TTCT - Theo thông báo của Bộ Giáo dục - đào tạo Việt Nam thì sau năm 2015 sẽ đổi mới nhiều thứ trong giáo dục, trong đó có sách giáo khoa theo hướng sẽ có nhiều bộ sách. Phóng to Hiệu trưởng Trường Ulu trao đổi với chuyên gia Việt Nam về sách giáo khoa sử lớp 6 - Ảnh: N.K.T. Chủ trương này là đúng, nhiều quốc gia cũng làm như thế, tuy nhiên tôi không thấy bộ trình bày cách làm thế nào và sẽ quản lý sách giáo khoa ra sao? Kinh nghiệm của Phần Lan, quốc gia đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới bởi sự thành công trong lĩnh vực giáo dục, là một mô hình rất đáng tham khảo. Ban hành mục tiêu và chương trình giáo dục trước khi làm sách Trước hết, Quốc hội Phần Lan, nơi tập trung các đại diện của toàn dân, ban hành Luật giáo dục cơ bản, trong đó quy định mục tiêu, đường hướng của cấp học này (từ lớp 1 đến lớp 9). Chính phủ có trách nhiệm định nghĩa mục tiêu giáo dục một cách tổng quát và quy định thời lượng hoạt động tối thiểu của trường học. Dựa trên các căn cứ này, Hội đồng quốc gia giáo dục Phần Lan (thuộc Bộ Giáo dục và văn hóa) biên soạn Chương trình cốt lõi quốc gia về giáo dục cơ bản, trong đó trình bày cụ thể hơn các mục tiêu giáo dục bằng cách đưa ra những nét chính, cơ bản mô tả mẫu hình học sinh lý tưởng mà nhà trường phải lấy làm đích đến như thế nào, và thông qua đó giáo dục đem đến cho xã hội những lợi ích gì. Bộ GD-ĐT Việt Nam đang xây dựng một chương trình cải cách giáo dục phổ thông, trong đó có nói đến việc đổi mới sách giáo khoa, tuy nhiên tôi không thấy nói gì đến chuyện đổi mới mục tiêu giáo dục ở tầm quốc gia, không thấy nói đến việc xây dựng một chương trình giáo dục cốt lõi quốc gia. Nếu không làm những thứ này trước mà lại lo đổi mới sách giáo khoa thì theo tôi, chúng ta đang làm ngược quy trình, làm không có cơ sở nền tảng, và như vậy thì chẳng thể nào “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” được. Tài liệu này cũng mô tả mục tiêu và những nội dung cơ bản của từng môn học theo từng giai đoạn đào tạo (từ lớp 1 đến lớp 3, từ lớp 4 đến lớp 6, từ lớp 7 đến lớp 9). Trung bình mỗi môn học được trình bày vắn tắt trong khoảng 10 trang. Dựa trên Chương trình cốt lõi quốc gia này, hội đồng giáo dục địa phương tổ chức biên soạn chương trình giáo dục cho vùng mình, trong đó triển khai chi tiết với các mục đích, nhiệm vụ cụ thể cho từng năm học cũng như triển khai các nội dung liên quan đến từng môn học thành những “giáo án” cụ thể. Đó là sự triển khai, là sự nối kết giữa mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục ở cấp quốc gia và địa phương gắn liền với từng trường học, là tài liệu chính sử dụng chung cho các trường trong vùng. Giáo giới Phần Lan xem sách giáo khoa là một trong các dụng cụ phục vụ giảng dạy (cũng như các giáo cụ, các phần mềm tin học ứng dụng trong trường học...), được sản xuất và lưu hành trên thị trường chứ không phải là tài liệu có tính “pháp lệnh” như ở Việt Nam. Tác giả là giáo viên đứng lớp Tác giả của các bộ sách giáo khoa là chính các giáo viên đứng lớp tại cấp giáo dục cơ bản. Cá nhân nào, nhóm nào cũng có quyền soạn sách giáo khoa nếu thấy mình đủ khả năng. Tuy nhiên để sách giáo khoa do mình soạn được công nhận và sử dụng, các tác giả phải dựa vào nội dung của Chương trình cốt lõi quốc gia như đã trình bày trên. Trước khi chấp nhận cho xuất bản, bản thảo của các bộ sách phải qua kiểm duyệt của Hội đồng giáo dục quốc gia để xem bộ sách có đảm bảo chương trình và mục tiêu giáo dục quốc gia không. Các bộ sách giáo khoa khác nhau được tập trung giới thiệu trong một catalogue và gửi về các trường. Hiệu trưởng và giáo viên tại các trường bàn bạc và quyết định chọn bộ sách nào phù hợp với học sinh trường mình nhất để sử dụng. Sách giáo khoa như là một trong nhiều phương tiện hỗ trợ giáo viên đạt đến mục tiêu của giáo dục đã quy định trong chương trình quốc gia và vùng địa phương. Giáo viên có thể sử dụng một phần hay thậm chí không sử dụng sách giáo khoa, nhưng phải bám vào chương trình để có các điểm tựa căn bản. Ngay cả những nội dung quy định trong các chương trình, không ai bắt giáo viên phải tuân thủ răm rắp. Một giáo viên lớp 6 giải thích với chúng tôi: “Về cơ bản, chương trình giảng dạy này chỉ là một nền tảng, còn bạn luôn luôn có thể quyết định nội dung những gì bạn dạy, và sau đó cách làm thế nào bạn điều chỉnh nó... Ví dụ, bạn cũng có thể dạy thêm cho học sinh những nội dung không được quy định trong chương trình”. Như vậy, các trường khác nhau có thể sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau, giáo viên đứng lớp có quyền hạn rất lớn trong việc tổ chức và lựa chọn nội dung giảng dạy, nhưng tất cả phải có một đích đến chung, đó là mục tiêu giáo dục quốc gia. Tôi rất tâm đắc với cách làm này. Thứ nhất, tác giả của sách giáo khoa là chính các thầy cô đang đứng lớp, họ là người cọ xát, am hiểu nhất tâm lý lứa tuổi của học sinh, chứ không phải là các giáo sư tiến sĩ trên cao vốn không có kinh nghiệm thực tế như cách làm của chúng ta hiện nay. Cái hay thứ hai là khi các thầy cô trong các trường có quyền chọn sách để sử dụng, đương nhiên họ sẽ chủ động chọn bộ sách nào có nội dung, hình ảnh, văn hóa sát với bối cảnh địa phương, gần gũi với kinh nghiệm thường nhật của học sinh, điều vốn rất quan trọng đối với các phương pháp sư phạm hiện đại lấy học sinh làm trung tâm ngày nay. Cái hay thứ ba, cách làm này tạo ra nhiều lựa chọn và trao quyền lựa chọn cho chủ thể chính quyết định chất lượng giáo dục là các giáo viên đứng lớp, nó cũng phù hợp với cơ chế thị trường, hàm chứa trong đó yếu tố cạnh tranh, thúc đẩy các nhóm làm sách giáo khoa phải luôn nỗ lực để làm tốt nhất về mọi khía cạnh, nếu không sách của mình sẽ không có người sử dụng. Tags: Giáo dụcSách giáo khoaNgành giáo dụcPhần LanNguyễn Khánh Trung
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
4 người trong gia đình tử nạn ở Hà Nội: Các nạn nhân ôm chặt nhau dưới mương HỒNG QUANG 25/11/2024 Các nhân chứng cho biết khi họ tiếp cận nơi này, 4 người còn ngồi trên yên xe máy, ôm chặt nhau.
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là 'rất cần thiết' NGUYÊN KHÔI 25/11/2024 Trước những ý kiến khác về việc triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, quan điểm của Sở Văn hóa và Thể thao ra sao khi trình báo cáo?
Phản ứng của Tổng thống Philippines sau khi bị cấp phó dọa ám sát TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Sau khi bị cấp phó Sara Duterte dọa ám sát, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói ông sẽ không cho phép điều đó xảy ra.