Xe
18/10/2017 08:02 GMT+7

Xe hơi rồi cũng như ngựa, chỉ sở hữu cho vui?

NHẬT ĐĂNG (theo Quartz)
NHẬT ĐĂNG (theo Quartz)

TTO - Dù ebook xuất hiện, sách cũng không chết. Dù xe cộ xuất hiện, ngựa vẫn còn. Dù xe điện xuất hiện, xe xăng vẫn còn. Nhưng xét về vai trò, có một sự thay đổi lớn.

Xe hơi rồi cũng như ngựa, chỉ sở hữu cho vui? - Ảnh 1.

Những con ngựa chở người vẫn còn chứ không biến mất hẳn - Ảnh: Reuters

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi về công nghệ thường đinh ninh rằng, khi một công nghệ mới ra đời thì nó sẽ giết chết cái cũ.

Bánh xe lịch sử đã lăn. Và nhận định phía trên đã được chứng minh không ít. Đúng vậy, giờ đây ít ai viết tay nữa, kể từ khi những bộ máy xử lý văn bản ra đời những năm 1960. Nhưng không hẳn tất cả những lĩnh vực khác đều diễn tiến như vậy, trang Quartz (Mỹ) nhận định.

Theo đó, nếu như pin lithium bắt đầu thay thế động cơ đốt trong ở xe hơi, thì thực tế nên hiểu rằng pin lithium đã "tái định nghĩa" chứ không "thay thế" động cơ đốt trong.

Nói về sách là dễ hiểu nhất. Ví dụ khi những cuốn sách bìa mềm hơn – dạng paperback, xuất hiện vào năm 1939, nó đã tái định nghĩa về sách.

Những cuốn bìa cứng (hardcover hoặc hardback) sau đó vẫn tồn tại, nhưng với vai trò làm quà tặng xa xỉ, quà lưu niệm hơn là đọc. Đa phần sách mua để đọc là paperback. Nhưng rồi, ebook (sách điện tử, trực tuyến) ra đời, tiếp tục ảnh hưởng nhưng không hề xoá xổ ngành công nghiệp sách.

Tỉ phú Elon Musk của hãng xe điện Tesla vừa rồi đã đưa ra những dẫn chứng để thấy rằng, xe hơi thì cũng như vậy thôi.

Ông trùm xe điện này thừa nhận vẫn đang sở hữu hai chiếc xe chạy nhiên liệu hóa thạch là Ford Model T và Jaguar Roadster. Đó dĩ nhiên là những chiếc xe cổ, và không thể có giá trị sử dụng như Honda, GM hay chính Tesla ngày nay. Nhưng về mặt giá trị thì khác. Đối với Musk, Model T và Jaguar Roadster là những chiếc xe thể thao đã từng là "tình yêu đầu tiên".

Nói cách khác, sự phát triển của công nghệ kéo theo sự chuyển đổi từ "giá trị sử dụng" của hàng hóa, công cụ, sang "giá trị". Đây là điều mà những chú ngựa có thể giúp giải thích thêm.

Ngựa từng là phương tiện vận chuyển hàng hóa phổ biến ở Mỹ. Cao điểm vào năm 1915, có tới 26,493 triệu con ngựa tại Mỹ, hơn bất cứ nơi nào khác ngoài nước Nga.

Nhưng kể từ đó, số lượng ngựa giảm đau đớn, nhưng rồi hồi phục trở lại kể từ năm 1989. Theo thống kê năm 2003, số ngựa ở Mỹ đã vượt qua 10 triệu con. Nó chủ yếu phục vụ mục đích giải trí, thi đấu, triển lãm…

Xe hơi rồi cũng như ngựa, chỉ sở hữu cho vui? - Ảnh 2.

Phụ nữ bên xe hơi cổ - Ảnh: artleo

Theo quy luật ấy, có thể thấy dù ngắn hay dài, cũng có ngày những chiếc xe hơi – xe máy sẽ phải chuyển đổi mục đích sở hữu. Tức là những chiếc xe thông thường sẽ sớm không còn là phương tiện được mua về để phục vụ mục đích di chuyển nữa, mà là để "chơi", để trải nghiệm cảm giác.

Có hai lý do để tin như vậy.

Thứ nhất, một báo cáo gần đây dẫn lời các chuyên gia dự đoán trong vòng vài thập kỷ tới, xe điện tự lái sẽ chiếm tới 95% số quãng đường chở khách tại Mỹ.

Ngày nay, trừ một số thương hiệu siêu sang như McLaren, Ferrari hay Lamborghini, các hãng sản xuất đều chạy đua với xu hướng chế tạo xe điện và ứng dụng công nghệ tự lái.

Thứ hai, nền kinh tế chia sẻ đang khiến người ta lười đi xe hơn. Nếu sở hữu một chiếc Mazda 3 tầm trung tại Việt Nam, bạn cũng sẽ tốn sơ sơ 5 triệu đồng/tháng để bảo trì, đổ xăng, đậu đỗ. Và nếu thế thì đi taxi hay Uber tiện hơn.

Công nghệ tự lái cũng đang hòa chung trong xu hướng toàn cầu này. Tới đây khi các dịch vụ chở khách sử dụng công nghệ cho dịch vụ của mình, sẽ chẳng còn tài xế taxi nào nữa, không còn cảnh tài xế cố tình huỷ chuyến vì ngại đi xa nữa. Vì khi thử nghiệm công nghệ tự lái, bạn sẽ không cần giao tiếp với tài xế, chỉ việc đặt xe và ngồi lên mà thôi.

Xe hơi chính vì vậy sẽ không được mua về như một phương tiện di chuyển cá nhân. Nó có thể tồn tại với mục đích thương mại, hoặc sắm vai đồ cổ. Cũng y như ngựa hoặc những cuốn sách bìa cứng vậy.

NHẬT ĐĂNG (theo Quartz)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên