Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp mạnh tay để trị 'xe dù, bến cóc', nhưng một số nhà xe vẫn tìm cách lách luật, tiếp tục hoạt động. Từ thực tế này, nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi: Tại sao vậy?
Nhằm góp thêm góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu phân tích của tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông.
Vì sao không dẹp được "xe dù bến cóc"?
Khái niệm xe dù bến cóc chỉ nghe nhiều ở Việt Nam, chứ thế giới hiếm thấy tài liệu thông tin về vấn đề này.
Bến cóc tạm hiểu là bến không được cấp phép hoạt động theo quy định. Xe dù là xe đón trả khách lòng vòng tại các điểm bị cấm.
Nói chung, hoạt động "xe dù bến cóc" là vi phạm pháp luật, chính quyền địa phương, các ngành chức năng có quyền xử lý vi phạm bất cứ lúc nào, ở đâu.
Thế sao hiện tượng này vẫn tồn tại dai dẳng, đặc biệt tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, mặc dù báo chí nhiều lần lên tiếng, địa phương và cơ quan chức năng liên tục ra quân xử lý.
Sao không thành công được như các chủ trương cấm đốt pháo, đội nón bảo hiểm, hay mới nhất là đo nồng độ cồn?
Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này kéo dài là do chưa có sự hưởng ứng cao của người dân và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Nói cách khác, họ thấy lợi nhiều hơn hại, thấy hợp lý nhiều hơn hợp pháp. Phạt tiền nặng, không ăn thua. Đóng bến, thu hồi các loại bằng lái, giấy phép cũng ít tác dụng.
Vì sao bến xe Miền Đông mới khang trang nhưng vắng?
Bến xe Miền Đông mới đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, khang trang rộng rãi, tiện nghi hiện đại, tổ chức trung chuyển, tương lai nối kết tuyến metro số 1.
Nhưng nhiều năm, bến xe vẫn vắng, khai thác chỉ 30% công suất, dù có nhiều nỗ lực từ bến và các ngành chức năng. Dễ thấy và cũng nhiều người nói là bến xa quá, tốn tiền nhưng chính là mất thời gian đi lại lòng vòng.
Từ việc bến xe Miền Đông mới vắng khách, nhiều xe bỏ bến, nhiều tranh luận và hội thảo xung quanh vấn đề này đã diễn ra. Phần đông chuyên gia, hiệp hội vận tải và doanh nghiệp bến đều phê phán gay gắt. Cạnh tranh không lành mạnh giữa xe vào và không vào, cơ quan thuế và bến xe thất thu.
Chưa ai nhắc nhiều về nhu cầu chính yếu thiết thực của người dân và các bất hợp lý về quy hoạch hay cách tổ chức chưa hợp lý.
Trong ngành giao thông, sân bay, nhà ga, bến tàu, bến xe là những nơi đi đến của khách đường xa, cả vùng, cả nước, cả khách vãng lai, cả du khách quốc tế.
Vì vậy, các đầu mối này thường ở gần trung tâm càng tốt và phải dễ tiếp cận với các luồng giao thông công cộng.
Thời buổi này, người dân thích xe khách đón tận cửa. Khách thích, nhà xe chiều; hay xe phục vụ, khách cứ hưởng lợi; cứ vòng luẩn quẩn. Bến cứ ế hoàn ế. Riêng bến xe Miền Tây vẫn bình thường và các bến khác như An Sương, Ngã Tư Ga… nhộn nhịp hẳn lên. Trong đó có cả các bến cóc.
Khách càng nhiều sự lựa chọn càng tốt
Bến xe thành phố là một trong những thành phần của hệ thống giao thông liên tỉnh.
Trong quá trình phát triển, cần có chính sách phát triển bến xe, cả bến xe mới và di dời bến xe để có thể đáp ứng sự phát triển của thành phố và sự tiện lợi của người dân.
Việc di dời được tiến hành để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở vị trí cũ, cũng như để tăng khả năng phục vụ của bến.
Hiện nay trên thế giới có xu hướng bãi bỏ quy định phải ra vào bến xe thành phố đối với xe buýt liên tỉnh/xe khách ở một số quốc gia như Đức, Anh, Mỹ và Thụy Điển. Họ không sử dụng bến xe làm nơi trung chuyển.
Thay vào đó, xe khách, xe buýt đường dài ở các nước này vận chuyển hoặc trả khách ở lề đường được xác định trước và có thể đi vào đường thành phố.
Trước đây có bến xe Sài Gòn cho các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên và miền Trung, ban đầu ở Hàm Nghi, sau là ngã sáu Phù Đổng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Cư Trinh, Cây Gõ...
Bến xe Chợ Lớn đi lục tỉnh ban đầu gần chợ Bình Tây, sau thêm bến đi Cần Giuộc, Gò Công, Quận 8, sau dời ra xa cảng Miền Tây. Ngoài ra còn có bến xe An Sương đi Tây Ninh và bến xe Ngã Tư Ga...
Vì thế, cần phải có nhiều bến xe, chứ không chỉ có một hai bến cho dễ quản lý và không gây mất trật tự đô thị.
5 yếu tố để các bến xe khách hoạt động hiệu quả
Đầu tiên là chất lượng môi trường (vệ sinh, khói bụi, nóng ồn...), an toàn, chiếu sáng, cơ sở vật chất (nhà chờ, nhà vệ sinh, cửa hàng dịch vụ, nhà gửi xe, trọ đêm...), văn phòng đại lý bán vé và công tác an ninh bảo vệ.
Thứ hai là kết nối, bao gồm nối kết phương tiện giao thông công cộng, khả năng tiếp cận các trục đường, tổ chức giao thông xung quanh bến, khoảng cách từ bến vào trung tâm, thông tin đầy đủ, rõ ràng về bến.
Thứ ba là giao nhận luân chuyển dễ dàng bao gồm công nhân bốc xếp khuân vác, nhân viên phục vụ tại bến, mức độ dễ dàng luân chuyển hàng hóa, kho hàng tạm, sự phối hợp giữa nhà xe, tài xế và bến.
Thứ tư là hiệu suất của nhà điều hành bao gồm sự dễ dàng mua vé, sự sẵn có của xe buýt, ô tô chở khách để đi tiếp và dịch vụ phục vụ các nhu cầu của tài xế nhân viên nhà xe.
Cuối cùng là độ tin cậy của dịch vụ bao gồm thời gian chờ đợi, sự đúng giờ, thủ tục sử dụng bến đơn giản và chi phí hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận