Phóng to |
Diễn kịch về an toàn giao thông ở Trường THPT Marie Curie - Ảnh: H.HG. |
Vở kịch do các diễn viên của Sân khấu kịch Hồng Vân (thuộc Công ty cổ phần sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn) biểu diễn, kể về một cậu học sinh 17 tuổi tên Đức. Cha Đức tỏ ra khá nghiêm khắc với cậu nhưng mẹ Đức thì ngược lại. Bà chiều theo tất cả những đòi hỏi của con vì “nó là con cầu con khẩn của tui”. Hễ không hài lòng chuyện gì là Đức lăn ra... xỉu. Khi kết bạn với nhóm người xấu, chuyên đua xe, Đức đã bị nhóm bạn này dụ dỗ về nhà vòi vĩnh cha mẹ phải mua xe SH cho mình. Biết con chưa đến tuổi chạy xe phân khối lớn nhưng vì chiều con, mẹ Đức đã mua xe. Và rồi Đức gây ra tai nạn giao thông...
Khi vở kịch kết thúc, đạo diễn Lê Quốc Nam và nghệ sĩ Minh Nhí đã mời một số học sinh lên sân khấu cùng ứng phó với một tình huống trong vở kịch. Đây cũng là tiết mục tạo được sự hứng thú nơi các học sinh.
Theo học sinh Nguyễn Thanh Huỳnh, lớp 11A11: “Chương trình rất thú vị bởi các tình huống trong vở kịch đều gần gũi với cuộc sống đời thường. Lâu nay mình đã xem nhiều tiểu phẩm về an toàn giao thông nhưng hôm nay xem diễn viên kịch biểu diễn vẫn thấy thích hơn. Họ diễn chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn hơn. Điều đặc biệt và gây bất ngờ nhất là tụi mình được xem các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn ngay tại sân của trường mình. Sau buổi sinh hoạt, mình rút ra một điều: không nên đi xe máy sớm bởi việc đó không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của bản thân mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng người khác”.
Sau buổi biểu diễn, ThS Trần Thị Kim Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - đã chủ trì cuộc họp với đại diện Công ty Vân Tuấn, ban giám hiệu Trường Marie Curie và hiệu trưởng 14 trường THPT trên địa bàn TP dự kiến sẽ thực hiện thí điểm chương trình diễn kịch để tuyên truyền về an toàn giao thông. Một số hiệu trưởng đã góp ý nên chỉnh sửa vài phân đoạn trong vở kịch nhằm đạt mục tiêu giáo dục cao hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie - nhận xét: “Đây là một hoạt động ngoại khóa bổ ích. Cách tuyên truyền, giáo dục các em tuy nhẹ nhàng nhưng “thấm” hơn nhiều so với các bài diễn văn hay những lời rao giảng kêu gọi học sinh bảo đảm an toàn giao thông. Tôi rất hoan nghênh sân khấu kịch Hồng Vân đã nỗ lực đưa nghệ thuật kịch nói đến với nhà trường phổ thông”.
Không phải ngẫu nhiên mà Huỳnh Thị Ngọc Yến - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Marie Curie - đã phát biểu trong buổi sinh hoạt: “Là học sinh, mỗi chúng ta phải xem xét lại mình đã bao giờ vi phạm luật giao thông chưa? Tất nhiên là có nhưng qua mỗi lần như vậy chúng ta phải biết nhìn nhận và rút kinh nghiệm để lần sau không tái phạm”. Yến cũng đặt ra câu hỏi trước con số hàng vạn người thiệt mạng vì tai nạn giao thông hằng năm: “Nỗi đau ấy, sự chia ly một cách đột ngột sẽ phải âm vang trong trái tim, trong sự sợ hãi của mỗi con người hoài hay sao?...”.
Phóng to |
Học sinh Trường Marie Curie đã có một buổi sinh hoạt thú vị với những tràng cười sảng khoái - Ảnh: H.HG |
Hình thành một lực lượng khán giả kế thừa
Trước đây, chúng tôi từng đưa nghệ thuật kịch nói đến với học sinh thông qua dòng văn học hiện thực phê phán. Tuy nhiên, hiệu ứng của chương trình chưa lan tỏa. Công ty cổ phần sân khấu và điện ảnh Vân Tuấn đã viết dự án “Kết nối cộng đồng” và trình lên Sở VH-TT&DL TP.HCM. Sở đã duyệt cho chúng tôi thành lập đội xung kích nhỏ, gọn để đến các trường biểu diễn kịch tuyên truyền về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, cư xử trong cộng đồng... Sở cấp kinh phí cho mỗi suất diễn là 6 triệu đồng. Hiện tại chúng tôi đã tìm được hai nhà tài trợ giúp đỡ các anh em có thể biểu diễn thí điểm tại 15 trường THPT và 15 trường tiểu học trên địa bàn TP.
Mục đích lâu dài của dự án này là hình thành một lực lượng khán giả kế thừa cho sân khấu kịch nói, tránh tình trạng như sân khấu cải lương, chèo, tuồng: đối tượng khán giả chỉ toàn người lớn tuổi”.
NSND Hồng Vân(giám đốc sân khấu kịch Hồng Vân)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận