Hàng ngàn bạn trẻ và người dân nhiều độ tuổi đã đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm tại chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP.HCM". Chương trình diễn ra từ ngày 23 đến 25-8, giúp người dân thành phố hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Thăng Long xưa, Hà Nội nay.
Tái hiện Ô Quan Chưởng, phố Hàng Quạt, Hàng Khoai… trong Những ngày Hà Nội tại TP.HCM
Bạn trẻ đặc biệt thích thú với các gian hàng mô phỏng không gian phố phường Hà Nội, với lối vào tái hiện Ô Quan Chưởng, hai bên là các phố Hàng Quạt, Hàng Khoai, Hàng Chiếu… Dọc hai bên là các gian hàng phảng phất nét cổ kính xứ kinh kỳ.
Ở trước mỗi gian hàng, người tham quan có thể quét mã QR để đọc thông tin về làng nghề, cũng như thông tin về nghệ nhân đại diện.
Nhiều bạn trẻ ghé vào các gian hàng của các làng nghề dệt truyền thống Phùng Xá, thêu Thường Tín, mây tre đan Phú Vinh, làng gốm sứ Bát Tràng, nón làng Chuông, các gian tò he, mỹ nghệ…
Tại gian hàng của làng nghề Phùng Xá, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (70 tuổi) ngồi kéo sợi, giải thích về nguồn gốc của lụa tơ sen đắt giá. "Thấy mọi người tìm hiểu, các bạn trẻ hỏi về nghề dệt, tôi rất vui khi nói về nghề truyền thống của gia đình, của làng mình", bà Thuận chia sẻ.
Nơi đây thu hút bởi những chiếc khăn thêu hoa sen, tháp rùa… tinh xảo, những thước vải tơ lụa, vải gấm yêu kiều. Chị Lê Ngọc Hân (24 tuổi, ngụ quận 3) đi cùng mẹ, vừa mua mấy mét vải gấm để về may áo dài.
Chị Hân cho biết gia đình rất thích áo dài, sẵn dịp có chương trình này nên mua may luôn, giá từ 500.000 đồng/mét.
Còn ở gian hàng thêu Thường Tín, bạn trẻ chọn mua các sản phẩm thêu thủ công như gương soi, cài tóc, tranh… với giá khoảng 150.000 đồng/sản phẩm.
Gian hàng sản phẩm lược sừng, trang sức, đồ trang trí như tượng hạc nhỏ, cú mèo, tách trà… của làng nghề Thụy Ứng cũng phong phú. Những chiếc lược nhiều kích cỡ, giá từ 30.000 đồng, dụng cụ massage giá từ vài trăm ngàn đồng.
Xuồng tò he chở bông, trái cây Nam Bộ thân thương
Ở gian hàng tò he Việt, nghệ nhân Đặng Văn Hậu tận tình giải thích thắc mắc của khách tham quan về kiểu dáng các mâm ngũ quả, đèn lồng, tượng tí hon…
Đặc biệt, anh còn sáng tạo mô hình xuồng chở bông, trái cây, chợ nổi Nam Bộ công phu khiến nhiều khách ghé đến thích thú. Mâm ngũ quả có giá từ 50.000 đồng tùy kích cỡ.
Phía gian hàng gốm sứ Bát Tràng, những bà mẹ trẻ dẫn theo con nhỏ để con trải nghiệm nặn gốm.
Đi khỏi không gian làng nghề, bạn trẻ có thể ghé vào khu ẩm thực với các món ăn, thức uống đa dạng, như chả cốm, bún đậu, bánh đúc, nước sấu, nước mơ… Nơi đây có khu để bàn ghế ăn uống nên khá thuận tiện.
"Những ngày Hà Nội tại TP.HCM" là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2024), nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa, di sản văn hóa tiêu biểu của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Một số hoạt động:
23-8 đến 31-10: Trưng bày, triển lãm, giới thiệu tinh hoa Đạo học Việt Nam, tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (phường 8, quận 3, TP.HCM).
23 đến 25-8: Chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết thủ đô Hà Nội - TP.HCM.
Tối 24-8: Giao lưu nghệ thuật Giai điệu trẻ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với sự góp mặt của ca sĩ đến từ Hà Nội và TP.HCM.
Sáng 24-8: Biểu diễn võ thuật và thể dục nghệ thuật, thi đấu giao hữu bóng rổ nam, nữ U23 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM.
Tối 25-8: Bế mạc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận