Phóng to |
Xe thu gom rác đẩy tay, một loại phương tiện được coi là sẽ thay thế phần lớn xe ba gác máy, xe lam cũ nát... lâu nay được dùng thu gom rác - Ảnh: Quốc Thanh |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Những người hành nghề thu gom rác dân lập đã đảm trách thu gom khoảng 70% trong số gần 6.000 tấn rác/ngày ở TP.HCM. Đặc biệt, lực lượng này đã giúp TP giảm đáng kể các khoản có thể phải chi ngân sách cho công tác đảm bảo vệ sinh ở khắp phố phường.
Chờ… chính sách!
Tháng 3-2008, Sở Tài nguyên - môi trường phổ biến đến các hộ thu gom rác dân lập phương án chuyển đổi, thay thế xe tự chế. Theo đó, xe đẩy tay loại 660 lít được giới thiệu là phù hợp với cự ly di chuyển ngắn hơn 1,5km, giá khoảng 6 triệu đồng/chiếc. Loại xe tải nhỏ dưới 1.000kg giá phổ biến lúc đó khoảng 130 triệu đồng/chiếc. Các hộ thu gom rác dân lập sẽ còn được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất 0%, trả chậm trong ba năm đối với loại xe 660 lít và trong bốn năm đối với xe tải nhỏ.
Tiếp nhận thông tin này, nhiều hộ thu gom rác dân lập đã đăng ký loại phương tiện chuyển đổi. Như ở quận Bình Thạnh, các hộ dân đăng ký hơn 90 xe tải nhỏ và hơn 100 xe đẩy tay; ở quận 6, đăng ký hơn 20 xe tải nhỏ và hàng chục chiếc xe đẩy tay... Tất cả danh sách và nhu cầu các loại đã được nhiều nơi lập và gửi đi theo yêu cầu của cơ quan chức năng địa phương. Nhưng gần ba tháng nay, mọi chuyện im ru, không có phổ biến nào mới. Khi các hộ làm nghề rác dân lập hỏi, địa phương chỉ trả lời đang chờ chủ trương, chính sách chung của TP.
Khi tìm hiểu sự việc ách tắc ở đâu thì được biết UBND TP có những thay đổi lớn về các chủ trương, chính sách so với dự kiến ban đầu. Cụ thể tại cuộc họp hôm 9-4-2008, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã kết luận đề án chuyển đổi các loại xe 3, 4 bánh tự chế nói chung do Sở Giao thông công chính trình với tổng kinh phí hơn 700 tỉ đồng là không khả thi.
Riêng về chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải, Chủ tịch Lê Hoàng Quân kết luận "ngân sách không bao cấp trong lĩnh vực này mà chủ yếu huy động các doanh nghiệp, tổ chức tài chính tham gia đầu tư tín dụng và thu hồi vốn theo các cung đường thu gom, vận chuyển rác...". Do vậy, tất cả phương án, chính sách phải được thiết kế lại theo tinh thần chỉ đạo mới của Chủ tịch Lê Hoàng Quân.
Theo phương án mới nhất do Sở Giao thông công chính trình UBND TP (lần thứ 5), chính sách được đề xuất là ngân sách chỉ hỗ trợ lãi vay 6%/năm trong ba năm để thay thế xe thu gom rác sẽ bị cấm lưu hành. Tuy nhiên, đề xuất này hiện vẫn chưa được UBND TP quyết nên nhiều nơi vẫn "án binh bất động". Người thu gom rác dân lập vẫn chưa biết sẽ được hỗ trợ những gì và vay vốn ở đâu để chuyển đổi phương tiện.
"Làm ngày nào xào ngày đó”!
Giá xe tải nhẹ loại 750kg chừng 145 triệu đồng/chiếc. Người mua trả trước 30%, phần còn lại được ngân hàng tài trợ với mức lãi suất khoảng 1,5%/tháng (18%/năm) trong thời gian tối đa 36 tháng. Theo tính toán, tháng đầu tiên người mua phải trả nợ gốc và lãi khoảng 4,3 triệu đồng. Số tiền phải trả của tháng sau chỉ giảm 50.000 đồng so với tháng trước. Người mua xe phải có bảo lãnh tín chấp của cơ quan đủ điều kiện, ngoài ra phải mua bảo hiểm vật chất thân xe với mức: giá xe x 1,5% x số năm, có thể mua theo từng năm.
Giả thuyết phương án hỗ trợ lãi vay 6%/năm được UBND TP đồng ý thì người mua xe trả góp cũng phải tự trả lãi vay 12%/năm (tính theo mức lãi suất cao nhất 18%/năm hiện nay).
Trong khi đó, thống kê của Nghiệp đoàn thu gom rác dân lập quận Bình Thạnh cho thấy thu nhập của hơn 150 hộ thu gom rác dân lập ở quận phổ biến khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn On - chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại dịch vụ Đoàn Kết, chuyên thu gom rác ở quận 6 - cũng cho biết mức thu nhập bình quân của khoảng 120 xã viên chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng... Ông Tạ Văn Đực - chủ tịch Nghiệp đoàn thu gom rác dân lập quận Bình Thạnh - nói nhiều hộ gia đình hành nghề rác dân lập "làm ngày nào xào ngày đó”, chẳng thể có dư.
Theo ông On, nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi vay, đồng thời giãn thời gian trả góp lên 7-10 năm thì nhiều người có thể mua xe tải nhẹ để thu gom rác. Nếu chỉ trả góp trong 3-5 năm, các hộ thu gom rác dân lập rất khó kham nổi. Đây là bài toán đáng suy nghĩ nhất đối với các hộ hành nghề thu gom rác dân lập, không chỉ ở quận 6 mà là tình trạng chung ở nhiều quận huyện.
Ông Nguyễn Văn Phước - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường - cho rằng hộ thu gom rác dân lập nào không có điều kiện mua xe tải nhỏ thì phải trang bị xe đẩy tay, giá cả "mềm", khoảng trên dưới 6 triệu đồng/xe hoặc chỉ cao hơn mức này một chút. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn nếu dùng loại xe này có hạn chế là cự ly di chuyển không xa, nhất là phải tổ chức lại mạng lưới các điểm hẹn lấy rác cho những hộ thu gom rác dân lập.
Ông Tạ Văn Đực tính toán ở 20 phường của quận Bình Thạnh, giả sử dùng xe đẩy tay thu gom rác thì ít nhất mỗi phường phải có ba điểm hẹn lấy rác để chở về trạm trung chuyển (lâu nay người thu gom trực tiếp chở rác về trạm trung chuyển do dùng xe ba bánh gắn máy). Như vậy, toàn quận phải có khoảng 60 điểm hẹn tập kết rác.
Theo ông Đực, nếu việc lấy rác tại các điểm hẹn không được tổ chức khoa học, giờ giấc không chính xác thì nhiều điểm sẽ trở thành đống rác phát sinh. Ông Đực đặt vấn đề trong trường hợp đó ai chịu trách nhiệm đi thu gom rác ở các điểm hẹn, Nhà nước hay những người thu gom rác dân lập hiện vẫn chưa phân định, tính toán rõ ràng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận