Một bi kịch cũ, từng quá nổi tiếng ở sân khấu cải lương của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, giờ trở đi trở lại vài lần ở Hoàng Thái Thanh mà không hiểu sao vẫn kéo khán giả tới rạp để khóc cười với từng nhân vật.
Trong số các vai diễn đầy xúc cảm đó, nhiều người đến để rưng rưng với nhân vật người mẹ, bà Giáo, của nghệ sĩ Ái Như. Nhất là trong mùa Vu lan nhớ mẹ!
Nâng niu những giá trị xưa
Xem Nửa đời hương phấn bản dựng của Hoàng Thái Thanh người ta không chìm trong hồi ức của vở diễn cũ.
Cũng bi kịch đó nhưng lý giải theo góc nhìn của người hôm nay nên với Nửa đời hương phấn khán giả có cảm giác vừa quen vừa lạ.
Dựng lại kịch bản cũ là tiếp tục nâng niu những giá trị đã sống mãi trong lòng công chúng.
Như đạo diễn Thành Hội từng chia sẻ trước giai đoạn 1975, thế hệ ông có gì để mà coi.
Chỉ bật cải lương nghe, để rồi những Nửa đời hương phấn, Lan và Điệp… đã trở thành ký ức đẹp không chỉ riêng Thành Hội mà còn của rất nhiều khán giả miền Nam.
Thậm chí ở thời điểm hiện tại, khi có những muộn phiền, những trăn trở về nghề, Thành Hội cũng bật cải lương nghe, trong đó có Nửa đời hương phấn.
Nhưng tôn vinh kịch bản cũ không phải để y xì mà từ đó biết nối tiếp và phát triển, như là cách để công chúng hôm nay có thể tiếp cận giá trị cũ mà không cảm thấy lỗi thời, có khoảng cách về suy nghĩ, quan điểm giữa các thế hệ.
Là đạo diễn nữ nên Ái Như có thế mạnh khi khai thác Nửa đời hương phấn phiên bản mới. Chị có sự đồng cảm và biết cách vận dụng từng tình tiết để khắc họa thân phận nữ giới trong vở. Đặc biệt là với cô The, người phụ nữ bị cuộc đời xô đẩy vào vũng bùn nhơ nhớp của cuộc đời.
Ái Như và tình mẹ bao la trong Nửa đời hương phấn
Cô The (Hồng Ánh) là điểm sáng trong vở. Nhưng bên cạnh cô The, nhân vật bà Giáo của Ái Như chính là bến bờ yêu thương đầy xúc cảm.
Khác với một số ông bà bầu bỏ tiền làm sân khấu rồi… tranh thủ đóng vai chính bất kể hợp vai hay không, Thành Hội, Ái Như từ lúc thành lập Sân khấu Hoàng Thái Thanh luôn biết lùi lại, chọn vai diễn phù hợp để yểm trợ đàn em.
Trong Nửa đời hương phấn, bà Giáo của Ái Như xuất hiện rất ít.
Nhưng có thể thấy đẳng cấp của diễn viên lớn là dù không chiếm "spotlight" vẫn có thể tỏa sáng.
Vai diễn của Ái Như trong vở là thứ ánh sáng không gắt, mà nó nhẹ nhàng và có khả năng chữa lành rất cao.
Một bà Giáo hiền lành, sống trong thời kỳ định kiến còn quá khắt khe thì đối diện với việc con gái là gái bán hoa quả là như đất trời sụp đổ. Nhưng tình mẹ đã cho bà nghị lực để đương đầu với búa rìu dư luận, không sĩ diện nhục nhã mà đẩy con mình vào bóng tối.
Bà Giáo - Ái Như đã dùng tình mẹ của mình để ôm lấy cô con gái đầy tổn thương. Cảnh đắt giá của vở chính là đoạn bà Giáo gội đầu cho The bằng thứ nước bồ kết dân dã quê nhà. Một phân đoạn không quá 10 phút nhưng lấy bao nước mắt của người xem.
Mẹ không chỉ gội đầu cho con mà chính tay mẹ gột sạch những nhơ nhớp mà cô con gái nhỏ bé đã bị dòng đời xô đẩy một cách oan nghiệt.
Nước mắt của khán giả không chỉ vì nhân vật mà còn là những giọt nước mắt thanh lọc tâm hồn. Bởi họ thấy đâu đó có tình mẹ của mình.
Những người mẹ luôn bao dung, sẵn sàng che chở cho con. Ngoài kia dù cuộc đời có dông bão như thế nào thì vẫn có mẹ để quay về. Mẹ chính là người bảo vệ và trao tình thương cho con vô điều kiện.
Mùa Vu lan, xem Nửa đời hương phấn, được khóc với tình mẹ vô bờ bến của bà Giáo - Ái Như và cô The - Hồng Ánh càng thêm ý nghĩa...
Vở Nửa đời hương phấn nằm trong mùa diễn thứ hai năm 2024 của Sân khấu Hoàng Thái Thanh mang tên Mùa kỷ niệm.
Ngoài Ái Như, Hồng Ánh, vở còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ Trịnh Xuân Nhản, Đoàn Minh Tài, Tú Vi, Ngọc Duyên, Thanh Sơn, Nguyễn Long…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận