13/08/2017 19:30 GMT+7

Xe ôm - xe tình thương mến thương ở Sài Gòn

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Chuyện quanh nghề chở thuê thôi, mà chở nhiều ký ức đô thị và cả tình cảm người Sài Gòn.

Giấc ngủ đêm của hai bác tài xe ôm trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM lúc 2h sáng - Ảnh: T.T.D.
Giấc ngủ đêm của hai bác tài xe ôm trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM lúc 2h sáng - Ảnh: T.T.D.

Hơn một năm trở lại đây, dọc đường gió bụi khói xe thành phố thấy xuất hiện nhiều chiếc áo màu xanh lá cây hoặc màu xanh bầm, màu áo của hai loại thương hiệu xe ôm thời @.

Người cần xe chỉ cần bấm, vuốt điện thoại, đợi một lát là có bác tài chạy đến. Không cần trả giá vì người đi xe đã biết giá.

Mất sở hụi vì bị cạnh tranh, đó là nỗi khổ của những bác xe ôm truyền thống.

Xe ôm trong Xa lộ không đèn, Gái bán bar...

Sao gọi là xe ôm truyền thống?

Theo “truyền thuyết”, khoảng năm 1964-1965 gì đó - thời kỳ mà các loại xe Honda, Bridgestone, Suzuki, Kawasaki dần dần thay thế các loại xe Sachs, Goebel, Puch - xuất hiện một loại hình chuyên chở công cộng mới có tục danh là xe ôm vì người ngồi sau phải ôm eo ếch người lái xe.

Cũng không ai xác định được ai là cha đẻ của cái nghề lái xe này, nhưng chắc chắn xe ôm đã có mặt suốt từ những năm giữa thập niên 1960.

Chiếc xe gắn máy đã trở thành phương tiện mưu sinh.

Ngoài những người sống bằng nghề xe ôm chuyên nghiệp còn có cả sự góp phần của một số công tư chức trong việc cải thiện đời sống gia đình.

Trong bài viết của An Cư trên Đồng Nai Văn Tập (tháng 7-1966, trang 63) có đoạn: “Tôi chợt nhận ra trong số người rước chở Mỹ kiều có một người là chủ sự trong một cơ quan hành chính, tôi quen biết ông ấy lắm.

Tôi nghĩ ngợi lôi thôi và vơ vẩn vì tôi cho rằng một công chức có hạng làm như vậy coi làm sao ấy. Riêng anh bạn tôi thì cho rằng dùng xe chở Mỹ kiều còn hơn là ăn cắp của công, hối mại quyền thế...”.

Vô tình minh họa cho nhận định này, chuyện công chức nghèo chạy xe ôm đã được đưa lên phim Xa lộ không đèn (sản xuất năm 1972 - đạo diễn Hoàng Anh Tuấn) với hình ảnh của một ông giáo nghèo (ca sĩ Hoài Trung đóng), thu nhập bằng nghề giáo viên dạy tư không nuôi nổi gia đình nên đã mượn tiền mua xe Honda để ngoài giờ dạy còn chạy xe ôm kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy.

Chẳng may ông bị bọn cướp uy hiếp lấy mất chiếc xe và từ đó gia đình ông đi vào thảm cảnh. Ông bị lao phổi nặng, cô con gái (Thanh Nga đóng) vì muốn kiếm tiền chữa bệnh cho cha đã trở thành gái bụi đời.

Tài xế xe ôm không chỉ có trên phim mà còn đi vào một vở cải lương của sân khấu Dạ Lý Hương. Vai chính trong Gái bán bar là một anh xe ôm rất đẹp trai chuyên chở gái bán bar, do Hùng Cường và Bạch Tuyết thủ diễn.

Hình ảnh người xe ôm đã được đưa vào nghệ thuật như là một phương tiện kiếm sống của những người thất cơ lỡ vận và xe ôm là một nghề để mưu sinh ngoài giờ hay trọn ngày.

Có thể nói rằng xe ôm là một loại phương tiện chuyên chở “đặc sản”, phát kiến từ sự sinh nhai của người Sài Gòn!

Tán gẫu chuyện đời phố thị

Sau 1975, xe ôm biến mất một thời gian vì xăng không được bán tự do. Các cây xăng đóng cửa, xăng là một loại nhu yếu phẩm được phân phối trong cơ quan.

Phụ tùng xe gắn máy lúc đó cũng thuộc loại quý hiếm. Rồi đến thời mở cửa, nghề xe ôm đã sống trở lại như một số ngành nghề khác.

Bây giờ, ta dễ bắt gặp hình ảnh bác xe ôm truyền thống ở những góc đường, những ngã tư với hai cái nón bảo hiểm treo toòng teng trên tay lái.

Các bác tài xe ôm lâu năm là cuốn từ điển sống về các con đường. Mỗi khi tìm đường không được, tôi chỉ cần tìm một bác xe ôm ở góc đường hỏi thì các bác tận tình chỉ dẫn.

Đường kẹt, các bác xe ôm thông thuộc luồn lách vào những con hẻm đi nhiều lần chưa chắc đã nhớ.

Không chỉ thế, do chỉ đậu xe ở một góc đường, con hẻm nên thi thoảng các bác cũng nhận diện được những người lạ mặt thuộc dạng bất lương.

Trong phong trào toàn dân góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc thì cũng không thể thiếu công trạng của các bác xe ôm truyền thống.

Lâu lâu buồn tình, rủ anh xe ôm đầu hẻm lai rai ba sợi, tôi nghe được nhiều chuyện đời của những người sống trong con phố.

Ai bệnh hoạn, bị tai nạn hay có tin vui thi đậu, báo hỉ, đứa con nào ăn ở bất hiếu với cha mẹ... tất tần tật anh ta đều biết rõ y như là con ma xó bếp.

Còn xe gắn máy chạy trên đường phố, còn người nghèo, thất nghiệp thì chắc chắn vẫn còn xe ôm truyền thống và xe ôm “điện thoại”.

Nhưng có lẽ xe ôm thời @ sẽ ngày càng thắng thế hơn vì giá cả và người đi xe kiểm soát được quãng đường di chuyển của mình.

Nếu không chuyển đổi được kỹ thuật theo thời đại @, xe ôm truyền thống sẽ trở lại thời kỳ phát sinh của mình: chuyên chở “mối” những người quen để còn tán gẫu chuyện đời phố thị.

Và chắc chắn vẫn còn những người thích đi xe ôm của những bác tài quen thuộc.

Đối với những hành khách loại “ôn cố” này, đi xe ôm không chỉ là cách rút ngắn thời gian, khoảng cách hay túi tiền mà là một sự chia sẻ tình cảm.

Đôi lúc, sống trên đời, người Sài Gòn cần sự cảm thông nhiều hơn là tiết kiệm chút đỉnh. Một loại xe ôm tình thương mến thương.

“Người của công chúng”

Nếu ngồi buồn làm một chuyện so sánh, dễ nhận thấy rằng xe ôm Grab hay Uber xuất hiện do áp dụng được sự tiến bộ của phần mềm smart phone.

Vì tính chất cơ động, luôn di chuyển của loại xe ôm “bấm gọi và chạy tới” này, bác tài của hai thương hiệu xe ôm này không có được tính chất thuộc dạng “quan hệ xã hội” của xe ôm truyền thống là giúp đỡ người đi lạc đường hay “là người của công chúng” ở các đầu phố, con hẻm.

Và chắc chắn không có ai chạy xe ôm mà xây nhà lầu cả. Nếu có thì chỉ là trường hợp vô cùng... cùng... cùng... cá biệt (hơi cà lăm một chút) của một quan chức trên Đắk Lắk (!).

LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên