Dù xe điện đang trở thành xu hướng và đang trải ra nhiều phân khúc, nhưng những người ngồi xe lăn lại không thể tìm được phương tiện phù hợp.
Khó độ xe điện
“Độ cao vài cm chẳng khác gì quãng đường cả cây số với người ngồi xe lăn”, Kevin Frayne, giám đốc về giải pháp di chuyển tiên tiến tại BraunAbility, chuyên sửa đổi ô tô cho người khuyết tật, nói với Insider.
Để người sử dụng xe lăn có thể lên xuống dễ dàng, ô tô cần có không gian sàn rộng rãi cho phép di chuyển xe lăn, cửa mở lớn và đường dốc nghiêng để xe dễ dàng lên ô tô. Đó là lý do vì sao những gia đình có người nhà ngồi xe lăn thường mua minivan.
Xe van lớn cũng có thể dễ dàng sửa đổi. Nhưng thường những xe này quá to so với garage hoặc đường vào nhà.
Minivan điện không hẳn là hoàn toàn không có, nhưng rất ít và được bán ra khá hạn chế. Volkswagen ID.Buzz đã ra mắt ở châu Âu là một lựa chọn. Nhưng theo Frayne, chiếc xe đó vẫn không thực sự thoải mái.
So với động cơ đốt trong, độ lại xe điện cho vừa với người ngồi xe lăn khó hơn nhiều. Thông thường, họ sẽ cần nâng nóc, hạ sàn và lắp đặt ván nghiêng. Nhưng pin xe điện lại được nằm dưới sàn!
Giá xe điện cao
Một vấn đề khác là giá cả. Tính trung bình, xe điện vẫn đắt hơn xe xăng dầu. Theo Frayne, Tesla Model X, một trong những mẫu xe điện lớn nhất trên thị trường, có giá khởi điểm hơn 100.000 USD (gần 2,4 tỉ đồng), và chi phí chuyển đổi có thể dao động trong khoảng từ 15.000 - 30.000 USD (357 - 714 triệu đồng). Tổng thể không khác mấy số tiền phải bỏ ra để mua xe sang, siêu xe.
“Khuyết tật và nghèo đói thường đi đôi với nhau. Một số người nói rằng khuyết tật vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của nghèo đói. Người khuyết tật ít có khả năng mua được xe điện cho đến khi giá xe giảm xuống”, Maria Town, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Người khuyết tật Mỹ, nói với trang Insider.
Sạc còn phức tạp
Một khi những vấn đề trên được khắc phục, xe điện có thể mang lại lợi ích lớn cho người sử dụng xe lăn.
Chẳng hạn, do có thể sạc tại nhà, họ không phải tìm cách lái xe đến trạm để tiếp năng lượng.
Xe điện thường có mức độ “tự lái” nhất định, hỗ trợ người khuyết tật sử dụng xe một cách an toàn hơn. Tuy nhiên, mức độ thuận tiện khi sạc cũng cần thiết như chính bản thân chiếc xe.
“Các điểm sạc thường được xây chồng lên hoặc bổ sung thêm cho nơi vốn dùng để đổ xăng. Những người khuyết tật hiểu rõ điều này thường dẫn đến những vấn đề gì. Hãy thử hình dung bạn đang ở trong tòa nhà cũ, rồi một ngày được trang bị thêm điều hòa, bạn sẽ cảm thấy dường như điều hòa hoạt động không được tốt lắm”.
Cơ quan hỗ trợ người khuyết tật của Mỹ US Access Board đã phát hành hướng dẫn các trạm sạc xe điện cần thiết kế để nhiều nhóm người có thể sử dụng dễ dàng. Ford tuyên bố đã phát triển trạm sạc để người lái có thể dễ dàng sạc xe điện thông qua điện thoại. Tuy nhiên, mô hình này mới ở dạng nguyên mẫu, chưa thể áp dụng đại trà.
‘Đừng hành động muộn’
Theo Frayne, thực tế, ngành công nghiệp ô tô đều đã từng phải đối diện với những điều nói trên, trong thuở đầu những chiếc xe bốn bánh mới chạy trên đường. “Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này vài năm nay rồi. Điện khí hóa không phải như cái công tắc, ấn một cái là thay đổi ngay được. Nhưng cũng đừng để quá muộn”, ông nói.
Còn ở thì hiện tại, không tính đến xe nhắm thẳng vào người khuyết tật như Kenguru, chiếc xe “điện” có thể dễ dàng chuyển đổi cho người ngồi xe lăn sử dụng nhất là Toyota Sienna hybrid.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận