Xe ưu tiên cũng... thiếu ý thức?

TRỌNG NGHĨA 25/02/2012 23:02 GMT+7

TTCT - Rất nhiều giải pháp cho Năm an toàn giao thông đã được bàn thảo, phân tích, mổ xẻ. Nhiều ý kiến cho rằng khó nhất vẫn là giáo dục ý thức người điều khiển xe trên đường, bởi điều này đâu thể làm ngày một ngày hai.

Phóng to
Giao thông lộn xộn phần nào do các tài xế thiếu ý thức - Ảnh: Quang Thế

Trong một lần đi công tác ở Bình Dương, tôi may mắn được ngồi trên chiếc xe mang biển số ngoại giao của một cơ quan ngoại giao tại TP.HCM. Tài xế đã đứng tuổi nhưng lái xe “rất máu” - theo cách nói của anh em trên xe lúc đó khi chứng kiến tài nghệ của ông suốt chặng đường từ Bình Dương về TP.HCM.

Không chỉ lái với tốc độ cao giữa muôn trùng xe mà chuyện lấn tuyến, giành đường cũng “rất bình thường” đối với bác tài này. Khi chúng tôi thắc mắc “không ngại cảnh sát giao thông à?”, ông tỉnh bơ: “Họ không bao giờ chặn xe biển số ngoại giao!”. Quả thật, tại một số cung đường, có lúc cảnh sát giao thông chú ý đến chiếc xe chạy có vẻ ngang ngược chở chúng tôi, nhưng rồi cũng làm ngơ cho qua...

Một lần đi công tác Hà Nội, khi đang tìm taxi ở sân bay Nội Bài, tôi gặp một cán bộ cấp cao của một bộ quen biết. Ông này được tài xế đưa ra sân bay để đi TP.HCM, xe quay về Hà Nội trống chỗ nên tiện thể cho tôi quá giang. Anh tài xế chỉ chở mỗi mình tôi nhưng vì xe mang biển số xanh, trên xe lại có đèn và còi hiệu ưu tiên nên anh chẳng ngần ngại dùng. Xe phóng nhanh, các phương tiện khác đều dạt ra nhường đường cho xe này. Thấy ngại nên tôi đánh tiếng rằng mình không cần vội, nhưng tài xế chỉ ậm ừ cho qua rồi tiếp tục nhấn ga.

Chuyện xe mang biển số xanh, đỏ được ưu tiên trên đường khi làm nhiệm vụ công ai cũng hiểu và thông cảm khi phải chen lấn giữa dòng xe ken kín vì đường sá chật chội. Nhưng trên thực tế việc lạm dụng là thực trạng khá phổ biến. Lạm dụng quyền được ưu tiên do không hiểu luật hay cố tình dùng ưu thế “việc công” phục vụ “chuyện tư” là điều không thể chấp nhận trước thực trạng giao thông tắc nghẽn hiện nay.

Giáo dục ý thức người tham gia giao thông không chỉ nhắm vào bác xe ôm, người lái taxi, xe buýt... mà phải cả nhóm đối tượng ưu tiên trên. Cán bộ làm gương thì xe chở cán bộ cũng vậy. Đã là xe của cơ quan công quyền thì phải chuẩn mực khi chạy trên đường.

Hãy làm từ việc nhỏ nhất, đơn giản nhất như “không lợi dụng biển số xanh, đỏ để lấn tuyến”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận