18/11/2018 09:31 GMT+7

Xe buýt 'xịn' hơn nữa: tại sao không?

NGỌC HẠNH
NGỌC HẠNH

TTO - Cần những tuyến xe buýt đúng nghĩa chất lượng cao: tiện nghi, lịch sự dù giá vé có thể cao hơn chút ít. Người dân có thêm sự chọn lựa, hình ảnh xe buýt sẽ đẹp hơn. Góc nhìn của bạn đọc Ngọc Hạnh, hành khách thường xuyên đi xe buýt.

Xe buýt xịn hơn nữa: tại sao không? - Ảnh 1.

Các nhân viên làm việc tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương đi xe buýt Kaze Shuttle - Ảnh: XUÂN AN

Xe buýt tại TP.HCM với hơn 100 tuyến có trợ giá đang nhận từ ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng/năm. Dù xe buýt có nhiều thay đổi tốt hơn nhưng hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn. Nhiều xe nằm bến, nhiều tuyến đang thực hiện giảm chuyến do lỗ và những bất cập về vấn đề... tiền trợ giá!

Chuyện bất nhất trên xe buýt

Mỗi khi có việc đến TP.HCM, tôi thường chọn xe buýt nên rất quan tâm đến hệ thống giao thông công cộng tại thành phố. Là một hành khách, tôi muốn chia sẻ những hạn chế mà bản thân nhận thấy trên những tuyến xe buýt đã trải nghiệm.

Một lần, tại trạm Bến Thành. Buổi sáng tôi đón xe đi Nhà Bè, lên xe, tìm chỗ ngồi, có nhân viên đến thu tiền, bán vé. Trưa cùng ngày, cũng từ Bến Thành tôi đón xe khác đi bến xe Chợ Lớn. Lên xe, vừa định đi tìm chỗ ngồi, bác tài xế kêu lại, nhắc quay lên mua vé tự động vì xe không có nhân viên bán vé... 

Một người bạn tôi cũng từng gặp tình huống mua vé tự động kiểu này, lần đó anh tài xế hơi lớn tiếng: "Lên xe có nhiêu đó mà không nhớ, phải nhắc hoài". 

Có thể tài xế ấy đã phải nhắc rất nhiều hành khách câu này, nhắc tới bực mình nhưng bạn tôi lần đầu tiên đi xe thí điểm bán vé tự động khó tránh khỏi lúng túng… Việc thí điểm này cũng lâu rồi nhưng chưa thấy nhân rộng để thống nhất giữa các tuyến.

Ai đi xe buýt lâu ngày cũng hiểu chuyện "lên cửa trước, xuống cửa sau", xe nào cũng có gắn chữ "cửa lên", "cửa xuống" nhưng thực tế nhiều khi tréo ngoe. Có khi tài xế chỉ mở cửa sau cho khách xuống và lên. Có khi phụ xe lại hướng dẫn khách xuống cửa trước vì… gần hơn. Thành ra chuyện lên xuống xe cứ lộn xộn, khó thành nếp. 

Chuông trên xe buýt nhiều khi hư không sửa, khách muốn bấm chuông cũng không được, nên chuyện lên xuống vẫn cứ ồn ào nói qua nói lại giữa khách và tài xế, nhiều khi sinh ra bực bội, nổi nóng vì nhau, phiền cho cả những hành khách khác.

Hơn 100 tuyến xe buýt ở TP.HCM được khai thác bởi hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã. Sự điều hành và cách thức phục vụ cũng có khác nhau. Chính vì sự không thống nhất nên chưa tạo được thói quen ứng xử cho hành khách khi đi xe buýt. Nhiều tuyến được đầu tư xe buýt mới, nhưng cũng có không ít tuyến hiện vẫn còn vận hành các loại xe cũ, nát... 

Dù đã có nhiều phong trào vận động người dân đi xe buýt nhưng hệ thống giao thông công cộng tại TP.HCM chưa thu hút được nhiều hành khách là công chức, viên chức. Hành khách sử dụng xe buýt tại TP.HCM đa số là người dân lao động, người đi khám bệnh, buôn bán, học sinh, sinh viên.

Mong hình ảnh xe buýt văn minh

Tháng 12-2014, Bình Dương đưa vào vận hành tuyến xe buýt có tên gọi là "Kaze Shuttle", vận hành theo phong cách Nhật Bản, sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) thân thiện với môi trường. Nội thất xe sạch đẹp, tài xế lịch sự, nhã nhặn. Xe có camera giám sát hành trình, chạy đúng giờ, dừng đúng trạm, có loa thông báo trạm sắp đến, hành khách muốn xuống xe chỉ việc bấm chuông.

Khoảng cách từ trung tâm TP Thủ Dầu Một đến trung tâm hành chánh thành phố mới Bình Dương chỉ hơn 10km. Cơ sở hạ tầng thông thoáng, rộng rãi, không kẹt xe, ngập nước nhưng nhiều công chức, sinh viên, học sinh, người dân đã có thói quen sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển để đi làm, đi học. Người dân đi tuyến xe buýt hiện đại này đều bày tỏ sự hài lòng. 

Vận hành đã 4 năm (từ năm 2014), được người dân hưởng ứng và đánh giá cao, nhưng đến nay hệ thống xe buýt này chỉ hoạt động hạn chế có 6 tuyến, chủ yếu kết nối khu vực trung tâm của thành phố mới Bình Dương với các khu vực lân cận, chưa thấy được nhân rộng, "phủ sóng" tại các thành phố lớn, gần nhất là tại TP.HCM.

Thay vì trợ giá, bù lỗ các tuyến xe buýt như lâu nay, tôi nghĩ những đô thị lớn như TP.HCM cần thay đổi toàn diện hệ thống giao thông công cộng. Cần thay đổi hình ảnh xe buýt từ phương cách vận hành, phục vụ: cải tiến theo hướng văn minh và thống nhất giữa các tuyến. Cần có những tuyến xe được đầu tư tới nơi tới chốn từ tiện nghi đến cung cách phục vụ lịch sự hơn cho người dân có sự lựa chọn, so sánh, từ đó có thêm hành khách chọn xe buýt mỗi ngày.

Quyết thay đổi sẽ có cách làm

Nên chăng khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xe buýt bằng chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu xe, cho vay ưu đãi.

Hẳn nhiên mỗi địa phương có đặc thù riêng, mô hình xe buýt lịch sự như ở Bình Dương có thể chưa phù hợp hoàn toàn với giao thông ở TP.HCM nhưng nếu quyết liệt thay đổi hình ảnh xe buýt, chắc hẳn sẽ có cách làm.

Thay vì loay hoay với bài toán trợ giá xe buýt, tại sao không mạnh dạn với phương án giá vé cao hơn nhưng tiện nghi, văn minh, đáng "đồng tiền bát gạo". Tại sao không? Hình ảnh xe buýt văn minh, hiện đại phải khác hẳn so với hiện nay. Tại sao không? Tại sao không sớm nhất có thể?

Buýt du lịch Hà Nội: tư nhân hồ hởi mở thêm

TTO - Tại Hà Nội, trong khi Transerco đang phải loay hoay tìm cách “thoát ế” cho những chuyến xe buýt du lịch 2 tầng được đầu tư nhiều tiền của, một công ty du lịch tư nhân lại hồ hởi ra mắt một tuyến buýt du lịch cùng mô hình.

NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên