Ghi nhận trên cao tốc một làn đường cao tốc La Sơn - Cam Lộ, hầu hết các đoạn đường dốc đều cấm vượt.
Do chỉ cho phép một làn xe chạy nên khi có xe tải chở nặng phía trước thường xuyên cản trở và gây ùn ứ cả đoàn phương tiện phía sau dẫn đến việc không đảm bảo tốc độ lưu thông. Nhiều chuyên gia đề xuất nên xử phạt xe chạy dưới tốc độ quy định.
Phạt được nhưng bao giờ?
Nhiều lái xe cho biết tình trạng này dẫn đến việc khi tới chỗ được phép vượt, nhiều tài xế tranh thủ vọt ga, tăng tốc để vượt lên phía trước.
Trường hợp có nhiều xe cùng vượt trên đoạn đường cho phép vượt (dài 1,5km) sẽ có nhiều nguy cơ ở các nút "nêm", tức các đoạn hai làn nhập một, ba làn nhập một, như vụ tai nạn ngày 18-2.
PGS.TS Phạm Ngọc Phương - trưởng bộ môn đường ô tô và đường thành phố, khoa xây dựng cầu đường Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - cho rằng việc chọn tốc độ khai thác trên đường sẽ tùy thuộc vào điều kiện đường, điều kiện giao thông và điều kiện tổ chức.
Khi đưa ra quy định tốc độ 60-80km/h, nhà quản lý đã tính toán kỹ đến các điều kiện về các yếu tố hình học của đường như đường cong, đường dốc để các xe đảm bảo tốc độ này.
"Do vậy việc xe chạy ì ạch lên dốc sẽ có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có nguyên nhân liên quan đến trọng tải. Trong điều kiện khó kiểm soát tải trọng, khó thay đổi được độ dốc đường, việc giám sát, xử phạt xe chạy dưới tốc độ quy định sẽ có tác động lâu dài đến việc xe tải "rùa bò" trên cao tốc" - ông Phương đề xuất.
Ngoài ra để "giải phóng" dòng xe chạy rùa bò theo xe phía trước nhằm đảm bảo tốc độ trên cao tốc, ông Phương cho rằng có thể thay đổi vạch tim đường từ liền sang đứt ở vị trí đảm bảo tầm nhìn, có khả năng vượt xe an toàn.
Tuy nhiên ý thức giao thông đúng, chạy đúng theo quy định cũng là cách tăng khả năng thông hành trên đường. Điều này cần có sự giám sát thường xuyên, liên tục để lái xe tuân thủ kỷ luật giao thông.
Trước đó vào tháng 7-2023, Ban an toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu điều tiết phân luồng giao thông, trong đó hạn chế xe tải trọng trên 10 tấn vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Hiện tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có thiết kế chín đoạn bốn làn xe cho phép vượt, mỗi đoạn có chiều dài khoảng 1,5km suốt chiều dài gần 100km.
Thêm kẹt xe, tai nạn vì "rùa bò"
Tuyến đường La Sơn - Túy Loan nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, có hai làn xe (theo quy mô đường cấp III).
Trong đó xây dựng hoàn chỉnh hệ thống biển hiệu, hàng rào, hầm chui dân sinh, không có giao cắt cùng mức. Tuyến đường Hòa Liên - La Sơn (nối Đà Nẵng với Huế) không quy định tốc độ tối thiểu và giới hạn tải trọng với các loại trên đường.
Tình trạng xe tải di chuyển chậm càng trầm trọng hơn khi đoạn đường này có địa hình độ dốc lớn, trong đó nhiều đoạn đường dốc qua Vườn quốc gia Bạch Mã hơn 10%.
Việc xe xếp hàng dài "rồng rắn" nối đuôi nhau khi đi trên đường này thường xuyên xảy ra, nhất là khi có nhiều xe tải hoặc mật độ lưu thông trên đường cao.
Trước đó Bộ Công an từng có văn bản liên quan đến việc khắc phục các bất cập trên đường cao tốc và đề xuất cho rằng cần nghiên cứu hạ cấp khai thác đối với đường cao tốc La Sơn - Cam Lộ.
Trong văn bản này Bộ Công an cho rằng tuyến Hòa Liên - La Sơn và La Sơn - Cam Lộ có kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông giống nhau.
Tuy nhiên khi công bố khai thác lại khác nhau, không phù hợp với việc bố trí lực lượng và khó khăn trong việc đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài ra, bộ này cho rằng nhiều hành vi vi phạm có quy định xử phạt mức độ cao đối với tuyến đường cao tốc nhưng không quy định xử phạt đối với đường cấp III đồng bằng dễ gây khiếu kiện khi thực hiện xử lý vi phạm.
Nối đuôi xe tải là một cực hình
Lâm Đồng có hai tuyến đường đèo quan trọng đều nằm trên quốc lộ 20: đèo Bảo Lộc (địa phận TP Bảo Lộc) và đèo Mimosa (TP Đà Lạt), với độ rộng mặt đường tương đương nhau với hai làn đường. Trong đó đèo Bảo Lộc tiếp nhận toàn bộ xe máy, xe ô tô con, xe khách và xe tải, được xem là đường độc đạo để vào Lâm Đồng nếu không tính các tỉnh lộ có cự ly di chuyển xa và hiểm trở hơn.
Thời gian qua đèo Bảo Lộc trở thành nơi ám ảnh đối với cánh tài xế vì nạn vượt ẩu. Trên tuyến đèo này đã có camera giám sát giao thông nhưng tình trạng vượt ẩu vẫn diễn ra.
Tài xế Nguyễn Thanh Nhân (Bảo Lộc) cho biết: "Sợ nhất là đi vào khoảng 15h, xe tải từ Đà Lạt chở rau xuống đèo phi ầm ầm. Còn từ TP.HCM, xe chở vật liệu đi ngược lên đèo. Nếu đi theo chiều TP.HCM - Đà Lạt thì mất cả giờ để qua được đèo".
Muốn vượt lên xe tải cũng không dễ do có nhiều xe tải chở rau đi ngược lại với tốc độ cao, còn theo đuôi xe tải đang chạy ì ạch là một cực hình.
Chiều Đà Lạt - TP.HCM cũng nguy hiểm không kém. Mỗi khi thấy xe tải ngược chiều chạy ì ạch lên dốc phải hết sức cảnh giác, khả năng cao sẽ có xe vượt vì theo đuôi với tốc độ thấp quá lâu. "Nhiều xe vượt nhưng thiếu quan sát lẫn kỹ năng khiến chiếc xe choán hết làn đường ngược lại. Nếu trong thời điểm đó có xe đi ngược lại là tai nạn chắc" - anh Nhân nói.
Và tai nạn xảy ra trên đèo Bảo Lộc hầu như tuần nào cũng có. Mỗi lần xảy ra tai nạn, toàn bộ tuyến đường đèo Bảo Lộc phải ngưng trệ ít nhất 30 phút, nhiều nhất là khoảng một giờ để lực lượng chức năng giải tỏa hiện trường.
Mỗi lần có sự cố, nguyên tuyến đèo 12km, xe cộ ùn ứ nối đuôi nhau. Gần đây là vụ một chiếc xe chở rác va vào xe chở khách đi từ TP.HCM. Vụ tai nạn khiến tuyến đường tắc nghẽn hơn một giờ.
Theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, việc cho những loại xe có tính đặc thù lưu thông trên một tuyến đường riêng để hạn chế ùn ứ mỗi khi có sự cố tại các cửa ngõ là điều rất cần thiết.
Tuy nhiên điều kiện phát triển hạ tầng của mỗi địa phương khác nhau nên dù có muốn cũng không thể đáp ứng được trong một sớm một chiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận