Người xem quan tâm đến câu chuyện của 108 phi công Việt Nam từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước - Ảnh: T.ĐIỂU
Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức, khai mạc ngày 14-12.
Với 100 tài liệu, hiện vật, triển lãm góp phần làm rõ hơn về thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã chuẩn bị, chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược với mật danh Linerbaker II của Mỹ.
Phần triển làm này ngoài những thông tin chiến sự, ngoại giao, còn có nhiều hình ảnh ấn tượng về Hà Nội những ngày ác liệt mà anh dũng quật cường của quân và dân.
Hình ảnh nhân dân Hà Nội tập trung dưới các loa phóng thanh chăm chú theo dõi tin về việc ký kết Hiệp định Paris được trưng bày tại triển lãm - Ảnh: TTXVN
Đó là những hình ảnh từ sở chỉ huy tới những gánh hàng hoa trên đường phố của cô gái làng Ngọc Hà, hoa và người cùng rạng rỡ bên xác máy bay B52 rơi dưới ao làng, hình ảnh phố phường tan hoang vì bom đạn và đông đúc hồi hộp chờ nghe tin chiến thắng từ cuộc đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris…
Và nhiều thông tin, hình ảnh làm rõ vai trò chỉ huy, kết nối thông suốt các mặt trận từ căn hầm chỉ huy tác chiến, Bộ tổng tham mưu (hầm T1) thuộc nhà Cục tác chiến trong di tích Hoàng thành Thăng Long ngày nay.
Căn hầm được xây dựng vào năm 1964, là nơi tiếp nhận những báo cáo cũng như đưa ra các chỉ đạo trực tiếp đến khắp các chiến trường trên cả nước.
Người xem thích thú với ứng dụng công nghệ 3D mapping tái hiện hoạt cảnh Hầm T1 trong đêm bão lửa về ngày đầu tiên Mỹ đưa B.52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc - Ảnh: T.ĐIỂU
Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, hầm chỉ huy tác chiến cùng một lúc thực hiện ba nhiệm vụ lớn: chỉ huy bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; đảm bảo giao thông chi viện cho miền Nam; tổ chức báo động phòng không nhân dân.
Chính tại căn hầm này đã phát ra những hồi còi đầu tiên báo động phòng không trên toàn thành phố Hà Nội khi máy bay Mỹ tiến vào bắn phá thủ đô, để người dân vào hầm trú ẩn trước 35 phút, các đơn vị vũ trang sẵn sàng chiến đấu.
Tại triển lãm này, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội ứng dụng công nghệ 3D mapping tái hiện hoạt cảnh Hầm T1 trong đêm bão lửa về ngày đầu tiên Mỹ đưa B.52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thời khắc chiếc máy bay B.52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong đêm mở màn chiến dịch.
Đáng chú ý, triển lãm mang tới hai bức tranh cổ động được sáng tác vào đúng những tháng ngày khói bom năm 1972 ở Hà Nội của họa sĩ tranh cổ động tài năng Trường Sinh. Đã lâu người xem mới được nhìn ngắm lại những bức tranh cổ động được vẽ rất có nghề, rất có hồn của một thời tranh cổ động giữ vai trò lịch sử quan trọng.
Triển lãm cũng lần đầu tiên giới thiệu câu chuyện của 108 phi công Việt Nam từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt là những phi công trực tiếp tham gia chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của Mỹ cuối năm 1972.
Những câu chuyện này được kể qua hình ảnh và ít thông tin ngắn gọn đi kèm, rút từ cuốn sách 108 phi công chiến đấu Việt Nam được ra mắt dịp này, cùng cuốn Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận