Ông Khuất Việt Hùng trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề tai nạn giao thông - Ảnh: Hoàng Điệp |
Ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, khẳng định: “Ủy ban ATGT quốc gia không phải là cơ quan đề xuất mà là nơi nhận được đề xuất giải pháp này từ các chuyên gia, các nhà khoa học”.
Ông Hùng nói: Ngày 11-12-2015, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức hội thảo các giải pháp an toàn cho môtô, xe máy, có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế.
Hội thảo ghi nhận nhiều đề xuất, trong đó có ý kiến của chủ tịch Hiệp hội Giao thông Thái Lan, chủ tịch Ủy ban ATGT châu Âu... về quy định bật đèn chiếu sáng phía trước vào ban ngày nhằm tăng khả năng nhận biết giúp kéo giảm TNGT đối với người đi môtô, xe máy.
Quy định này đã áp dụng tại Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ lâu và trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có có 7/10 nước áp dụng quy định này.
* Cụ thể, hiệu quả của việc áp dụng việc bật đèn ra sao từ các quốc gia trên, thưa ông?
- Trong hội thảo, các chuyên gia đưa ra những số liệu thống kê chứng minh hiệu quả của giải pháp này cho thấy so với trước khi áp dụng quy định thì TNGT liên quan đến môtô, xe máy giảm rất mạnh ở hầu hết quốc gia, ví dụ như Thụy Điển giảm 10%, Phần Lan giảm 28%, Malaysia giảm 29%, Nhật Bản giảm 40%.
Những thông tin này đã cho thấy đây là một giải pháp có hiệu quả nhằm kéo giảm TNGT ở nhiều nước với nhiều điều kiện kinh tế, xã hội cũng như khí hậu môi trường rất khác nhau.
Đồng thời, chúng ta biết rằng trong cam kết chung của Cộng đồng kinh tế ASEAN mà Việt Nam là một thành viên đã có lộ trình hài hòa khoảng 51 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến sản phẩm ôtô, xe máy, trong đó có tiêu chuẩn về tự động bật đèn chiếu sáng phía trước để tăng khả năng nhận biết cho phương tiện vào ban ngày.
Như vậy, Việt Nam cũng đang trong lộ trình để thực hiện quy định này cùng các thành viên khác của ASEAN.
* Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất trên không phù hợp với điều kiện giao thông và khí hậu Việt Nam, đèn sáng làm tăng nhiệt độ tại các đô thị lớn, ví dụ như TP.HCM?
- Tôi cho rằng đây là những ý kiến rất có trách nhiệm, đặc biệt là khi chúng ta xem xét đặc thù về khí hậu, tỉ lệ môtô, xe máy tham gia giao thông ở Việt Nam.
Vì vậy, tôi khẳng định để có thể triển khai quy định này, các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, sẽ phải tham khảo kinh nghiệm cụ thể từ những nước và vùng lãnh thổ có điều kiện môi trường và giao thông xe máy tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đài Loan….
Đồng thời, chúng ta có đủ điều kiện để làm thí nghiệm nhằm xác định mức độ tiêu hao nhiên liệu rồi cả mức phát nhiệt của môtô, xe máy khi thực hiện bật đèn chiếu sáng phía trước vào ban ngày tại Việt Nam.
Nhưng có một điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải làm là thông tin đầy đủ với người dân là không quốc gia nào quy định cho phép bật đèn pha (đèn chiếu xa) vào ban ngày vì nếu bật đèn pha sẽ gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm hơn cho xã hội và môi trường.
Hiện nay hầu hết các nước quy định bật đèn chiếu sáng phía trước ban ngày cho phép phương tiện bật một trong 4 loại đèn sau: (1) đèn chiếu gần (đèn cos), (2) đèn nhận biết vị trí phía trước (position light), (3) đèn sương mù, hoặc (4) chế độ chiếu sáng ổn định của đèn báo hiệu chuyển hướng trước.
Rất ít nước có quy định là phải thiết kế một loại đèn riêng để bật ban ngày.
* Các phương tiện đang lưu hành tại Việt Nam thì điều kiện đáp ứng khả năng này thế nào?
- Hiện nay phần lớn xe máy được sản xuất, lưu hành trong nước và xe nhập khẩu được thiết kế có đèn nhận biết vị trí hoặc đèn sương mù.
Ngay cả những xe Honda Dream II lắp ráp ở nước ta từ năm 1996 cũng có thiết kế đèn nhận biết vị trí, những xe cũ hơn như xe bãi Nhật hay Hàn Quốc đều có đèn sương mù. Tuy nhiên, do nước ta chưa quy định nên những đèn này thường được nhà sản xuất hoặc người dùng tắt đi do không sử dụng.
Vì vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận biết rõ hơn và chúng ta cũng cần đặt một cái tên gọi cho những loại đèn phù hợp với chức năng nhận biết ban ngày, ví dụ như đèn ban ngày chẳng hạn, thay cho thuật ngữ chung là đèn chiếu sáng phía trước để tránh làm người dân hiểu lầm thành bật đèn pha ban ngày.
* Kéo giảm TNGT là mục tiêu mà Ủy ban ATGT quốc gia đặt ra và thực hiện, theo ông, nguyên nhân chính gây nên những TNGT hiện nay là gì?
- Có ba nguyên nhân chính gây TNGT. Thứ nhất là do thiếu chú ý quan sát, nhưng việc thiếu chú ý quan sát có nguồn gốc từ những nguyên nhân sâu xa hơn như thiếu khả năng nhận biết đối tượng cùng tham gia giao thông, do sử dụng điện thoại di động khi lái xe, bị ảnh hưởng bởi chất kích thích thần kinh như rượu, ma túy…
Thứ hai là nguyên nhân đi sai phần đường, làn đường, rồi lái xe vi phạm chủ tốc độ... Do đó việc bật đèn chiếu sáng phía trước giúp tăng khả năng nhận biết của môtô, xe máy cho các đối tượng khác cùng tham gia giao thông, đặc biệt với người điều khiển ôtô.
Qua đó sẽ giúp kéo giảm TNGT, nhất là giữa ôtô và xe máy vì lâu nay những vụ tai nạn như thế này có tỉ lệ thương vong rất cao.
* Nếu đề xuất này được triển khai, người sử dụng phương tiện có phải trả khoản chi phí phát sinh nào không?
- Theo lộ trình, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến người dân để họ hiểu về biện pháp bật đèn phía trước xe máy nhằm hạn chế tai nạn. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu lộ trình phù hợp để không phát sinh chi phí cho người sử dụng phương tiện, gây xáo trộn xã hội.
Các nhà sản xuất xe máy phải hướng dẫn đại lý đấu nối lại hệ thống đèn chiếu sáng phía trước cho khách hàng.
Tại hội thảo chúng tôi đã đề nghị các bộ, ngành chức năng bàn bạc, thống nhất với các nhà sản xuất xe máy để có hướng dẫn và hỗ trợ cụ thể đối với người dân, đặc biệt là đối với những người đang đi xe máy thế hệ cũ, qua đó không gây phát sinh chi phí cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận