19/10/2009 11:24 GMT+7

Xe tập đi: Hại nhiều hơn lợi

Trẻ dễ bị chân vòng kiềng
Trẻ dễ bị chân vòng kiềng

Thiết kế của xe tập đi không tạo thuận lợi cho kiểu đi bình thường; Ở Canada, chính phủ cấm bán và nhập loại xe tập đi có bánh xeBé biết đi, đây là một cột mốc mong đợi khi nuôi con của các bậc cha mẹ.

Xe tập đi: Hại nhiều hơn lợi

Thiết kế của xe tập đi không tạo thuận lợi cho kiểu đi bình thường; Ở Canada, chính phủ cấm bán và nhập loại xe tập đi có bánh xeBé biết đi, đây là một cột mốc mong đợi khi nuôi con của các bậc cha mẹ.

Ai cũng sẵn sàng với một giá nào đó để bảo đảm đứa con yêu của mình đến ngày đến tháng sẽ biết đi, nếu sớm hơn càng tốt. Xe tập đi là một kiểu đáp ứng cho nhu cầu này của các bậc cha mẹ. Xe tập đi thuyết phục các bậc cha mẹ rằng đây là cách giúp bé sớm biết đi, ngoài ra xe tập đi còn là người bạn giúp em bé chơi, để mẹ rảnh làm tay làm việc nhà.

ImageView.aspx?ThumbnailID=369441
Trẻ đi xe tập đi sớm dễ có nguy cơ chân không phát triển bình thường - Ảnh: K.LAN

Trẻ chậm biết đi do ngồi xe sớm

Người ta đã làm một công trình nghiên cứu đối chứng với 109 trẻ nhỏ tuổi từ 6 tháng đến 15 tháng. Kết quả là, trẻ sử dụng xe tập đi, mốc biết đi không sớm hơn, thậm chí còn trễ hơn trẻ không sử dụng xe tập đi. Chức năng đứng, đi của trẻ bình thường phát triển theo trình tự hợp lý, tự nhiên.

Cần biết rằng sự phát triển của trẻ theo một trình tự tự nhiên là mẫu phát triển bình thường, chẳng hạn khi trẻ lật sấp là lúc chuẩn bị cho khả năng ngồi, khi đã ngồi vững thì trẻ sẽ học bò, khi trẻ hoạt động nhịp nhàng đôi chân bò đi, đó là bài tập rèn luyện hai chân để bé sẵn sàng cho giai đoạn tập đi.

Như vậy, trẻ sẽ đi khi trẻ đã sẵn sàng để đi, có nghĩa là trẻ đã có đôi chân đủ mạnh, đôi bàn chân vững chắc, có khả năng kiểm soát thăng bằng.  Để có được những khả năng này, hãy cho trẻ trải nghiệm các hoạt động bò, đứng, đi theo cách cổ điển, chắc chắn rằng trẻ sẽ biết đi đúng thời gian của trẻ.

Trong khi đó, thiết kế của xe tập đi không tạo thuận lợi cho kiểu đi bình thường. Trong xe tập đi, trẻ có khuynh hướng ngồi trên miếng lót đỡ khung chậu và dùng các đầu ngón chân để đẩy xe đi. Như vậy, trẻ không có cơ hội để hai bàn chân đứng chịu sức, cơ hội cho hai đầu gối co duỗi kiểu bước đi cũng không xảy ra. Không ít trường hợp trẻ chậm phát triển, khi sử dụng xe tập đi, trẻ vẫn không cải thiện được chức năng đi. Ví dụ mới đây, một bé 18 tháng đến Khoa Phục hồi chức năng với lý do chưa biết đi mặc dù mẹ bé đã cho bé vào xe tập đi rất sớm lúc 7 tháng tuổi.

Nguy cơ chấn thương

Nguy cơ chấn thương từ xe tập đi là vấn đề quan tâm ở nhiều nước trên thế giới. Ở Mỹ, năm 1997, có hơn 14.000 em bé bị chấn thương phải cấp cứu và có không ít trường hợp tử vong liên quan đến xe tập đi. Sau khi Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ có khuyến cáo việc sản xuất và bán các xe tập đi có bánh xe, các nhà sản xuất đã cho ra nhiều mẫu mã khác, tỉ lệ chấn thương có giảm nhưng các nhà chuyên môn Mỹ xác định rằng điều này không có nghĩa là xe tập đi kiểu mới có khả năng ngăn ngừa được tai nạn xảy ra. Ở Canada, chính phủ cấm bán và nhập loại xe tập đi có bánh xe.

Các bậc cha mẹ có con nhỏ không nên ỷ lại vào xe tập đi. Thay vào đó, chỉ cho trẻ vào xe tập đi thời gian ngắn, nên tạo cơ hội cho trẻ có những hoạt động bò, vịn đứng lên... Luôn để mắt đến trẻ, đừng bỏ trẻ một mình vì trẻ dễ gặp tai nạn với xe tập đi. Nên làm cửa chặn ở các đầu cầu thang, bậc tam cấp vì bánh xe tập đi trơn dễ đẩy trẻ đi xa khó kiểm soát làm trẻ dễ bị té và chấn thương.

Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ lại gần bếp, vật dụng nóng khi trẻ ngồi trên xe tập đi. Không để trẻ ở gần nhà vệ sinh, hồ nước, thùng nước hoặc bất kỳ nguồn nước. Thận trọng với những vật dụng sắc nhọn, dây điện.

Trẻ dễ bị chân vòng kiềng

Ngoài việc làm trẻ chậm biết đi hay dễ gặp tai nạn do xe tập đi, các bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình nhi còn khẳng định xe tập đi làm chân trẻ bị cong hình vòng kiềng. Lý do là hầu hết trẻ được cho ngồi xe tập đi sớm, khi trẻ còn rất nhỏ và xương bàn chân cũng như xương cẳng chân chưa đủ cứng để trẻ có thể tự đứng được. Tuy nhiên, do xu hướng tự nhiên, khi trẻ được bỏ vào xe tập đi, trẻ thường dùng những đầu ngón chân để đẩy những bánh xe chạy đi.

Do xương chân còn yếu và trẻ phải cố gắng nhón ngón chân để chịu lực đẩy bánh xe nên chân trẻ không phát triển thẳng bình thường, xương cẳng chân dễ bị biến dạng cong vòng kiềng. Ngoài ra, trẻ ngồi xe tập đi quá sớm khi đôi chân chưa trụ vững để chịu trọng lượng của cơ thể cũng làm chân trẻ bị cong.

K.LAN

Bác sĩ HÀ KIM YẾN (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM) - Báo Người lao động

Trẻ dễ bị chân vòng kiềng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên