang, rối thật sự là một đam mê đã được gìn giữ và nuôi dưỡng.

Nâng niu và chăm chút cho từng con rối trong bộ sưu tập, Giang cười: “Những con rối này nhìn không đẹp bằng trong các cửa hàng sơn mài mỹ nghệ nhưng nó mang trong mình cả lịch sử qua các đời nghệ nhân sử dụng, nên có nhiều khách hỏi mua nhưng mình nhất định không bán”.

Giang kể: “Sân khấu múa rối thông thường có khoảng 5 - 7 người tham gia điều khiển các con rối, nhưng ở sân khấu nhỏ này thì một mình mình phải tự điều khiển hai tay hai con rối.

Nhiều trẻ em sinh ra ở thành phố không biết thế nào là chăn trâu, chú Tễu, thế nào là đua thuyền, múa bát tiên đâu, nhưng xem xong các em bắt đầu có một khái niệm nho nhỏ.

Và để phù hợp hơn với khán giả nhí, chúng tôi có biểu diễn xen kẽ các tích rối cổ với các tích mới, hiện đại mang nội dung giáo dục nhẹ nhàng, vui nhộn như cổ vũ cho việc không đua xe, không lạng lách để các em thấy gần gũi hơn”. 

 

MINH TRANG, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên