Em Phạm Thị Loan (học sinh lớp 11A3 Trường THPT Lục Ngạn số 3, Bắc Giang) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online khi đến nhận học bổng "Ngăn dòng bỏ học cho học sinh bị ảnh hưởng bởi bão số 3" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Bắc Giang tổ chức ngày 27-9.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao 100 suất quà trị giá 3 triệu đồng/người cho 100 em học sinh và 10 suất quà trị giá 5 triệu đồng/người cho 10 thầy cô giáo ở tỉnh Bắc Giang.
Đi cấy, nhặt cỏ cùng mẹ để kiếm thêm tiền ăn học
Trong số 100 học sinh tới hội trường UBND xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam) nhận học bổng hôm nay, Loan thu hút sự chú ý khi em không mặc áo trắng hay trang phục dân tộc như các bạn. Loan mặc chiếc áo đã phai màu, ngồi chăm chú đọc sách.
Cô bé học lớp 11 có dáng người nhỏ bé, vẻ mặt khắc khổ hơn những bạn cùng trang lứa có hoàn cảnh rất đặc biệt.
Nói về gia cảnh của mình, em đã nhiều lần rơi nước mắt.
Loan kể, em cùng em trai (học lớp 5) mồ côi bố từ nhỏ, hiện đang sống cùng mẹ, bà ngoại.
"Mẹ em sức khỏe cũng kém, mẹ ở nhà chỉ làm những việc nhỏ nhỏ như trồng rau để ăn, bán lấy tiền sinh hoạt.
Nhưng mưa lũ gây ngập lụt nên vườn rau cũng hỏng hết, giờ không còn gì nữa vì bị thối, hỏng hết.
Mưa bão làm mái tôn bay vào, khiến xe đạp của em bị hỏng. Chiếc xe đạp mẹ em mua từ trước khi em sinh ra. Xe hỏng nên hằng ngày hai chị em đang phải đi nhờ bạn đến trường. Nhà em cách trường khoảng 3km, hai chị em chỉ mong có một chiếc xe đạp mới để chở nhau đi học" - Loan nói.
Loan cho biết gia đình em thuộc diện hộ nghèo nên hằng tháng có tiền trợ cấp. Khoản tiền nhận được hằng tháng, bà em tích cóp để đóng một số khoản tiền học cho hai chị em và chi tiêu cho cả nhà.
"Trước khi mưa lũ, cuối tuần được nghỉ học em sẽ cùng mẹ đi làm đồng ruộng, trồng rau. Thỉnh thoảng người dân thuê mẹ em đi cấy hay đi nhặt cỏ, em cũng đi cùng mẹ.
Mẹ em sức khỏe yếu nên tiền làm thuê của hai mẹ con thường chỉ được tính như một người. Có đợt em đi cấy cùng mẹ cả ngày được trả 150.000 đồng" - Loan kể.
Dù ở "thủ phủ" trồng vải thiều Lục Ngạn nhưng Loan cho biết nhà em cũng chỉ trồng vài cây vải.
"Đến mùa thu hoạch, bà hỏi em muốn để ăn hay bán. Em thường nói bà bán đi để có thêm tiền chi tiêu, ăn học. Nhưng năm nay mất mùa, nhà em bán được đúng 200.000 đồng" - Loan ngậm ngùi.
Khi hỏi về mong muốn lớn nhất của mình, Loan vẫn chỉ nhắc đến một chiếc xe đạp mới để hai chị em chở nhau đến trường.
"Nếu không phải mua xe đạp thì số tiền này (3 triệu đồng) em sẽ đưa cho bà để đóng tiền học cho hai chị em" - Loan nói.
Ước mơ làm giáo viên lịch sử
Đưa Loan tới nhận học bổng Ngăn dòng bỏ học, cô Trần Thị Vân (giáo viên chủ nhiệm lớp 11A3 Trường THPT Lục Ngạn 3) chia sẻ do nhà Loan không có người thân đưa đi nên các cô giáo đã đưa em đến đây.
"Trên đường đi xe khoảng 20km rồi vào hội trường để chờ nhận học bổng em vẫn cầm sách để học, tinh thần học tập của Loan rất cao" - cô Vân nói và cho biết lớp 9, em Loan đạt giải khuyến khích môn lịch sử cấp tỉnh.
Lên cấp 3, Loan tiếp tục được các thầy cô nhận vào lớp ôn luyện của trường để đi thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh.
"Từ khi Loan vào cấp 3, nhà trường, giáo viên đã tìm hiểu và nắm được hoàn cảnh của em, nếu có chương trình hỗ trợ gì đều xin và chia sẻ cho em.
Các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường cũng hỗ trợ sách vở, bút, đồng phục để em được đến trường như các bạn khác" - cô Vân nói.
Mưa lũ do bão số 3 khiến trường học ở Bắc Giang bị ngập lụt, các em học sinh ở một số địa phương cũng bị ảnh hưởng, gián đoạn trong quá trình đến trường - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận