Tình trạng này xảy ra thời gian dài, nhiều hành khách không có cài ứng dụng (app) của hãng xe ôm công nghệ hoặc không rành đặt xe qua ứng dụng hoặc không rành đường dễ bị "chặt đẹp".
GrabBike dỏm vẫn tung trò “chặt chém” trước sân bay Tân Sơn Nhất - Video: NGỌC KHẢI - MNH HÒA - THU DUNG
Hét giá hơn 4 lần giá app
Sáng 3-10, thấy khách vừa ra khỏi nhà giữ xe sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM), người đàn ông mặc áo giống áo tài xế GrabBike ngồi trên xe tay ga biển số 93P2... nhanh nhảu hỏi cần đi đâu.
Khách nói đến chợ Bến Thành (quận 1), ông này (xưng tên Dũng) lấy điện thoại bấm, sau đó báo giá 193.000 đồng. "Xe tay ga của mình là 193 ngàn. Hướng đó là cánh vô trung tâm, anh đi anh biết, nó bị kẹt nhiều lắm" - ông Dũng xởi lởi.
Trong khi đó trên app của Grab báo giá chỉ 40.000 đồng. Như vậy, ông Dũng đã báo giá cao hơn gấp hơn 4,8 lần giá cuốc xe của hãng.
Khi hỏi app ông Dũng vừa cho xem là app nào thì ông này nói: "App Grab mà, anh chạy Grab thì đi app Grab". Quãng đường từ sân bay về đến chợ Bến Thành khoảng 7,2km.
Chiều cùng ngày, ông Dũng cùng một số người mặc áo giống đồng phục GrabBike cũng có mặt tại khu vực lối ra vào nhà giữ xe sân bay mời mọc khách. Khách nói đang cần đến công viên Tao Đàn (quận 1).
Với chiêu thức cũ, ông Dũng báo giá 156.000 đồng, trong khi giá qua app Grab chỉ 42.000 đồng. Khi bị chê giá này cao, ông Dũng lấy lý do: "Có bữa khuyến mãi, bữa không em".
Rồi ông lại nói: "Nếu em tự đặt xe rất lâu mới có xe, do em đang sử dụng khuyến mãi, giờ đang giờ cao điểm, đường kẹt cứng, em chờ lâu lắm á" - ông Dũng nói.
Ngoài ông Dũng, có một số người mặc áo tương tự thường rảo xe máy tại khu vực lối ra vào bãi xe.
Sáng 5-10, trong màu áo xanh giống đồng phục hãng xe công nghệ, ông Cường mở điện thoại bấm bấm rồi báo quãng đường từ sân bay đến cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12) là 12km, giá cuốc xe là 180.000 đồng. Nhưng thực tế quãng đường chỉ khoảng 9,6km, giá của Grab chỉ có 49.000 đồng.
Dùng chiêu trò nâng giá cước
Theo tìm hiểu, để có thể "làm trò" đẩy giá cước lên cao gấp nhiều lần so với giá hãng xe công nghệ, tài xế dỏm dùng ứng dụng đặt xe dành riêng cho khách. Họ thường chọn thêm điểm dừng hoặc chọn điểm xuất phát xa hơn so với vị trí thực tế nhằm "hô biến" số tiền cuốc xe lên nhiều lần.
Khi phản ánh đến Tuổi Trẻ, bạn đọc R. cho biết anh đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà gần sân bay nhưng tài xế xe Grab dỏm nhanh nhảu nói để bật phần mềm lên rồi hét giá 116.000 đồng; trong khi đó, một người quen đặt qua app, với cùng địa chỉ đến, giá app báo chỉ có 21.000 đồng.
Bạn đọc khác tên H. cho biết mới đây anh từ Hà Nội đến TP.HCM, khi ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất có người đàn ông giả dạng tài xế công nghệ mời chào. Anh H. hỏi đi từ khu vực trên đến quận 1 giá bao nhiêu thì người này nói để coi app rồi báo giá đến 178.000 đồng.
"Tôi tự coi lại app mình thì chỉ 43.000 đồng thôi, thế là ông ấy nói có app khuyến mãi sao không tự đặt, hỏi làm gì và chửi những lời rất thô tục" - anh H. kể.
Khu vực quanh bãi xe sân bay có đặt nhiều bảng cảnh báo của Đồn công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với nội dung thông báo khu vực này thường xuyên có các đối tượng xe ôm Grab giả mời chào, chèo kéo khách, tự tải ứng dụng giả Grab hoặc dùng chiêu trò để báo giá nâng giá cước cao hơn nhiều lần so với giá thực tế nhằm lừa gạt khách hàng". Tuy vậy, không ít hành khách vẫn bị "dính bẫy".
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ ngày 6-10, đại diện Công ty Grab Việt Nam cho biết Grab chỉ cung cấp đồng phục GrabBike cho các đối tác tài xế đã đăng ký thành công và đủ điều kiện hoạt động trên nền tảng Grab.
Việc một số trường hợp mạo danh tài xế GrabBike, lợi dụng đồng phục GrabBike để chèo kéo khách gây ra tình trạng mất trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn và ảnh hưởng tiêu cực tới các đối tác tài xế chân chính khác.
"Chúng tôi khuyến nghị người dùng đặt xe thông qua ứng dụng để có được thông tin chi tiết về tài xế (hình ảnh, họ tên, biển số xe), đồng thời để Grab có thể theo dõi hành trình và hỗ trợ xử lý trong trường hợp cần thiết.
Khách cũng cần kiểm tra kỹ biển số xe và hình ảnh nhận diện của tài xế trước khi lên xe để không lên nhầm xe. Trong trường hợp cần hỗ trợ, khách có thể liên hệ Grab thông qua trung tâm trợ giúp trên ứng dụng" - đại diện Công ty Grab Việt Nam thông tin.
Đón xe đúng nơi
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết lâu nay đơn vị vẫn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chính quyền địa phương và lực lượng công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự khu vực sân bay.
Ở sân bay, các khu vực để đón taxi, xe công nghệ… được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế nhiều hành khách vẫn đón xe ngoài những khu vực này nên xảy ra tình trạng bị lên nhầm taxi "dù" hoặc tài xế xe ôm giả mạo…
Do đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khuyến cáo hành khách đặt và đón xe đúng khu vực. Trước khi lên xe, khách hỏi rõ giá cước, thông tin chuyến đi… Nếu xảy ra sự cố thì lập tức trình báo công an để được hỗ trợ xử lý.
Công ty CP đầu tư TCP (chủ đầu tư nhà xe TCP ở sân bay Tân Sơn Nhất) chia sẻ thời gian qua đơn vị luôn cảnh báo người dân về tình trạng GrabBike giả mạo bắt khách ở khu vực gần nhà xe TCP.
Cụ thể, nhà xe phát loa cảnh báo liên tục trong ngày, nhất là khung giờ cao điểm, ở nơi có biển cảnh báo của TCP và Đồn công an Tân Sơn Nhất.
TCP thường xuyên cử nhân viên bảo vệ (bố trí 3 chốt ở gần cổng nhà xe) để giữ an ninh khu vực ra vào nhà xe. Công an Đồn công an Tân Sơn Nhất, an ninh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có vị trí trực tại đây để xử lý nếu có tình huống bất ngờ xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận