Phóng to |
BYD vừa trình làng F3 2014 - Ảnh: BI |
Kể từ năm 2008 khi Tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett "đổ" 230 triệu USD đầu tư vào BYD để đổi 10% cổ phần, hãng xe này đã nổi lên với sự thành công của sedan nhỏ gọn F3 khi bán ra hơn 1 triệu chiếc.
Bản sao chép "hoàn hảo"
Hiện nay, dù không ít dòng xe trên thế giới đều là phiên bản thiết kế phái sinh, nhưng các nhà thiết kế của BYD có vẻ rất tích cực “chôm” các chi tiết từ nhiều mẫu xe khác để hoàn thiện F3. Chẳng hạn mặt trước của xe trông giống Toyota Corolla và phần sau lại là của sedan Honda City.
Đến nỗi Drive Arabia gọi F3 là chiếc xe giống Corolla và City một cách "trắng trợn", trong khi The Truth About Cars nhận định "BYD F3 được thế giới ca ngợi vì đã sao chép lại chiếc Corolla".
Thật vậy, mặt trước của F3 giống đến khó tin model Corolla E120, nhất là chi tiết đèn pha và lưới tản nhiệt.
Phóng to |
Hình ảnh so sánh Toyota Corolla 2003-2006 (trên) và BYD F3 2012 (dưới) |
Ngoài diện mạo bên ngoài, BYD còn "bê" thiết kế nội thất của Corrolla vào F3 như bảng đồng hồ, bảng điều khiển trung tâm, hệ thống điều khiển HVAC và các lỗ thông hơi.
Phóng to |
Hình ảnh so sánh BYD F3 (trên) với Toyota Corolla 2003-2006 (dưới) |
Phần đuôi xe cũng giống đến kỳ lạ chiếc sedan Honda City bán tại thị trường châu Á giai đoạn 2002-2008. F3 sao chép của City chi tiết đèn đuôi cong với dải đèn trắng chen giữa khối đèn màu đỏ, thiết kế nắp boong và chốt gài.
Phóng to |
Hình ảnh so sánh BYD F3 2012 (trên) và Honda City 2002-2008 (dưới) |
Về động cơ, BYD sử dụng động cơ 4 xy lanh thuộc series 4G của Mitsubishi cho bản F3 đầu tiên và thay bằng động cơ do mình sản xuất trong các phiên bản F3 sau này. Vì chỉ là sản phẩm tiêu dùng nên F3 không trau chuốt nhiều. Nếu như nhà sản xuất này có thể bắt chước y xì thiết kế của Toyota thì họ cũng không thể tạo ra bản copy có chất lượng cao như hãng xe lớn nhất thế giới Toyota. Theo Wall Street Journal, chất lượng sản phẩm BYD là "dưới mức trung bình của ngành ôtô".
Thực tế, người tiêu dùng từng phản ứng dữ dội về các vấn đề kiểm soát chất lượng của BYD, gây sụt giảm lợi nhuận của công ty trong năm 2012 trước khi phục hồi trong một năm sau đó. Gần đây, BYD đã trình làng F3 2014 all-new. Khi vòng đời của F3 đang dần tàn lụi thì chiếc F3 mới này sẽ sớm trở thành động lực doanh số cho BYD.
BYD: "Có tiếng nhưng không có miếng"
WSJ nhận định BYD là một thương hiệu trẻ được truyền thông trong nước thổi phồng quá mức. Nhưng thực tế BYD cũng là một cái tên đáng chú ý, khi nhà sản xuất xe hơi trụ sở Thâm Quyến đã bắt tay Mercedes-Benz để hình thành liên doanh sản xuất xe điện Denza vào cuối năm 2013. Ngoài khoản đầu từ 250 triệu USD năm 2008, từ đó đến nay hãng cũng nhận được sự trợ giúp từ tỉ phú Warran Buffet.
Tháng 2-2013, thành phố Long Beach, bang California ký hợp đồng 12,1 triệu USD mua xe buýt điện BYD sản xuất tại Hoa Kỳ. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên có một công ty xe hơi của Trung Quốc sản xuất trên đất Mỹ, đồng nghĩa với việc BYD sẽ sản xuất xe buýt cho thị trường nổi tiếng nghiêm khắc về các tiêu chuẩn khí thải.
Đó là một cơ hội xây dựng thương hiệu tuyệt vời cho công ty luôn mơ về một ngày nào đó có thể dẫn đầu thị trường xe hơi thân thiện với môi trường - như cái tên đầy tham vọng Build Your Dreams (BYD).
Nhưng chi tiết có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là chủ tịch của BYD - tỉ phú Wang Chuanfu, người luôn tự nhận mình là thiên tài. Ông thành lập BYD đầu những năm 2000 với tham vọng trở thành nhà sản xuất pin điện thoại số 1 thế giới và có thể gây nên tiếng vang bất ngờ trong ngành công nghiệp pin xe hơi.
Trên tạp chí Fortune 2009, đối tác của Berkshire HathawayBRKB Charlie Unger nhận định "Wang Chuanfu là sự tổng hòa của Thomas Edison và Jack Welch". Nhưng chỉ có tài năng thiên phú thì không bảo đảm sự thành công cho cả công ty. Thực tế khác xa viễn tưởng kỳ vọng.
Lợi nhuận là nhược điểm dễ thấy nhất. Lợi nhuận năm 2012 giảm 94% vì xe của BYD không hợp nhãn người mua. Trong quý 1-2013, BYD tự hào tuyên bố đã trở lại và "lợi hại" hơn. Nhưng trong một thị trường ôtô đầy những người chơi cao tay thì mức lợi nhuận quý 1 của BYD chỉ 18 triệu USD thật sự là một điều đáng xấu hổ.
Những lo lắng về tiền có thể tạm lãng quên khi công ty hứa hẹn mở ra bước đột phá công nghệ mới. BYD kỳ vọng trở thành “nhà vô địch” trong thị trường xe hơi điện và tham vọng hơn là lãnh đạo thị trường toàn cầu. Nhưng đáng buồn là xe điện của BYD cũng "thất bát". Năm 2012, doanh số thậm chí không vượt qua 5.000 chiếc và hầu hết khách hàng là cơ quan nhà nước hoặc công ty taxi.
BYD vẫn không giải quyết được những hạn chế đã khiến xe điện Fisker A123 Systems và Coda Automotive "chết yểu": pin đắt, phạm vi chạy hạn chế và thiếu hụt trạm sạc. Về cơ bản chẳng khách hàng trung bình nào dám chi 35.000 USD để "rước" về chiếc xe có thể chết máy trước khi kịp đến trạm sạc pin tiếp theo.
(Theo Business Insider, Wall Street Journal)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận