04/04/2007 14:45 GMT+7

Xem phim truyền hình như xem kịch tại gia!

Theo VÕ TIẾN - VietNamNet
Theo VÕ TIẾN - VietNamNet

Diễn viên kịch đi đóng phim giờ đã là chuyện cũ mèm nhưng diễn viên kịch biến những bộ phim, đặc biệt là phim truyền hình, thành những... vở kịch bằng hình lại là chuyện bức xúc đang nóng hổi.

x5DVPUyl.jpgPhóng to
Cái bóng bên chồng, vở tấu hài dưới lốt phim truyền hình
Diễn viên kịch đi đóng phim giờ đã là chuyện cũ mèm nhưng diễn viên kịch biến những bộ phim, đặc biệt là phim truyền hình, thành những... vở kịch bằng hình lại là chuyện bức xúc đang nóng hổi.

Bộ phim truyền hình dài tập Cái bóng bên chồng phát trên sóng Đài truyền hình TP.HCM mới đây là điển hình của tình trạng kịch hóa phim truyền hình. Hầu như toàn bộ dàn diễn viên chính tham gia bộ phim đều là dân sân khấu, từ kịch nói đến cải lương: Hữu Châu, Minh Nhí, Thanh Thủy, Phi Phụng, Thanh Điền...

Hẳn nhiên, nếu họ không gần như bê nguyên diễn xuất của mình trên sân khấu kịch qua phim truyền hình thì đã chẳng có gì để nói. Đằng này, hoặc do đạo diễn quá ẩu, cốt làm cho xong hoặc không đủ bản lĩnh để kìm lại những miếng diễn cương của các nghệ sĩ, nên phim cứ như một vở kịch dài! Nói chính xác hơn, Cái bóng bên chồng với những màn tung hứng của các nghệ sĩ hài, đích thị là một vở tấu hài dài đội lốt một bộ phim truyền hình.

Khi bắt đầu có hiện tượng diễn viên sân khấu lấn sang phim ảnh, người ta đã đưa ra cái lý đậm chất chuyên môn rằng diễn viên kịch có đài từ tốt, có thể đáp ứng được yêu cầu thu tiếng trực tiếp của phương thức làm phim truyền hình "đời mới". Quả thực, có sự tham gia của lực lượng nghệ sĩ này mới làm lộ ra những diễn viên sắc vóc tốt nhưng có giọng nói dở ẹc!

Diễn viên kịch thấy rõ ưu thế của mình giữa tình cảnh ăn đong của cả ngành phim ảnh trong việc đào tạo, tìm kiếm gương mặt diễn viên mới vừa có sắc vừa có thanh, nên đã đổ xô đi đóng phim truyền hình.

Các nhà sản xuất phim truyền hình, đặc biệt là tư nhân, trả thù lao diễn viên khá cao (càng cao nếu là phim dài tập) nên càng thu hút một lượng lớn diễn viên từ gạo cội đến gương mặt mới ra trường. Ban ngày họ đi đóng phim, buổi tối diễn kịch, thậm chí đêm cũng có thể chạy sô từ phim trường sang sàn gỗ, làm sao họ có thể dốc toàn sức (chưa nói đến tâm huyết) cho vai diễn của mình?

Trừ những diễn viên lành nghề và có ý thức trong việc phân biệt diễn xuất rõ ràng giữa phim và kịch, còn lại vì non nghề, hoặc diễn cho xong để chạy sô khác, nên xem họ đóng phim với diễn kịch chẳng khác nhau là mấy.

ĐD Vinh Hương, một trong những người đầu tiên mở màn phong trào mời diễn viên kịch đóng phim, tiết lộ rằng trong quá trình thực hiện bộ phim sitcom Lẵng hoa tình yêu, chị đã phải liên tục dùng "quyền lực" đạo diễn để kiềm chế những miếng diễn cương, ngẫu hứng gần như liên tục của các nghệ sĩ sân khấu. Nhưng, thể loại hài tình huống nửa kịch nửa phim kiểu Lẵng hoa tình yêu qua thực tế phát sóng cho thấy không hợp khẩu vị khán giả trong nước, nên phần tiếp theo như hứa hẹn đã mấy năm rồi vẫn chẳng thấy tăm hơi.

Các nhà sản xuất cứ khăng khăng "phim tôi làm là dành cho các bà nội trợ", các vị đạo diễn khăng khăng "phim Hàn, phim Thái cũng "kịch" như thế có sao đâu". Các bà nội trợ thời nay xem tivi màn hình phẳng chứ không phải bằng cái vô tuyến đen trắng đập mấy phát mới có hình ngày xưa mà các vị lại đánh giá thấp thị hiếu của họ rồi muốn cho xem cái gì thì cho như vậy. Còn chuyện so sánh phim Thái, phim Hàn, họa may diễn viên Thái còn diễn hơi giống kịch (mà so kè với nền phim ảnh chẳng hơn mình mấy làm gì), chứ diễn viên Hàn, họ diễn chê ở đâu được?

Công bằng mà nói, xem phim với những diễn viên sân khấu có giọng nói tốt vẫn hơn phải xem diễn viên thứ thiệt nhưng nói bằng chất giọng lưỡi ngắn, ngang phè, biểu cảm kém. Nếu nội dung các bộ phim truyền hình gần đây không quá gượng ép, phi thực tế, hoặc cố kéo dài lê thê lấp sóng, thì người ta cũng sẵn sàng lướt qua chuyện diễn viên nói đớt hay nói như kịch. Đằng này... Ai cũng thấy, ai cũng hiểu, nhưng nếu làm cho sạch nước cản, phim đâu ra kịp lịch phát sóng cứ đuổi sát sàn sạt sau gáy?

Thế nên, khi áp lực doanh thu quảng cáo, áp lực cần đủ phim để phát sóng như đã "giao kèo" với nhau vẫn còn nặng nề, chưa cần biết đến tỷ lệ phim Việt Nam trên sóng truyền hình mà nhà nước quy định thế nào, thì các nhà sản xuất còn bất chấp nhiều chuyện, miễn sản phẩm được ra lò.

Khán giả màn ảnh nhỏ sẽ còn bị xem những bộ phim truyền hình dở nội dung, gượng gạo tình tiết, cốt truyện vô lý dài dài. Họ chỉ được một: xem nghệ sĩ sân khấu diễn xuất mà không phải ra khỏi nhà!

Theo VÕ TIẾN - VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên