05/05/2020 11:35 GMT+7

Xe đạp 'lên ngôi' ở nhiều nước trong đại dịch COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Việc sử dụng xe đạp để di chuyển đang được khuyến khích như một phương tiện thay thế cho những lựa chọn đông đúc như tàu hoặc xe bus.

Xe đạp lên ngôi ở nhiều nước trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân đi xe đạp gần Cổng Brandenburger ở Berlin, Đức ngày 28/3/2020. Ảnh: TTXVN

Giữa bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới việc đưa nền kinh tế trở lại guồng quay bình thường khi đại dịch COVID-19 đang dần hạ nhiệt, việc sử dụng xe đạp để di chuyển đang được khuyến khích như một phương tiện thay thế cho những lựa chọn đông đúc như tàu hoặc xe bus.

Các nhà hoạt động từ Đức đến Peru đang cố gắng tận dụng thời điểm này để đề xuất mở thêm làn đường mới dành cho xe đạp, hoặc mở rộng những làn đường hiện có, ngay cả khi đó có thể chỉ là biện pháp tạm thời để tạo ra không gian cho người đi lại trên những chiếc xe hai bánh.

Lựa chọn thân thiện với môi trường

Việc sử dụng xe đạp làm phương tiện khi di chuyển sẽ thân thiện hơn với môi trường, và là lựa chọn cần thiết để đưa các thành phố trở lại trạng thái hoạt động bình thường, đồng Chủ tịch Liên đoàn xe đạp tại châu Âu Morton Kabell, cho biết.

Theo chuyên gia này, khi dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn, có nhiều người sẽ quan ngại khi phải di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, trong khi hầu hết các thành phố vốn đã quá tải với lưu lượng xe hơi cá nhân mỗi ngày. Ngoài ra, Chủ tịch Kabell cũng khuyến khích người dân sử dụng xe đạp điện cho những người phải đi làm xa hoặc phải di chuyển trên những đoạn đường có nhiều đồi núi.

Chủ tịch Liên đoàn xe đạp tại châu Âu nhắc đến thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, nơi có đến một nửa số người đi lại hàng ngày bằng xe đạp và Hà Lan, với mạng lưới đường dành cho xe đạp rộng lớn, là hai ví dụ cụ thể nhất của việc đưa xe đạp trở thành phương tiện di chuyển hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, độ phủ sóng của xe đạp tại nhiều quốc gia là khác nhau.

Chính phủ Pháp đã yêu cầu nhà hoạt động Pierre Serne lên kế hoạch khuyến khích người dân sử dụng xe đạp để di chuyển khi các lệnh giới nghiêm của nước này chuẩn bị kết thúc vào ngày 11/5 tới. Các khuyến nghị của ông Pierre Serne, bao gồm mở rộng làn đường dành cho xe đạp và tách biệt với các phương tiện khác, có chi phí ước tính lên tới 50.000 euro/km (tương đương 32.000 USD/dặm), đã được gửi tới Bộ Giao thông Vận tải Pháp. Ngoài ra, Paris cũng cho biết họ có thể sẽ trợ cấp 50 euro (gần 55 USD) cho mỗi người sử dụng xe đạp để di chuyển sau khi nước này bắt đầu dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.

Trong khi đó tại Berlin, thay vì áp dụng các biện pháp phức tạp, hội đồng của quận Friedrichshain-Kreuzberg chỉ đơn giản vẽ những đường vạch kẻ màu vàng lấy từ làn đường ô tô để phân luồng. Đây được coi là phương pháp có chi phí thấp, đơn giản và tiện lợi, tạo ra sự khác biệt ngay lập tức.

Các sáng kiến tương tự đang xuất hiện ở nhiều nơi khác. Các quan chức ở Lima (Peru), Barcelona (Tây Ban Nha), và Milan của Italy, cũng đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng làn đường dành cho xe đạp hoặc lấy không gian từ làn xe ô tô hay các địa điểm đỗ xe hiện tại.

Ở Bogota của Colombia, nơi xe đạp lâu nay chỉ được các công nhân sử dụng, Thị trưởng Claudia López đã kêu gọi người dân quay trở lại làm việc trên những chiếc xe đạp thay vì sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hiện đang hoạt động với chỉ 35% công suất. Trong khi đó tại Mỹ, các thành phố như Oakland, San Francisco và New York cũng đã đóng cửa một số tuyến đường để dành chỗ cho người chạy bộ và người đi xe đạp.

Pedro Díaz, một thành viên của câu lạc bộ đạp xe ở Madrid Pedalibre, coi đây là cơ hội có một không hai để tận dụng khoảng không gian từ các làn ô tô và cố gắng duy trì tình trạng đó ngay cả khi đại dịch kết thúc. Việc chờ đợi các dự án hạ tầng thích hợp để phát triển các làn đường dành riêng cho xe đạp có thể mất ít nhất bốn năm để được thiết kế và phê duyệt, ông Díaz nói. Song trong bối cảnh hiện nay, người ta chỉ cần đặt hàng rào và ngăn xe ô tô sử dụng làn đường đó.

'Bước đệm' cho nền kinh tế

Bên cạnh yếu tố môi trường, triển vọng u ám của các nền kinh tế cũng là nguyên nhân khiến các chuyên gia tin rằng việc tăng cường sử dụng xe đạp sẽ giúp nền kinh tế hồi sinh nhanh hơn.

Laura Vergara, người đứng đầu nhóm vận động ConBici của Tây Ban Nha, cho biết ngành du lịch đóng góp đến gần 15% GDP của Tây Ban Nha. Trong bối cảnh đó, các kỳ nghỉ dưỡng ngoài trời nằm cách xa các bãi biển và khu du lịch đông đúc – dù có di chuyển bằng xe hai bánh hay không - đều có thể là động lực khiến ngành công nghiệp này phát triển.

Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera, người phụ trách lập kế hoạch khuyến khích sử dụng xe đạp sau giới nghiêm, cho rằng những thay đổi nên xuất phát từ việc điều chỉnh thói quen và quan niệm vốn đã được thiết lập từ lâu nay. Bộ trưởng cũng cho biết bà đã yêu cầu các thị trưởng mở rộng phạm vi làn đường xe đạp, giảm giới hạn tốc độ xe hơi và cung cấp các bãi đậu cho phương tiện xe hai bánh này. Tuy nhiên, việc chính phủ có đồng ý tài trợ cho những đề xuất trên hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức quốc gia cũng cần được thay đổi và đây là yếu tố tạo ra sự khác biệt nhiều nhất. Trong khi ở Anh, người dân vẫn được phép ra khỏi nhà để tập thể dục, các cửa hàng xe đạp vẫn mở cửa trong thời gian giới nghiêm bắt đầu từ ngày 23/3 thì ở Tây Ban Nha, các trạm xăng vẫn được coi là thiết yếu nhưng các cửa hàng sửa chữa xe đạp thì không.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên