20/06/2015 09:28 GMT+7

Xem hộ kinh doanh như “con bò sữa”

LÊ THANH ghi
LÊ THANH ghi

TT - Đề tài nghiên cứu thực hiện khảo sát 500 hộ kinh doanh ở tám tỉnh thành cho thấy hành động thỏa hiệp giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh diễn ra nhiều hơn.

Một bảng tuyên truyền về Thuế  ở chợ Tây Lộc, thành phố Huế - Ảnh: Ngọc Hiển

TS Đặng Hoàng Giang (phó giám đốc CECODES - chủ biên đề tài nghiên cứu “Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại VN”) - cho biết: Đề tài nghiên cứu thực hiện khảo sát 500 hộ kinh doanh ở tám tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Thái Bình, Bình Dương... vừa hoàn thành vào năm nay.

Mục đích chính của nghiên cứu là đánh giá nguy cơ, hình thức và chi phí tham nhũng liên quan đến các hộ kinh doanh phát sinh từ việc tuân thủ pháp luật về thuế.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc vòi tiền diễn ra ít hơn nhưng hành động thỏa hiệp giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh lại diễn ra nhiều hơn.

Qua phỏng vấn các hộ kinh doanh, có hai vấn đề nổi lên. 

Thứ nhất: các hộ phàn nàn về thuế suất tăng đều trong các năm qua trong khi tình hình kinh doanh đi xuống. Một số hộ cho biết có thắc mắc về mức thuế phải nộp và khiếu nại việc này lên các cơ quan chức năng nhưng không được phản hồi.

Thứ hai: đa số chủ hộ kinh doanh không nắm rõ cách thức tính thuế. Và khi trao đổi với nhóm nghiên cứu, họ đều có chung câu trả lời: “Chúng tôi chỉ đóng thuế theo số được thông báo”. Một số hộ phản ảnh rằng: “Các cán bộ thuế không quan tâm đến việc hoạt động kinh doanh của chúng tôi có tốt hay không. Họ xác định mức thuế và nói rằng giá cả mọi thứ đang tăng lên, vì vậy tiền thuế cũng phải tăng! Tôi không rõ họ tính thuế như thế nào”.

Thậm chí, một chủ hộ kinh doanh tại TP.HCM tiết lộ: “Chỉ nộp một khoản thuế từ 5-6 triệu đồng/năm, gồm cả tiền thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân... và cả tiền bồi dưỡng. Việc này diễn ra kín đáo, không có biên lai, không gì hết. Cán bộ thuế không cần biết hộ kinh doanh làm ăn như thế nào, thỏa thuận và người kinh doanh nộp là xong”.

Còn tại Thái Bình, một số hộ cho biết phong bì trở thành “lệ” trong các lần kiểm tra cuối năm. “Mỗi hộ kinh doanh trên phố sẽ đưa phong bì 5 triệu đồng, nếu không cán bộ sẽ tìm ra một hộ nào đó vi phạm để phạt. Đưa phong bì sẽ giúp giải quyết vấn đề dễ dàng hơn, nếu không sẽ bị tốn chi phí hơn”, một hộ nói.

Nhiều tiểu thương cũng cho biết bị cán bộ thuế nhũng nhiễu nhưng không bao giờ gây khó quá mức, bởi cán bộ thuế không muốn hộ kinh doanh bị phá sản.

Theo tôi, một bộ phận cán bộ thuế xem hộ kinh doanh như là bò sữa thế nên cũng phải vắt vừa đủ để bò không bị kiệt sức. Đây là quan hệ lâu dài, giả sử làm ăn khó khăn thì nhũng nhiễu cũng giảm xuống và ngược lại. Có sự tinh tế nhịp nhàng, sự nhạy cảm nhất định, nhưng cho thấy có mức độ thỏa thuận ngầm rất cao.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là người dân sẵn sàng câu kết với cán bộ thuế để chung chia tiền thuế, khiến tình trạng này càng phổ biến để mức thuế nộp ít hơn so với mức mà cán bộ thuế yêu cầu.

Bên cạnh đó, họ không tin vào khiếu nại của họ được giải quyết và nếu có khiếu nại thì người làm sai không bị xử lý. Thậm chí, nếu tố cáo xong mà cán bộ thuế không bị xử lý, kiểm điểm còn quay lại gây khó khăn cho hộ kinh doanh thì họ không muốn tố cáo làm gì!

LÊ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên