29/09/2016 13:05 GMT+7

Xe "chết đuối" trong bãi giữ, không dễ đòi bồi thường

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Luật quy định khi nhận giữ xe, nếu làm mất hay xe hư hỏng thì chủ bãi phải bồi thường nhưng thực tế, hàng ngàn xe bị ngập nước mà chủ xe vẫn phải bấm bụng tự bỏ tiền ra sửa.

Cả ngàn xe máy bị ngập dưới hầm để xe trên đường Nguyễn Siêu, quận 1 sau cơn mưa 26-9 - Ảnh: THUẬN DƯƠNG
Cả ngàn xe máy bị ngập dưới hầm để xe trên đường Nguyễn Siêu, quận 1 sau cơn mưa 26-9 - Ảnh: THUẬN DƯƠNG

Thống kê sơ bộ trong trận mưa lịch sử tối 26-9 tại TP.HCM, đã có hàng ngàn  bị ngập trong nước khi gửi trong các bãi giữ xe, trong đó nặng nhất là bãi giữ xe đường Nguyễn Siêu, quận 1 (khoảng 1.000 chiếc) và tầng hầm Đại học Quốc gia TP.HCM (hơn 800 xe của sinh viên). 

Bên cạnh đó, cả trăm ôtô cũng chịu chung số phận khi được để trong bãi giữ xe, tầng hầm khác. 

Khi nhận lại những chiếc xe máy bị ngâm nước, nhiều "khổ chủ" đã yêu cầu người giữ xe bồi thường tiền sửa xe nhưng hầu hết chủ bãi cho rằng không chịu trách nhiệm vì mưa to quá, nước ngập là tình huống "bất khả kháng". Có chủ bãi xe thì nói chỉ có thể hỗ trợ mỗi chiếc xe 60.000 đồng.

Đối với ôtô, do nhiều chủ xe mua bảo hiểm vật chất nên khi ôtô hư hỏng do ngập, họ được các công ty bảo hiểm bồi thường. 

Trong khi đó, chủ sở hữu xe máy hiếm khi bỏ tiền mua bảo hiểm vật chất (thường chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc) nên thực tế, khi xe hư hỏng, nhiều người đã tốn hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu đồng để sửa xe mà đành bấm bụng chịu, không thể đòi người giữ xe bồi thường. 

Khó chứng minh quan hệ gửi - giữ

Theo quy định của pháp luật thì khi đã nhận giữ xe, nếu xe bị hư hỏng thì người giữ xe phải bồi thường, trừ trường hợp bất khả kháng. 

Có thể thấy, khi gửi xe, giữa chủ xe và chủ bãi đã hình thành một hợp đồng gửi giữ (dù hình thức không phải là giao kết hợp đồng) nhưng có thể thông qua vé tháng, vé ngày hoặc không có vé nhưng có hợp đồng bằng miệng thì cũng được xem đã có một hợp đồng gửi giữ giữa hai bên.

Vì thế, theo quy định thì khi xảy ra thiệt hại đối với tài sản trong thời gian gửi giữ thì bên nhận gửi giữ phải bồi thường theo quy định của Bộ Luật dân sự, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM, khi đòi bồi thường, việc quan trọng nhất đối với người bị thiệt hại là chứng minh quan hệ gửi giữ và giá trị thiệt hại đã xảy ra.

Đã có nhiều vụ kiện giữa người gửi và người giữ xe nhưng cái khó trong vấn đề giải quyết nằm ở chỗ chứng minh hợp đồng gửi giữ.

Chẳng hạn trường hợp sau khi xe bị ngâm nước, chủ xe đã lấy xe ra khỏi hầm, mang đi sửa và có lấy hóa đơn tiền sửa xe nhưng khi ra tòa lại không trưng ra được thẻ giữ xe (vì đã dùng để lấy xe) chứng minh có hợp đồng gửi xe trong bãi đó thì cũng không có căn cứ đòi bồi thường.

Hoặc cũng có trường hợp bãi giữ xe chẳng có tên tuổi gì, trong khi vé giữ xe lại của một đơn vị khác hoặc chỉ là một mảnh giấy ghi số xe không rõ ràng cũng rất khó được chấp nhận.

Tất cả những điều đó không buộc được trách nhiệm của người giữ xe nên đã có nhiều trường hợp người gửi xe khởi kiện ra tòa mà cũng không được xử thắng kiện.

Chỉ khi chủ xe chứng minh rõ ràng về hợp đồng gửi giữ, thiệt hại xảy ra thì mới buộc được chủ bãi giữ xe chịu trách nhiệm bồi thường, nếu việc thiệt hại không thuộc trường hợp bất khả kháng.

Hầu hết chủ xe đều phải tự bỏ tiền túi sửa xe ngập nước - Ảnh: Duyên Phan
Hầu hết chủ xe đều phải tự bỏ tiền túi sửa xe ngập nước - Ảnh: Duyên Phan

Ngập do mưa lớn là "bất khả kháng"?

Vấn đề pháp lý khác cũng đang còn tranh luận, gây khó khăn trong việc xác định bồi thường xe ngập nước này đó là việc chủ bãi giữ xe thường đổ chuyện ngập nặng thuộc trường hợp "bất khả kháng" nên được miễn trừ trách nhiệm.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, các cơn mưa ngập như mấy ngày qua tại TP.HCM rất khó để coi là điều kiện bất khả kháng, bởi thực tế nhiều năm nay, mùa mưa năm nào thì TP.HCM cũng có ngập.

Vì vậy, người chủ bãi giữ xe cần phải biết tình huống ngập lụt có thể xảy ra và cần phải có biện pháp ứng phó.

Nếu người giữ xe đã cố gắng hết khả năng của mình rồi (đã chắn nước tràn, chuẩn bị máy bơm bơm nước, di dời xe lên chỗ cao ngay khi hầm, bãi xe có dấu hiệu bị ngập..) mới coi được xem là bất khả kháng.

Còn nếu chủ bãi không chứng minh được đã cố gắng để bảo vệ tài sản mà mình đang nhận gửi giữ ra sao thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Vĩnh - Kiểm sát viên cao cấp Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng trong điều kiện cả thành phố ngập, hàng triệu người đi trên đường cũng gặp nước ngập thì có thể coi là điều kiện bất khả kháng đối với những chủ bãi giữ xe.

Ông Vĩnh cũng cho rằng vấn đề là nằm ở quy hoạch đô thị. Thành phố có hẳn một cơ quan phòng chống ngập nhưng cuối cùng vẫn ngập, có thể coi là điều kiện bất khả kháng đối với người dân, trong đó có chủ bãi giữ xe.

Vẫn theo ông Vĩnh, bãi xe bị ngập là điều chắc chắn chủ xe không mong muốn. Việc giải cứu xe ngay sau khi ngập mà chưa đảm bảo an toàn cho con người, chủ bãi giữ xe cũng không thể thực hiện, ví như hút nước chẳng may gây chết người vì điện giật thì tiền nào đền bù nổi?

“Do đó, tôi cho rằng đây là vấn đề rủi ro”, ông Vĩnh nói.

Đồng quan điểm với ông Đỗ Văn Vĩnh, luật sư Nguyễn Minh Tâm - đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng mưa rất lớn và thành phố ngập nhiều nơi. 

Chủ bãi có thể giải quyết việc ngập trong khả năng của mình còn khi cả thành phố ngập nước thì chủ bãi giữ xe cũng bất khả kháng. Do đó, thiệt hại có thể chia sẻ cho hai bên, bằng cách chủ bãi giữ xe hỗ trợ tiền sửa xe, chứ không phải bồi thường thiệt hại.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên