Nhiều người chứng kiến và ghi nhận lại hình ảnh nhà báo Quang Thế bị đánh trên cầu Nhật Tân ngày 23-9- Ảnh: M.C |
Trước rất nhiều hình ảnh, video clip xác thực ghi lại hình ảnh phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) bị đánh khi đang tác nghiệp trên cầu Nhật Tân, Công an Hà Nội giải thích là do "cảnh sát đã gạt tay trúng vào má, đá nhưng không trúng."
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, công an nói rằng: "Đồng chí Ngô Quang Hưng có dùng tay gạt trúng vào má nhà báo Quang Thế và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng vào nhà báo Quang Thế. Đồng chí Thuyên gạt tay vào một máy quay”. Và ông Ngọc cho biết ông Hưng bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Trong lúc đó, Công an quận Tây Hồ gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo Quang Thế với tổng số tiền 14.405.000 đồng.
Các nhà báo khác cũng bị ngăn cản
Trước vụ việc này, nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nói: "Chúng tôi đề nghị Công an TP Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Theo lời anh Quang Thế tường trình với chúng tôi, anh chỉ có lỗi để xe máy trên cầu Nhật Tân khi vội vàng tác nghiệp, chứ không bị những lỗi khác như quyết định xử phạt của Công an quận Tây Hồ."
Nhà báo Lê Xuân Trung cho biết thêm: "Những hình ảnh ghi lại vụ việc này cũng cho thấy các nhà báo đã bị ngăn cản ngay từ đầu nên họ không thể tác nghiệp, chưa thu thập được thông tin về vụ tài xế taxi tự tử. Hiện trường không được giới hạn rõ trong phạm vi nào nên không thể kết luận các nhà báo (gồm Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật VN, Tuổi Trẻ Thủ Đô, Zingnews…) đã “vào khu vực cấm” và “cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân” như quyết định xử phạt quy kết.
Hơn nữa, cơ quan công an không có biên bản về các lỗi hành chính mà anh Quang Thế bị cho là vi phạm thì căn cứ trên cơ sở nào để xử phạt anh Thế rất nhiều lỗi như vậy?
Liệu Công an TP Hà Nội đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội là điều tra việc “Công an huyện Đông Anh hành hung phóng viên” (chứ không phải gạt tay trúng má) và “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” hay chưa?
Đó là câu hỏi cần được lãnh đạo Công an Hà Nội trả lời đầy đủ và có trách nhiệm không chỉ cho lãnh đạo thành phố mà còn cho công chúng cả nước."
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Hồ Quang Lợi - phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết gần đây liên tục xảy ra các vụ việc nhà báo bị cản trở khi đang tác nghiệp, hoạt động đúng quy định của pháp luật. Thậm chí có những vụ hành hung, thu giữ, đập phá, hủy hoại phương tiện tác nghiệp của nhà báo.
“Đây là những hành động không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm. Hội Nhà báo Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc để điều tra xử lý, có những vụ có tính chất vi phạm hình sự đã đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Lợi nói.
"Gạt tay trúng má, đá không trúng"
Trước đó, tối 29-9, đại tá Nguyễn Duy Ngọc - phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, cho rằng: “Khi lực lượng công an đang bảo vệ hiện trường, có cả lực lượng cảnh sát công khai, công an xã và trinh sát hoá trang cùng với các đơn vị làm nghiệp vụ để tổ chức các biện pháp theo chỉ đạo của cơ quan cảnh sát điều tra, có một số phóng viên tới hiện trường để tác nghiệp. Lúc bấy giờ nhà báo cũng không xuất trình được thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cần thiết theo yêu cầu của những người bảo vệ hiện trường”.
Ông Ngọc nói: “Trong quá trình làm nhiệm vụ, do giải thích, yêu cầu không được, nên đồng chí Hưng và đồng chí Thuyên là cảnh sát hình sự của công an huyện Đông Anh đã có yêu cầu và trong quá trình yêu cầu hai bên có “xô xát”.
Ông Ngọc đưa ra thông tin rằng: “Đồng chí Hưng có dùng tay gạt trúng vào má nhà báo Quang Thế và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng vào nhà báo Quang Thế. Đồng chí Thuyên gạt tay vào một máy quay”.
Theo ông Ngọc, công an Ngô Quang Hưng bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Trong khi đó, Công an quận Tây Hồ thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu:
Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.
Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng.
Điều 7. Cung cấp thông tin cho báo chí Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. (Trích Luật Báo chí sửa đổi 1999 đang có hiệu lực thi hành) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận