Phóng to |
Chiếc xe này phục vụ miễn phí nhu cầu về y tế của người dân ở đây, từ chở người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, chở phụ nữ đi sinh đến người bị bệnh, tai biến lúc nửa đêm... Xe ra đời từ cách đây 12 năm, khi mà ông Huỳnh Văn Nhiều đang làm việc tại Hội Chữ thập đỏ xã Nhị Bình.
Trên đường đi làm về, ông thường xuyên bắt gặp người dân bị tai nạn giao thông nhưng không có xe chở đi cấp cứu. “Có người phải ngồi chờ cả tiếng, máu khô luôn mà taxi vẫn chưa tới, vì thời đó (khoảng năm 1999) Nhị Bình còn rất hoang vu, không xe nào dám chạy vô. Sẵn có kiến thức sơ cấp về y tế, tui nghĩ tại sao lại không tận dụng giúp người dân?” - ông Nhiều nói. Vậy là ông về nhà vận động gia đình để bỏ ra 45 triệu đồng mua một chiếc xe, đến năm 2002 thì mua hẳn một chiếc xe 15 chỗ, dùng riêng cho việc chở người đi cấp cứu với đầy đủ băng ca, dụng cụ sơ cứu, đèn, loa. Tất cả đều do tự ông trang bị và mang đi kiểm tra định kỳ sáu tháng/lần.
Từ đó, số điện thoại của ông Nhiều trở nên quen thuộc với người dân ở đây. Cứ có chuyện là họ gọi ngay cho ông để chuyển nạn nhân đến Bệnh viện Hóc Môn (cách đó 13km) và Bệnh viện Thuận An, Bình Dương (cách đó 3km), các trường hợp đặc biệt thì xe đưa thẳng đến bệnh viện ở trung tâm TP. Ông Năm Dũng, người dân địa phương, cho biết: “Tuần trước xe vừa đưa giúp em tui bị tai nạn đi bệnh viện. Ở đây ai bị tai nạn, bệnh tật gì cũng gọi liền cho xe cấp cứu của ông Nhiều”.
“Trung bình mỗi ngày có hai, ba cuộc gọi, còn lễ tết thì chạy liên tục bốn, năm đợt là bình thường vì tai nạn giao thông, ẩu đả nhiều” - vợ ông cho biết. Chính vì tính thất thường của các cuộc gọi mà giấc ngủ của ông Nhiều cũng đổi theo, cứ 19g là ông đã đi ngủ “để tới khuya người ta có gọi thì mình tỉnh táo chạy ra”. Hiện nay, do số lượng các ca cấp cứu cần đến xe của ông ngày càng nhiều, cả con trai, con rể của ông cũng tham gia vào đội ngũ tài xế tình nguyện này.
Tất cả đều phải có bằng lái xe 15 chỗ mới được ông “duyệt” cho lái xe cấp cứu: “Chạy buổi tối tui không sợ, sợ nhất là chạy vào giờ tan tầm, học trò tan học mà đường ở quê lại hẹp nên dễ va quẹt. Bởi vậy, mấy đứa nó phải học đàng hoàng tui mới cho lái”. Bà Lê Thị Hồng Phượng, phó chủ tịch UBND xã Nhị Bình, cho biết: “Xe của ông Nhiều đã hỗ trợ cho xã rất hiệu quả trong công tác cấp cứu tại trạm y tế xã. Rất nhiều trường hợp cần cấp cứu tại xã, nhờ có sự giúp đỡ về mặt phương tiện của ông mà đã giải quyết nhanh chóng, đảm bảo được an toàn tính mạng, sức khỏe cho nạn nhân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận