Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ thay thế hồ sơ giấy, từ tháng 7-2019 ngành y tế sẽ triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn quốc - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Hồ sơ điện tử, quản lý sức khỏe trọn đời" là khẳng định của ông Trần Quý Tường - cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Y tế ) - tại hội thảo đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tổ chức mới đây ở TP.HCM.
Ông Trần Quý Tường - cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ Y tế )
* Thưa ông, việc áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử khác gì với cách quản lý hồ sơ giấy hiện nay?
- Về thiết kế phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử phải tương thích với tiêu chuẩn HL7 (Health Level 7 - tiêu chuẩn quốc tế về quản lý, trao đổi và tích hợp dữ liệu y tế). Tiêu chuẩn này giúp tiết kiệm chi phí, chia sẻ thông tin khám, chữa bệnh giữa các tuyến, bệnh nhân có thể tự theo dõi thông tin bệnh tật của mình trên smart phone…
Dùng phần mềm này để đảm bảo ghi nhận toàn bộ nội dung, thông tin hồ sơ theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời định dạng được dữ liệu đầu ra, trích chuyển dữ liệu điện tử sử dụng trong quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Đặc biệt có sự kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với các hệ thống thông tin y tế liên quan.
* Lợi ích mang lại cho người dân thế nào, thưa ông?
- Hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm các thông tin về lịch sử sức khỏe từ lúc sinh ra như tiêm chủng, di truyền, các thông tin sức khỏe trong quá trình khám chữa bệnh suốt cuộc đời một con người…
Từ hồ sơ này giúp cho cơ quan y tế quản lý sức khỏe toàn dân, mỗi người có thể chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của chính mình, cung cấp cho bác sĩ đầy đủ các thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Từ đó kết hợp với việc thăm khám, bác sĩ đưa ra nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện, chính xác hơn.
* Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đã thực hiện đến đâu?
- Từ cuối năm 2017 Bộ Y tế phê duyệt đề án, giao đơn vị xây dựng cơ chế chính sách, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các trạm y tế xã, phường. Theo lộ trình tháng 7-2019 sẽ đưa vào triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn quốc.
Trước khi đưa vào triển khai đồng loạt, chúng tôi triển khai thí điểm thành công tại hai tỉnh gồm Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Bước đầu giao cho trạm y tế phường xã quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Khi người dân đến khám chữa bệnh, trạm thực hiện việc cập nhật thông tin. Đến nay có 31 địa phương triển khai, các địa phương tỏ ra rất quan tâm, hào hứng.
* Vừa qua có hiện tượng một số cơ sở y tế để lộ tài khoản, mật khẩu đăng nhập dẫn đến việc một số cá nhân lợi dụng xây dựng các ứng dụng khác để khai thác trái phép cơ sở dữ liệu?
- Hiện có tình trạng các sở y tế kết hợp các doanh nghiệp nhưng chưa có thỏa thuận và quy chế phối hợp để an toàn thông tin cho người dân. Hầu như các máy chủ hiện tại đều đặt tại các doanh nghiệp, do vậy rất cần thiết phải xây dựng quy chế phối hợp, hợp đồng quản lý.
Cụ thể doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm xây dựng, còn khai thác và xử lý dữ liệu đó phải thuộc sở y tế. Nếu để lọt thông tin, chính doanh nghiệp quản lý máy chủ phải chịu trách nhiệm.
Chuẩn đầu ra, liên thông dữ liệu
Với kỳ vọng xây dựng ngành y tế thông minh, ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế - khẳng định cần phải có hệ thống quản trị y tế thông minh, hệ thống các bệnh viện thông minh, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử thông minh.
Theo đó, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử phải có chuẩn đầu ra, có thể kết nối liên thông với các hệ thống khác về y tế nhằm sử dụng dữ liệu chứ không phải phần mềm quản lý sức khỏe riêng, phần mềm quản lý BHYT riêng, tiêm chủng mở rộng riêng.
Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống liên thông dọc giữa trạm y tế phường xã, bệnh viện quận huyện, tỉnh đến sở y tế, Bộ Y tế.
Thuận lợi cho người bệnh
Chị N.T.N.H. (quận 2, TP.HCM) sau khi đi khám bệnh về đã nhận được tin nhắn của BHXH VN thông tin chi phí cơ sở y tế đề nghị cơ quan BHYT thanh toán.
"Tôi ngạc nhiên, cảm thấy rất thích khi nhận được tin nhắn. Tôi xem đây là việc làm thiết thực. Tương đồng với cách làm này, tôi nghĩ ngành y tế triển khai nhanh chóng hồ sơ sức khỏe điện tử, làm sao để mỗi người dân có mã số định danh, password bảo mật, thông qua Internet có thể đăng nhập nắm được tình hình sức khỏe của mình" - chị N.H. nói.
L.H.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận