24/08/2019 08:12 GMT+7

'Xé rào' cứu Nội Bài, Tân Sơn Nhất

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Chỉ có trả lời cho câu hỏi bao giờ 'xé rào', tìm ra cơ chế đặc biệt mới cải thiện được tình trạng quá tải, xuống cấp ở hai sân bay lớn nhất nước: Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Xé rào cứu Nội Bài, Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Hành khách vạ vật tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM chờ đến giờ bay vào dịp Tết- ẢNH: QUANG ĐỊNH

Với sân bay Nội Bài (Hà Nội) là đường băng hư hỏng, còn sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), quá trình giải cứu phải chờ thêm... 3 năm.

Vướng quy định được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng ai tạo ra cơ chế oái oăm này?

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) là doanh nghiệp nhà nước không thuộc diện cổ phần hóa. Tuy nhiên, ACV đã được cho chuyển thành công ty cổ phần, dù Nhà nước vẫn giữ hơn 95% vốn.

Theo quy định, Nhà nước nắm giữ hạ tầng hàng không (đường băng, đường lăn...) và phải dùng vốn ngân sách đầu tư sau đó cho doanh nghiệp như ACV thuê. Cơ chế là thế nhưng Nhà nước lại không bố trí để đầu tư.

Còn ACV có ngàn tỉ đồng trong tay nhưng không thể cải tạo đường băng xuống cấp vì nay đã là doanh nghiệp cổ phần. Giờ phải xin cơ chế mới để phá thế vướng của cơ chế đã ban hành, cho ACV được dùng vốn của mình để làm đường băng, "bao sân" cho Nhà nước.

Tương tự, với sân bay Tân Sơn Nhất, theo đúng trình tự, việc đầu tư mở rộng sân bay này phải qua đấu thầu chọn nhà đầu tư. Việc đó chỉ làm được khi có ngày rộng tháng dài.

Nhưng Tân Sơn Nhất đã quá tải vài năm rồi, nếu tuân thủ quy trình, chưa biết khi nào mới xóa được nạn quá tải. Theo ACV, nếu bây giờ có cơ chế đặc biệt, giao ACV làm ngay, làm nhanh cũng mất 30 tháng.

ACV đang thiết tha được làm chủ đầu tư với lợi thế vừa có vốn chục ngàn tỉ đồng, vừa có kinh nghiệm... Nhưng nếu giao cho ACV, chắc chắn sẽ có lời ra tiếng vào, ưu ái cho "người nhà", không tôn trọng quy định và cạnh tranh thị trường.

Giờ chỉ định thầu để rút ngắn thời gian "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất cũng khó, cho đấu thầu đúng quy định càng khó hơn, "đi cũng dở, ở cũng không xong".

Tình trạng kẹt cơ chế khiến vốn không đến được với các công trình quá tải, xuống cấp. Hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất là nạn nhân của nạn quá tải chậm được khắc phục. Các cảnh báo "cứng rắn" về hậu quả nếu phải dừng khai thác đường băng sân bay Nội Bài không phải đến nay mới được nêu ra.

Chưa hết, tình trạng này còn bóp nghẹt hai "con gà đẻ trứng vàng" cho ngành hàng không khi nhiều năm qua, Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã làm ra rất nhiều tiền, góp phần "nuôi" hàng chục cảng hàng không khác trong cả nước còn vắng khách.

Vướng do cơ chế. Đúng! Nhưng chưa hẳn cơ chế sai mà có khi do vận hành chưa nhuần nhuyễn, thiếu trách nhiệm, dẫn đến ách tắc. Cơ chế là một quy trình phải tuân thủ. Chỉ một khâu không chỉn chu, mọi thứ sẽ bị dồn lại, cơ chế bỗng thành "tội đồ".

Với hai sân bay, có hàng loạt chữ nếu... Nếu ACV vẫn là doanh nghiệp nhà nước...! Nếu Nhà nước có kế hoạch bố trí vốn ngân sách để sửa đường băng ngay từ khi phát hiện xuống cấp...! Nếu không vướng sân golf, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nhanh hơn do không phải mất nhiều thời gian tranh luận mở rộng theo hướng nào...

Và nay thêm một chữ nếu nữa, đó là nếu không nhanh chóng tìm cách vượt qua những vướng mắc, thậm chí là "xé rào" để giải cứu đường băng, giải cứu sân bay, có lẽ hậu quả của tình trạng đường băng xuống cấp, sân bay quá tải không chỉ dừng lại như hiện nay.

Báo động sân bay xuống cấp, quá tải Báo động sân bay xuống cấp, quá tải

TTO - Các đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lại đang bị quá tải từ trên không lẫn đường băng cất hạ cánh.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên