Xe “mù” lưu thông trên đường phố TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại TP.HCM, tình trạng xe máy cũ nát, gây tiếng ồn, thải khói đen trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân. Không khó để ghi nhận tình trạng đó vào bất kỳ giờ giấc nào trên đường phố.
Gây ô nhiễm nặng
Anh Đỗ Văn Ngờ, chủ một tiệm sửa xe máy tại Q.Bình Thạnh, cho biết tuần nào cửa hàng anh cũng nhận sửa 4-5 xe máy thải ra nhiều khói. Phổ biến nhất là các trường hợp xe số, bên ngoài cũ nát hoặc được lắp thêm giảm xóc phía sau, khung sắt để chở đồ vật nặng.
Đáng nói, dù xả khói và gây tiếng ồn nhưng rất ít khi cảnh sát giao thông dừng xe này để kiểm tra, xử lý.
Anh Đặng Trường - sống ở Q.Phú Nhuận - cho rằng xe máy ở TP.HCM ngày càng nhiều nhưng xe cũ nát vẫn còn khá nhiều. Theo anh Trường, Nhà nước cần đưa ra chính sách buộc kiểm định những xe máy cũ nát xem có đủ điều kiện an toàn cho lưu thông trên đường hay không. Thậm chí phải có hình thức xử phạt đối với các trường hợp cố ý làm sai quy định của Nhà nước.
Khí thải từ xe máy cũng đã góp phần làm tăng ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Theo Sở GTVT TP.HCM, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng xăng dầu, chiếm 70-90%, chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt. Trong đó, môtô, xe máy là loại phương tiện của đa số người dân chiếm tỉ trọng 90% tổng số phương tiện.
Cũng theo Sở GTVT, trên địa bàn TP, môtô, xe máy đang lưu hành chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 50% xăng (không tính diesel) nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Hầu hết đây là các loại khí thải độc hại cho môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Xe “mù” lưu thông trên đường phố TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xử lý xe cũ nát ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết số lượng xe máy tại TP đang gia tăng ồ ạt và hàng triệu môtô, xe máy cũ nát đang thải khí gây ô nhiễm môi trường mà không hề bị kiểm tra, xử phạt gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Tổng mức đầu tư cho đề án của sở là 2,4 tỉ đồng nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, trong năm 2019, Sở GTVT sẽ tiến hành kiểm soát khí thải do môtô, xe máy gây ra bằng các hình thức thu hồi xe cũ gây ô nhiễm, hỗ trợ chuyển đổi sang xe máy điện, phân vùng hạn chế giao thông...
Sở GTVT TP phối hợp với Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu, xây dựng dự thảo đưa ra mức tiêu chuẩn khí thải phù hợp với môtô, xe máy đang lưu hành. Từ đó, sửa đổi Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6438 - Phương tiện giao thông đường bộ, khí thải lớn nhất cho phép của khí thải.
Căn cứ vào tiêu chuẩn đó, người dân chỉ được sử dụng xe máy qua kiểm định, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn khí thải. Cục Đăng kiểm VN chịu trách nhiệm lập 2 trạm mẫu kiểm định khí thải xe máy, mở 2 đợt kiểm tra miễn phí cho hàng nghìn xe máy tại Hà Nội và TP.HCM.
Lộ trình trong năm 2018 áp dụng đối với xe có dung tích từ 175cm3 trở lên, có thời gian sử dụng trên 5 năm và lưu thông tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 trên cả nước. Loại xe này phải được kiểm định, cấp chứng nhận về khí thải mới được phép tham gia giao thông. Mức giá kiểm tra, lệ phí cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định là 60.000 đồng/năm.
Ước tính có khoảng 20.000 xe loại này đang lưu hành tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và mức thu trên được xem đủ để bù đắp chi phí kiểm định, quản lý. Tuy nhiên để triển khai, cần các bộ, ngành xây dựng quy định về kiểm tra, xử lý xe vi phạm; mức giá dịch vụ kiểm tra, lệ phí cấp giấy chứng nhận xe đạt tiêu chuẩn khí thải.
Sau nhóm phương tiện trên, Bộ GTVT mới đánh giá kết quả thực hiện để nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng phương án triển khai giai đoạn sau năm 2020 đối với môtô, xe máy có dung tích nhỏ hơn 175cm3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận