Phóng to |
Đó là một câu chuyện buồn về cuộc sống của những con người trong xã hội hiện đại, nơi đồng tiền và sự dối trá có thể làm xói mòn những điều tốt đẹp nhất. Anh Việt kiều tên Trần khát khao đổi đời đã cãi lời cha để đi tìm thiên đường nơi đất Mỹ. Nhưng ở nơi xa xôi đó, người ta lại thấy Trần ngày đêm quần quật với những công việc nặng nhọc như bốc vác, bồi bàn, gác cửa toalét trong vũ trường... Bất hạnh hơn, một tai nạn đã cướp đi khả năng làm chồng của Trần khiến người vợ yêu dấu cũng đành dứt áo ra đi.
Cuộc sống không hề là thiên đường như giấc mơ của anh năm nào, nhưng đối với cha và những đứa em ở cách đó nửa vòng trái đất thì Trần là một ông chủ nhà hàng phát đạt và hạnh phúc. Những màn kịch buồn bắt đầu từ đó, khi Trần cứ nai lưng làm để gửi tiền về chứng tỏ mình giàu, khi thằng em trai cứ ra sức giả nghèo để moi tiền của ông anh Việt kiều nướng vào các sới bạc, và khi người cha dù đã biết chân tướng sự việc nhưng vẫn im lặng để cuối cùng chết đi trong nỗi đau về những đứa con thơ dại...
Trở lại với Cha yêu ở vị trí của diễn viên chứ không phải là đạo diễn như trong bản dựng cũ, Công Ninh đã có một vai diễn nhiều cảm xúc. Anh khắc khổ và lầm lụi với những cơ cực của một kiếp người ở tạm. Anh hồn nhiên, thật thà trong những loay hoay nơi đất khách. Anh đau đớn, rã rời với nỗi ân hận muộn màng khi trở về...
Trong vai ông già bán vé số mang hình bóng của người cha đã mất, NSƯT Việt Anh tuy chỉ xuất hiện chút ít nhưng bằng cái duyên sân khấu được bồi đắp qua thời gian đã mang lại cho khán giả những tràng cười thú vị xen lẫn giữa những điều lắng đọng.
Đó là một vở diễn xúc động và đáng xem của Thanh Hoàng, của sân khấu 5B. Vở diễn kết thúc nhưng những màn kịch vụng về giữa những con người ở đó như vẫn còn chơi vơi, khắc khoải và buồn như chính những gì mà cuộc đời đã trả lại cho họ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận