Xe tăng Hàn Quốc mới là số 1 thế giới?

DU LONG 08/08/2022 06:58 GMT+7

TTCT - Hôm 28-7, tờ Japan Times đăng một tít "giựt mình": "Các thương vụ mua bán vũ khí ồ ạt làm nổi bật ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Hàn Quốc"!


Xe tăng Hàn Quốc mới là số 1 thế giới? - Ảnh 1.

Xe tăng K2 Black Panther. Ảnh: Reddit

Còn nhớ 32 năm trước, tôi có dự Hội chợ Quang Trung lần thứ nhất, Hàn Quốc góp mặt với mỗi một cái máy lạnh và một cái tivi, mờ nhạt bên cạnh những tên tuổi Nhật Bản, vốn đã quen thuộc từ trước 1975.

Hội chợ Quang Trung năm 1990 đó là một trong những sự kiện đánh dấu sự mở cửa kinh tế của Việt Nam. Những thương hiệu Hàn Quốc tham gia là Samsung hay Lucky Goldstar (LG) lúc đấy còn rất khiêm nhường tại thị trường Việt Nam. Vậy mà 32 năm sau, cơ quan "Đầu tư Hàn Quốc" (Invest Korea) tự hào loan tin: "Xuất khẩu vũ khí của Nam Hàn tăng gấp ba; vươn lên hàng thứ 8 thế giới".

Cụ thể theo Invest Korea, giai đoạn 2017-2021 xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng 176,8% so với 5 năm trước, chiếm 2,8% thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Riêng năm 2021, trị giá xuất khẩu vũ khí của nước này là 7 tỉ USD, và là 11,4 tỉ USD năm 2020, khi đại dịch mới bắt đầu.

Nhu cầu của Ba Lan

Tin Ba Lan đặt mua của Hàn Quốc 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2, 672 đại bác tự hành K9 và 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50PL gây sửng sốt vì con số 1.000 xe tăng là quá lớn. Cần biết rằng các xe tăng K2 này đang là loại đắt giá nhất thế giới, lên đến 8,5 triệu USD/chiếc (xe tăng T-90 của Nga do Hãng Uralvagonzavod sản xuất giá từ 5-7 triệu USD, còn M1 Abrams của Mỹ khoảng 6 triệu USD, theo McNally Institute).

Điều đó đồng nghĩa tổng hóa đơn của Ba Lan lên đến 8,5 tỉ USD, nêu ra câu hỏi không chỉ là xe tăng K2 có thực sự ưu thế hơn các đối thủ khác không, mà còn là chính sách bán vũ khí của Hàn Quốc có gì khác các "ông lớn" vốn đi trước họ trên thị trường hết sức đặc thù này?

Thiệt ra, thương vụ mua bán giữa Ba Lan và Hàn Quốc không phải mới mẻ gì. Tháng 11-2018, Công ty H. Cegielski - Poznań của Ba Lan đã thông báo tại một triển lãm quốc phòng ở Kielce rằng họ đang hợp tác với Công ty Hyundai Hàn Quốc để cung cấp cho quân đội Ba Lan một biến thể công nghệ cao của xe tăng Black Panther tên gọi K2PL. 

Ba Lan tìm thấy nơi xe tăng K2 khả năng phòng vệ hữu hiệu và nơi Hàn Quốc một nhà cung cấp thích hợp giải quyết được bài toán cụ thể của họ.

Bài toán đó là cho đến nay, Ba Lan có lực lượng xe tăng lớn nhất trong các nước NATO ở châu Âu - 750-1.000 chiếc, gấp hơn hai lần các nước khai thác xe tăng lớn truyền thống như Anh, Đức, Pháp, hay Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, 2/3 số xe tăng của Ba Lan là các loại kế thừa của Liên Xô, cụ thể là 500 xe tăng T-72M1 và các biến thể PT-91 sản xuất trong nước, còn lại là hàng trăm chiếc T-72 kiểu cũ nay đã cất vào kho.

Nói cho ngay, những chiếc T-72 của Ba Lan về lý thuyết có thể sánh với T-72 đang chiếm ưu thế trong quân đội Nga. Giáp phản ứng nổ của PT-91 thì có thể chống đạn RPG như B-40 hoặc B-41, và tên lửa chống tăng kiểu cũ. Tuy nhiên, cả hai mẫu này đều đã bị qua mặt bởi dòng T-90A hoặc T-72B3 của Nga được nâng cấp mạnh.

Tình hình châu Âu từ sau cuộc chiến chớp nhoáng Nga - Gruzia năm 2008, và nhất là sau chiến tranh Ukraine bùng nổ, khiến Ba Lan cần gấp một dòng xe tăng không phụ thuộc vào Nga, có khả năng đối đầu tốt với xe tăng Nga trong khung cảnh địa lý Ba Lan - chủ yếu là bình nguyên bằng phẳng với ít chướng ngại vật tự nhiên rất "quyến rũ" cho các cuộc chiến tăng lớn.

Yêu cầu càng khẩn thiết khi trong cuộc chiến ở Ukraine, Nga bắt đầu sử dụng chiến thuật mới là dùng máy bay không người lái (UAV) Orlan-10 chỉ điểm tác xạ cho pháo binh - cụ thể là đại bác 122mm 2S1 Gvozdika với hiệu quả hủy diệt cực lớn. 

Có thể thấy điều này qua blog "Colonelcassad", nơi công bố bài viết "Về việc thiết lập các tiểu đơn vị hệ thống trinh sát và hỏa lực có UAV Orlan-10 cho các nhiệm vụ quan trọng" ở Trung tâm Công nghệ đặc biệt thuộc Học viện Pháo binh Mikhailovskaya.

Theo đó vào tháng 4-2016 ở Maryinka (Donbass), các đơn vị trinh sát và hỏa lực Nga, sử dụng UAV Orlan-10 kết hợp với pháo 122mm 2S1 Gvozdika đã tiêu diệt nhiều xe bọc thép của Lữ đoàn Không vận 79, quân đội Ukraine, 4 dàn radar AN/TPQ-48, 37 xe quân sự, một kho đạn và 310 lính Ukraine (informnapalm 19-4-2016).

Không chỉ có Nga tiến bộ trong các kỹ thuật đánh tăng và bọc thép. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đình đám với những chiếc UAV Baryaktar TB2, nổi tiếng nhất cho tới nay là trận Idlib (Syria) tháng 2-2020. 

Bằng rocket phối hợp với pháo binh được chỉ điểm tác xạ bởi UAV, Ankara nói họ đã hủy diệt một hơi 103 xe tăng, 6 hệ thống phòng không, 72 đại bác, và 2.200 binh sĩ Syria, trong trận đánh mà website Wavell Room của giới quân sự Anh 1-10-2020 gọi là "trận đánh báo tử cho xe tăng". Các UAV Baryaktar TB2 này hiện cũng đang làm mưa làm gió ở chiến trường Ukraine.

Tất cả những trải nghiệm chiến tranh đó được các bên quan tâm nghiên cứu, nhất là các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu. Vấn đề ở chỗ mỗi nước nhìn và thấy, cảm nhận vai trò của xe tăng như thế nào là dựa trên bài bản (học thuyết) tác chiến xe tăng và điều kiện địa hình - địa lý của riêng mình. 

Từ đó họ sẽ hình thành chương trình chế tạo, sản xuất, xuất khẩu hoặc mua sắm trang thiết bị. Hiểu được điều đó chính là điểm mạnh của bộ máy công nghệ và sản xuất quốc phòng Hàn Quốc.

Tạp chí CZ Defence 5-6-2020 của quân đội Cộng hòa Czech, vốn cũng đang ngắm nghía chiếc K2 để thay lớp xe tăng T-72M1, đăng một bài phân tích khá chi tiết về chiếc tăng này: "Xe tăng K2 Black Panther: Giải pháp của Hàn Quốc cho các vấn đề của Czech", cho thấy đây là chọn lựa không chỉ của Ba Lan. 

Nhà sản xuất Hàn Quốc quả đã rất biết nắm bắt nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Điều này thể hiện ngay từ những nhãn hiệu xe bốn bánh dân sự Hàn Quốc: giá thường rẻ mà "option" thì nhiều hơn các dòng xe khác ngang giá. Xe tăng cũng thế thôi!

Bán hàng kiểu Hàn Quốc

Nội địa hóa sản xuất và sản phẩm là điều kiện cơ bản để Hàn Quốc ký được hợp đồng, không chỉ với Czech và Ba Lan. Ở Đông Nam Á, Indonesia là một thí dụ nữa. Từ năm 2014, Reuters đã loan tin "Indonesia sẽ cùng phát triển dự án máy bay chiến đấu phản lực với Hàn Quốc trị giá 8 tỉ USD". 

Cụ thể, các máy bay chiến đấu KF-X sẽ được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Indonesia từ năm 2025. Cũng theo Reuters, Indonesia lần đầu tiên đồng ý tham gia nghiên cứu khả thi với chương trình này từ tận năm 2010.

Ngoài ra, Indonesia và Hàn Quốc còn hợp tác đóng tàu hải quân. Tháng 7-2021, hải quân Indonesia nhập biên chế chiếc tàu ngầm đầu tiên được lắp ráp tại Đông Nam Á KRI Alugoro, số hiệu 405. 

Đây là chiếc cuối cùng trong 3 tàu ngầm tấn công diesel-điện Jakarta đã ký hợp đồng với Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) của Hàn Quốc trong một thỏa thuận năm 2011 trị giá 1,1 tỉ USD. 

Ngoài chuyển giao công nghệ, thỏa thuận với DSME quy định hai chiếc đầu được đóng tại Hàn Quốc, còn chiếc thứ ba sẽ được đóng tại nhà máy của Indonesia ở Surabaya trên đảo Java (CSIS 26-3-2021).

Chính sách liên kết sản xuất vũ khí giúp Hàn Quốc nhanh chóng mở rộng khách hàng và thị trường, tạo ra vòng xoáy tích cực quay lại đẩy nhanh chính nền sản xuất vũ khí của họ. 

Sự thông thoáng trong chính sách mua bán và đồng phát triển này là yếu tố quyết định khiến Ba Lan dứt khoát ký hợp đồng 1.000 chiếc K2, dù cách đây hai năm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đích thân qua Warsaw thúc đẩy Ba Lan mua xe tăng của Pháp và Đức. Giành được khách mua xe tăng từ Đức, phải nói rằng Hàn Quốc không thường chút nào!■

Đắt xắt ra miếng

Giới quân sự Czech, trên tạp chí quốc phòng CZ Defence, ngỡ ngàng khám phá chiếc K2: "Nhìn xa hơn xuất xứ Hàn Quốc..., chúng ta thấy một chiếc xe tăng hiện đại, tinh vi được sản xuất mới vài năm nay, chớ không phải sự kéo dài một công nghệ lỗi thời".

Thật vậy, xe tăng Abrams M1 của Mỹ và Leopard 2 của Đức sản xuất lần đầu từ năm 1979, Merkava Mk2 của Israel là 1983, trong khi K2 của Hàn Quốc là một lớp công nghệ hoàn toàn mới, bắt đầu từ năm 2013. Có trọng lượng khoảng 55 tấn, K2 nhẹ hơn đối thủ Mỹ 10 tấn - một tiêu chí cực kỳ quan trọng trong bối cảnh chiến tranh "nhanh, gọn, nhẹ" ngày nay.

K2 còn tối ưu ở một khía cạnh quan trọng khác, theo CZ Defence: "[K2 có thể] cải thiện hiệu suất của các bộ phận riêng lẻ dựa trên thay đổi môi trường hoạt động hay yêu cầu của người dùng, cụ thể là cải thiện được hiệu suất cơ bản (tính di động, hỏa lực, sức mạnh bảo vệ, thông tin liên lạc và các hoạt động khác) cho kíp 3 người gồm lái xe, xạ thủ và chỉ huy".

Diễn giải ra bằng một ví dụ, kết quả của sự tích hợp đó là hiệu năng phòng thủ chủ động và thụ động trong tác chiến xe tăng. Như có thể thấy trong cuộc chiến Ukraine, xe tăng trở thành mục tiêu của các vũ khí chống tăng điều khiển có thể tấn công từ mọi hướng (B-40 hay B-41 là vũ khí chống tăng kiểu cũ, không điều khiển, bóp cò, ngắm bắn, trật là trật luôn).

Có thể tăng cường năng lực phòng thủ thụ động cho xe tăng được bằng nhiều lớp giáp hơn, hoặc giáp công nghệ mới hơn - như giáp phản ứng nổ ERA. ERA đại khái là gắn thêm những "miếng lót" mà khi rocket hay đầu đạn bắn tới sẽ đụng vào và nổ từ "vòng ngoài", hạn chế sát thương cho xe.

Song, với tên lửa Javelin có điều khiển chuyên bắn "tróc nóc" như thấy ở Ukraine, thì phòng thủ thụ động giảm đi hiệu quả rất nhiều. Đó là chưa kể càng nhiều giáp thì xe càng nặng, khó xoay trở, và tiêu hao nhiên liệu.

Muốn sống sót trước những tên lửa có điều khiển chống tăng (ATGM) hay đầu đạn laser dẫn đường, phải dựa vào hệ thống phòng thủ chủ động. Đây là các hệ thống điện tử liên tục theo dõi môi trường xung quanh bằng cảm biến để nhận ra mối đe dọa từ xa.

Thông tin về mối đe dọa, gồm hướng tấn công và các thông số khác, sau đó sẽ được hiển thị cho tổ lái, đưa ra các biện pháp đối phó thích hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận