Các gói hội viên giá rẻ đang trở thành bí kíp đắc lực giúp người dùng, đặc biệt là giới trẻ, tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày và tối ưu hóa trải nghiệm tiêu dùng.
Giúp khách tiết kiệm chi tiêu
Theo ghi nhận, nhiều nhân viên văn phòng "mách nước" nhau sử dụng các gói hội viên từ đi lại, ăn uống... với loạt mã ưu đãi giúp tiết kiệm hơn. Những gói hội viên đang thu hút sự quan tâm lớn của người dùng như GrabUnlimited, BeLoyal hay Xanh SM...
Lướt trên các app, gói hội viên này chi phí khá hợp lý, từ 25.000 - 49.000 đồng/tháng, cung cấp nhiều ưu đãi như giảm giá 15.000 đồng cho mỗi đơn giao hàng hoặc chiết khấu 10% cho các chuyến di chuyển.
Chẳng hạn, ứng dụng Be đã thu hút một lượng lớn người dùng gen Z thông qua chương trình BeRewards - nơi khách hàng có thể tích điểm từ các chuyến đi để đổi lấy ưu đãi. Chẳng hạn, khách mua gói 39.000 đồng "BeBike thả ga di chuyển" sẽ được ưu đãi 25% cho 99 chuyến xe. Ăn uống có gói "Ăn no, không lo phí ship" giá 49.000 đồng được ưu đãi 15.000 đồng/đơn hàng cho đơn từ 100.000 đồng. Điều này không chỉ giúp Be tương tác hiệu quả với khách hàng mà còn góp phần giữ chân người dùng.
Trong khi đó, GrabUnlimited cũng không chịu thua kém khi tung ưu đãi cho cả dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và GrabMart, từ đó thúc đẩy tần suất sử dụng.
Xanh SM tạo nên sự khác biệt khi tập trung vào yếu tố bền vững với dịch vụ taxi điện. Gói hội viên của Xanh SM, đặc biệt là thẻ taxi trả sau dành cho doanh nghiệp, giúp khách hàng dễ dàng quản lý và tối ưu hóa chi phí di chuyển.
Trên các ứng dụng như Grab, Be hay ShopeeFood, danh mục "ngon, rẻ" cũng giúp người dùng dễ dàng chọn món ăn với giá rẻ hơn nhờ vào mã giảm giá. Một ví dụ điển hình là hộp cơm gà xối mỡ ở quận 1 (TP.HCM) có giá gốc 52.000 đồng, nhưng nhờ vào gói hội viên, người dùng chỉ phải trả 40.000 đồng.
Ngọc Lan là một nhân viên văn phòng tại TP.HCM, từng chi tiêu khá nhiều cho việc di chuyển và đặt đồ ăn mỗi tháng. Khi chưa dùng gói hội viên, Ngọc Lan chi tới 2,8 triệu đồng/tháng cho việc đi lại và ăn uống. Sau khi đăng ký gói hội viên giá 49.000 đồng/tháng, Lan tính toán chi tiết và thấy chi phí giảm đáng kể.
Cụ thể, thay vì tốn 100.000 đồng mỗi ngày cho việc di chuyển từ nhà đến cơ quan và ngược lại, Ngọc Lan chỉ còn chi 90.000 đồng nhờ vào việc giảm 10%/chuyến xe.
Tổng chi phí di chuyển của cô giảm từ 2,2 triệu đồng xuống còn 1,98 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với ưu đãi giảm 15.000 đồng cho các đơn đặt đồ ăn từ 100.000 đồng trở lên, chi phí đặt đồ ăn của cô cũng giảm từ 1 triệu còn 600.000 đồng/tháng. Tính tổng thể, Ngọc Lan tiết kiệm được hơn 700.000 đồng/tháng nhờ gói hội viên.
"Tận dụng gói hội viên vừa được giảm giá, vừa tạo cho mình thói quen kiểm soát chi tiêu tốt hơn" - Ngọc Lan nói.
Cố giữ chân khách hàng
Cuộc đua gói hội viên giữa các nền tảng như Grab, Be và Xanh SM ngày càng trở nên khốc liệt. Để giữ chân khách hàng, các ứng dụng này không ngừng đưa ra những tính năng mới và ưu đãi hấp dẫn. Ví dụ, Grab đã mở rộng tính năng "Tài khoản gia đình" - cho phép nhiều thành viên sử dụng phương thức thanh toán chung, giúp quản lý chi phí và lộ trình di chuyển của cả gia đình.
Theo bà Nguyễn Hạnh Linh, giám đốc bộ phận di chuyển của Grab Việt Nam, tính năng "Tài khoản gia đình" là giải pháp sáng tạo giúp người dùng quản lý chi tiêu một cách hiệu quả, đồng thời kết nối tài khoản với người thân để chia sẻ lợi ích.
BeLoyal của Be thì kết hợp giữa dịch vụ giao hàng và gọi xe, tạo nên một hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh và thuận tiện cho người dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, tổng giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh F&B, nhận định rằng trong thời kỳ "bão giá", tối ưu hóa chi phí sinh hoạt trở thành ưu tiên của nhiều người trẻ. Các gói hội viên từ các ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm tiền mà còn nâng cao trải nghiệm người dùng.
Cuộc đua giữa các nền tảng công nghệ không chỉ thúc đẩy cạnh tranh mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Những nền tảng như Grab, Be hay Xanh SM đang góp phần xây dựng một hệ sinh thái chi tiêu thông minh từ di chuyển, mua sắm cho đến đặt đồ ăn.
Ông Luận nhìn nhận xu hướng này hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển, trở thành giải pháp tài chính phổ biến cho giới trẻ và dân văn phòng trong tương lai.
Khuấy động nhiều doanh nghiệp vào cuộc đua
Cạnh tranh mạnh nên ngay cả Vinasun, hãng taxi truyền thống, cũng không đứng ngoài cuộc. Vinasun ra mắt thẻ Membership Card liên kết với các ngân hàng, cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến và nhận mức chiết khấu từ 2 - 17%. Loại thẻ này không chỉ dành cho cá nhân mà còn phù hợp cho các doanh nghiệp muốn kiểm soát chi phí di chuyển.
Không chỉ xe công nghệ, các hãng hàng không cũng sôi động với các gói hội viên tương ứng nhằm mang lại quyền lợi thuận tiện hơn cho khách hàng. Các gói hội viên hàng không thường không yêu cầu chi phí tham gia, thay vào đó dựa trên tích lũy dặm bay hoặc số lần bay.
Ví dụ, Vietnam Airlines cung cấp chương trình hội viên Lotusmiles với các hạng từ Classic (miễn phí) cho đến Silver, Gold và Platinum, tùy vào số dặm tích lũy. Khách hàng có thể mua dặm với giá khoảng 550.000 đồng cho 1.000 dặm để nhanh chóng đạt các hạng hội viên cao hơn. Vietjet cũng có chương trình SkyJoy miễn phí, cho phép khách hàng tích lũy điểm từ việc mua vé hoặc chi tiêu và đổi điểm lấy vé bay hoặc quà tặng. Tương tự, Bamboo Airways có gói Bamboo Club với các ưu đãi như thêm hành lý và vào phòng chờ VIP dành cho hội viên First và Diamond khi đạt đủ số dặm bay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận