Ngày 17-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thời gian gần đây dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, diễn biến phức tạp, trong đó có dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm…
"Dịch tả châu Phi đang xảy ra rất ghê gớm tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Kạn và một số tỉnh khác, nếu không nhanh chân nhanh tay xử lý mà để lây lan thì toác hết ra" - ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, buôn lậu là một trong những nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
"Buôn lậu heo phía Nam, buôn lậu gia cầm phía Bắc. Xe khách không chở người mà chở toàn giống gà, vịt Trung Quốc, chở khắp các tỉnh phía Bắc.
Như ở Hải Dương, mang gà, vịt lậu bán tận cửa, nhiều tỉnh khác cũng thế, vận chuyển bán lung tung hết cả, mà xe khách to lù lù thế chứ có phải không đâu. Xe đỗ tại ngang đường mua bán rồi đưa lên nóc xe đầy đấy, nhưng có ai kiểm tra, kiểm soát đâu hay lẩn đi chỗ khác" - ông Tiến nói.
Ông Tiến nhấn mạnh Việt Nam đang xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bởi vậy nếu tình trạng nhập lậu không được kiểm soát tốt thì khó kiểm soát dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi và người dân.
"Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không thể đứng ngoài cuộc. Đề nghị phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Hệ thống thú y cơ sở phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ cũng như quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh" - ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng cho biết hôm 16-6 Thủ tướng đã ký công điện về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng để phòng chống dịch bệnh kịp thời, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người chăn nuôi.
Ông Nông Văn Nhất, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho biết từ đầu năm đến nay, khoảng 85% số xã thuộc 8/8 huyện, thành phố của tỉnh có dịch tả heo châu Phi.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 dịch bệnh bùng lên thì có hiện tượng người dân bán chạy heo mắc dịch. Sau đó, tỉnh đã họp và giao cho ngành nông nghiệp, công an xử lý thì đến nay tình trạng này đã không còn.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết Thủ tướng đã có văn bản và bộ cũng sẽ có văn bản, đề nghị tỉnh Bắc Kạn sớm công bố dịch tả heo châu Phi cấp tỉnh để dịch không lây lan ra các tỉnh lân cận. Các địa phương có dịch cũng phải công bố dịch theo đúng quy định.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tả heo châu Phi tại 41 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 22.000 con heo. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch tăng 2,4 lần, số heo phải tiêu hủy tại các ổ dịch tăng 94%.
Trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, Quảng Ninh.
Hiện nay, cả nước có 247 ổ dịch thuộc 68 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận