Tuyến đường chưa đến 15km từ quốc lộ 14 vào cụm thác Dray Nur nhưng phải đi mất gần 1 giờ. Cả tuyến đường như bị "giội bom" bởi hàng trăm lượt xe chở đá phá nát đường dân sinh mỗi ngày.
Đường nát vì hàng loạt xe chở đá
"Trải nghiệm" tuyến đường dẫn vào khu du lịch thác Dray Nur, phóng viên ghi nhận việc các xe tải chở đá thi nhau đua tốc độ dẫu đường nhỏ, gồ ghề. Có nhiều đoạn, khi xe tải chạy qua khiến người đi xe máy, xe công nông mờ mắt vì bụi.
Ngoài ra, do đã bước vào mùa mưa, rất nhiều đoạn đường xuất hiện những hố nước to đọng lại trên những ổ voi, ổ gà khiến việc đi lại thêm khó khăn, nguy hiểm.
Ông Y Thim Niê, sống trên tuyến đường này, cho biết nhiều năm qua, tuyến đường oằn mình vì xe chở đá của 6 mỏ đá tại xã Hòa Phú.
"Ngày cũng như đêm, xe ra vào tấp nập, liên tục. Mùa nắng thì bụi mịt mù, mùa mưa tuyến đường như bị giội bom bởi chi chít ổ voi, ổ gà…" - ông Y Thim ngán ngẩm.
Trao đổi về tình trạng xe quá tải khiến tuyến đường vào thác du lịch xuống cấp trầm trọng, lãnh đạo Sở Xây dựng và Đội cảnh sát giao thông TP Buôn Ma Thuột nói do lực lượng mỏng, thiếu xe chuyên dụng để tuần tra, xử lý những vi phạm trên tuyến đường này.
Khổ vì đường vá chằng vá đụp
Tuyến đường xuống cấp khá trầm trọng, đầu năm nay người dân vui mừng vì Nhà nước đã chi tiền để đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Vui chưa được bao lâu lại buồn vì đường được sửa chữa, nâng cấp bị thi công rất cẩu thả, đi lại thêm khó khăn, nguy hiểm.
Ở một số vị trí, đơn vị thi công đổ đá thải có cạnh sắc kèm theo bùn, gốc cây rồi lu lèn. Khi mưa xuống, lượng bùn đất lầy lội, đá cạnh sắc trồi lên gây nguy hiểm cho người đi đường.
Chị Lê Thị Hoa, người dân ở đây, nói quá sợ hãi vì mỗi ngày phải đi qua tuyến đường này. Chị nói xe chở đá chạy ầm ầm ngay cả những đoạn đường nhỏ, quanh co khiến gia đình chị bao phen hú vía.
Từ cuối năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định phê duyệt đầu tư nâng cấp tuyến đường, tổng kinh phí dự kiến là 170 tỉ đồng.
Gói thầu đầu tiên, kinh phí 70 tỉ đồng bắt đầu từ điểm giao quốc lộ 14 vào và đoạn tránh qua cổng Khu công nghiệp Hòa Phú.
Gói này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Lắk (Ban Dân dụng) làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Hoài Ân trúng thầu thi công.
Ông Lữ Viết Sinh - giám đốc Ban Dân dụng - cho biết việc thi công gói thầu này có nhiều vi phạm khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
"Tôi đã phê bình và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo việc đi lại an toàn" - ông Sinh nói.
Còn gói thầu từ sau cổng khu công nghiệp vào cụm thác Dray Nur dài gần 11km, tổng kinh phí 100 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) làm chủ đầu tư; đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Sài Gòn (Công ty Sài Gòn) liên danh với hai doanh nghiệp khác, giá trúng thầu gần 80 tỉ đồng.
Trả lời về phản ảnh nhà thầu thi công đổ đá thải lẫn bùn, gốc cây và việc không đảm bảo an toàn hai đầu tuyến thi công…, ông Lê Đình Hải - giám đốc Công ty Sài Gòn - nói "đó là đoạn của doanh nghiệp khác".
"Trong cuộc họp vừa qua, lãnh đạo Ban A cũng đưa vấn đề này ra để chấn chỉnh nhà thầu thi công nêu trên" - ông Hải thông tin.
Một số đơn vị "đổ đá thải để thi công đường", nhưng khi liên lạc thì người này nói trách nhiệm thuộc về nhà thầu chính, các đơn vị trúng thầu.
Để làm rõ việc dù đã bị phê bình, các nhà thầu vẫn thi công ẩu, phóng viên đã liên lạc với ông Phan Xuân Bách - phó ban phụ trách Ban A - nhưng ông Bách không phản hồi.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk hứa chấn chỉnh nạn né tránh báo chí
Liên quan vấn đề né tránh báo chí, ông Phạm Ngọc Nghị - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - nói nhiều đơn vị báo chí cũng bức xúc việc lãnh đạo Ban A lảng tránh trả lời vì "bận quá".
"Tôi sẽ gọi điện yêu cầu ông Bách thực hiện đúng chức năng trả lời báo chí" - ông Nghị hứa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận