Trước đó, những xe đẩy bánh mì đường phố cũng đã để lại dấu ấn trong người tiêu dùng. Những xe bánh mì, hủ tiếu gõ "làm ăn lớn" là hướng đi đúng để duy trì được món ăn bình dân, thân thuộc thay vì bị bỏ lại phía sau.
Hủ tiếu gõ hay bánh mì... khá quen thuộc ở các góc đường, vỉa hè vào buổi tối và đêm muộn với hình ảnh đơn sơ là tất cả trên xe đẩy tự chế. Rồi, cũng như nhiều món ăn đường phố khác, hủ tiếu gõ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, đô thị hóa.
Người ta bắt đầu nghi ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm của những xe hủ tiếu gõ. Hình ảnh xe hủ tiếu gõ thân thuộc dần biến mất. Cũng đúng thôi. Buôn bán nhỏ lẻ, mỗi người một "quy trình" về chế biến, về vệ sinh thực phẩm, có gì người tiêu dùng khó xử lý...
Vì thế, hình ảnh những chiếc xe hủ tiếu gõ chỉn chu, được đầu tư bài bản về nhận diện thương hiệu, chuẩn hóa về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... sẽ là phiên bản mới để giữ chân khách hàng, để xe hủ tiếu gõ trở lại với thực khách.
Điều dễ hiểu, khi món ăn đường phố đạt chuẩn an toàn thì hoàn toàn tự tin thu hút du khách và người tiêu dùng, góp phần quảng bá và giữ gìn một giá trị văn hóa của thành phố.
Những người yêu ẩm thực tin rằng món ăn đường phố hủ tiếu gõ đang đứng trước cơ hội "đổi đời" khi được làm sống lại bằng một mô hình kinh doanh chuyên nghiệp.
Đặc biệt, du lịch và ẩm thực ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng. Mô hình kinh doanh hủ tiếu gõ xuất hiện trên khắp đất nước không chỉ là một cơ hội kinh tế mà còn là cơ hội để giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa Việt Nam.
Kinh doanh hủ tiếu gõ, bánh mì... là mô hình truyền thống lâu đời và đang được hiện đại hóa bằng công nghệ, bằng kỹ thuật tiếp thị...
Về lâu dài, những người nhận xe bánh mì hay xe hủ tiếu gõ cần được hướng dẫn về chuyên môn, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng...
Tiến xa hơn, những chuỗi ẩm thực này cần được đầu tư bài bản từ đăng ký sở hữu trí tuệ, chuẩn hóa công thức... dễ dàng tăng quy mô kinh doanh.
Những xe bánh mì, xe hủ tiếu gõ chuyển hướng "làm ăn lớn". Và hủ tiếu gõ của những cô, chú, dì... với những thực khách là những người lao động bình dân, học sinh, sinh viên đứng trước cơ hội để trở thành một món ăn đường phố được chuẩn hóa để phục vụ du khách, xây dựng một hình ảnh đặc sắc của ẩm thực Việt trên thị trường quốc tế.
Còn hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe hủ tiếu gõ, xe bánh mì khác vẫn đang mưu sinh ở những góc phố, con hẻm nhỏ.
Và nếu chúng ta nhân cơ hội này để cùng hệ thống hóa, chỉnh trang lại những xe đẩy bán hàng, hướng dẫn họ xây dựng thương hiệu, đưa việc kinh doanh ngày càng chuyên nghiệp hơn thông qua các mô hình hợp tác xã, đội nhóm, để không còn kinh doanh tự phát, hướng tới sự bền vững hơn.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã xem những người bán thức ăn đường phố là huyết mạch của nền kinh tế đất nước. Sức mạnh của những món ăn này không chỉ là món ngon mà còn gắn với lối sống, "nguyên liệu" cho những thương hiệu ẩm thực đường phố.
Chuẩn hóa lại hoạt động kinh doanh ẩm thực đường phố cũng là minh chứng cho sự kết hợp thành công giữa bí quyết truyền thống với cách quản trị, vận hành kinh doanh kiểu mới. Hay một cuộc "cách mạng" những món ăn đường phố bình dân mà chúng ta đang sở hữu một kho tàng đồ sộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận