Bức thư “tuyệt đối bí mật” Bác viết ngày 10-3-1968, hơn một năm trước lúc Bác mất, đang được giới thiệu tới đông đảo công chúng trong triển lãm Dòng cảm xúc từ khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Bác về sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch.
Lần đầu tiên hệ thống hóa toàn bộ những cảm tưởng về Bác Hồ
Trọng tâm của triển lãm là hàng ngàn cảm tưởng của nhân dân trong nước và kiều bào ở khắp mọi miền, các nguyên thủ, chính khách và bạn bè quốc tế trong suốt 55 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi.
Đây là lần đầu tiên khu di tích thực hiện việc hệ thống hóa toàn bộ những cảm tưởng về Bác Hồ mà khu di tích đã và đang lưu giữ trong suốt 55 năm qua (1969 - 2024).
Người xem được thấy vô vàn tình cảm yêu thương, tôn kính mà nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế khắp năm châu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ các tổng thống Mỹ, Hàn Quốc, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, tới những học trò xuất sắc của Người như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm…
Riêng về tình cảm của những chính khách quốc tế dành cho Bác, có thể kể đến những lời tôn kính sâu sắc của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi ông sang thăm Việt Nam năm 2018: “Tôi luôn khắc sâu trong tim tinh thần yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đặc biệt lãnh đạo các nước châu Phi, Mỹ Latin đã bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn vô vàn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi Bác là “người vĩ đại nhất trong những người vĩ đại”, đã khích lệ các nước này vùng lên giành độc lập.
Lá thư tuyệt mật và lòng mong mỏi của Bác Hồ
Một phần quan trọng của triển lãm là những tình cảm của đồng bào miền Nam dành cho Bác Hồ và tình cảm của Bác dành cho miền Nam ruột thịt.
Trong đó người xem bắt gặp bức thư “tuyệt đối bí mật” vô cùng cảm động mà Bác gửi “chú Duẩn” - Tổng Bí thư Lê Duẩn - chỉ hơn một năm trước ngày Bác mất.
Mở đầu bức thư Bác viết: “Chú Duẩn thân mến! Nhớ lại hồi Nôen năm ngoái, chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn...”.
Trong thư Bác còn nêu rõ kế hoạch chi tiết mà Bác đã vạch sẵn để có thể vào với đồng bào an toàn. Đó là kế hoạch Bác sẽ đi bằng tàu thủy, giả làm thủy thủ trên tàu. Cùng đi có “chú Bảo và Kỳ”.
Bác tính toán vượt biển mất độ 6 ngày và 10 ngày để chuẩn bị.
Thời gian thăm miền Nam Bác lên kế hoạch “ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong một tháng”...
Nhưng ước nguyện tha thiết của Bác được đi thăm đồng bào miền Nam không thể được thực hiện bởi Bộ Chính trị không yên tâm về sức khỏe và sự an toàn cho Người.
Sau bức thư này, hơn một năm sau Bác qua đời. Ước nguyện đi thăm đồng bào miền Nam của Bác không thể thực hiện, nhưng “miền Nam luôn ở trong trái tim” của Người.
Theo tác giả Hồng Khanh trong cuốn sách Phong cách Bác Hồ đến cơ sở (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật), kể từ sau lần vào thăm nhân dân, cán bộ Quảng Bình - Vĩnh Linh năm 1957, không năm nào Bác không đề nghị Bộ Chính trị tạo điều kiện cho Bác có dịp vào thăm đồng bào miền Nam, nhưng đều không thành.
Nhìn những dòng thư tay của Bác, thấu hiểu nỗi tha thiết được vào thăm đồng bào miền Nam của Người, càng quý trọng hơn giá trị của hòa bình và thống nhất của đất nước hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận