03/10/2018 12:00 GMT+7

Xe buýt trợ giá được đầu tư nhiều, khách vẫn giảm sâu

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ

TTO - TP.HCM chi hàng ngàn tỉ đồng trợ giá xe buýt mỗi năm, đầu tư ồ ạt xe, nhưng thực tế lại đang đi ngược với kỳ vọng của mọi người: lượng hành khách đang tuột dốc không phanh.

Xe buýt trợ giá được đầu tư nhiều, khách vẫn giảm sâu - Ảnh 1.

Còn nhiều ghế trống trên tuyến 146 (bến xe Miền Đông - chợ Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) - Ảnh: Q.KHẢI

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thời kỳ hoàng kim của xe buýt là năm 2013, khi lượng hành khách đạt mức 315 triệu khách/năm.

Trong khi đó, số liệu thống kê mới nhất từ Sở Giao thông vận tải TP cho thấy đến năm 2017, hành khách đi xe buýt giảm còn 223 triệu khách/năm, giảm gần 30% (92 triệu lượt).

Giảm gần 30% khách trong 5 năm

Tình trạng khách bỏ xe buýt vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại chương trình Lắng nghe và trao đổi do HĐND TP tổ chức ngày 9-9 về "Trợ giá xe buýt - hiệu quả và giải pháp", bà Lê Ngọc Thùy Trang, phó giám đốc Sở Tài chính TP, cho hay qua giám sát công tác trợ giá cho thấy số lượng hành khách đi xe buýt 6 tháng đầu năm 2018 chỉ gần 96 triệu lượt khách, bằng 32% so với kế hoạch và tiếp tục giảm 16% so với 6 tháng cùng kỳ năm trước.

Lượng khách bình quân cũng giảm từ 45 hành khách xuống còn hơn 32 hành khách trên một chuyến xe.

Ngày 2-10, có mặt trên tuyến xe 146 (bến xe Miền Đông - chợ Hiệp Thành, Q.12) xuất phát từ bến xe Miền Đông, chúng tôi thấy chỉ lèo tèo vài hành khách. Tài xế xe buýt tên Long cho biết khách đi xe ngày càng ít.

"Có hôm xe chạy suốt tuyến khoảng 18km mà chỉ được 2-3 khách nhưng vẫn phải chạy vì nếu ngưng một chuyến có thể bị phạt đến 300.000 đồng. Nếu như trước đây khách đi xe buýt 10 thì giờ chỉ còn 4-5 mà toàn là sinh viên" - anh Long cho biết.

Theo giới tài xế xe buýt, hiện còn nhiều tuyến khác khách sụt giảm nghiêm trọng. Khách đi ít, tiền trợ giá chậm khiến nhiều tuyến xe buýt phải ngưng hoạt động. Công bố của Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP cho thấy chỉ từ tháng 8 đến đầu tháng 10 này đã có ít nhất 4 tuyến xe buýt ngưng hoạt động vì ít khách, hoạt động kém hiệu quả.

Đó là các tuyến: số 37 (cảng Q.4 - Nhơn Đức), 40 (bến xe Miền Đông - bến xe Ngã Tư Ga), 60 (bến xe An Sương - Khu công nghiệp Lê Minh Xuân) và tuyến số 149 (công viên 23-9 - Tân Phú - bến xe An Sương). Việc đồng loạt nhiều tuyến xe buýt ngưng trong thời gian ngắn chưa từng xảy ra trước đây.

Lép vế so với xe công nghệ

Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP (đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, điều hành xe buýt), khách đi xe buýt giảm một phần do xe cá nhân ngày càng gia tăng, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp...

Tuy nhiên, một chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải nhận định sự phát triển bùng nổ của loại hình xe công nghệ khiến một bộ phận người dân chuyển từ đi xe buýt sang xe công nghệ, đặc biệt các chuyến có cự ly ngắn.

Không nêu con số cụ thể, nhưng ông Nguyễn Văn Triệu - chủ nhiệm Hợp tác xã 19/5 - cho biết khách đi xe buýt ngày càng có xu hướng giảm, mặc dù đơn vị này đã đầu tư xe buýt chạy khí CNG thân thiện môi trường và nâng cao chất lượng phục vụ từ đội ngũ tiếp viên, tài xế.

Ông Triệu cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến khách đi xe buýt giảm là do sự bùng nổ của xe công nghệ.

"Nếu như trước đây hầu như sinh viên đều đi xe buýt của HTX đến Đại học Quốc gia ở Thủ Đức thì nay nhiều bạn chẳng những chuyển sang đi xe máy mà còn tranh thủ thời gian rảnh chạy Grab, Go-Viet cạnh tranh khách với xe buýt" - ông Triệu nói.

Một chuyên gia giao thông tại TP.HCM cho rằng nếu như trước đây xe buýt là phương tiện di chuyển có giá thấp nhất trong các loại hình vận tải thì hiện nay có thời điểm loại hình vận tải công nghệ khuyến mãi giá còn giảm hơn cả xe buýt.

"Có thời điểm giá cước vận tải xe ôm công nghệ chỉ 5.000 đồng cho quãng đường dưới 8km, trong khi lộ trình tuyến xe buýt là 6.000 đồng. Nếu so tính tiện lợi, đúng giờ, né kẹt xe... thì xe ôm công nghệ ăn đứt xe buýt" - vị này nói.

Một cán bộ làm việc tại một sở ở khu vực trung tâm TP thừa nhận có nhiều nhân viên của sở này cũng thường xuyên đi làm bằng ôtô công nghệ, bởi với các chương trình khuyến mãi, một số chặng đường đi có giá rẻ hơn cả đi xe buýt.

"Đây là thực trạng đáng buồn cho xe buýt mà ngành giao thông cần phải nhìn nhận thấu đáo để có kế hoạch điều chỉnh việc phát triển phương tiện công cộng hợp lý" - vị này nói.

Ông Lê Trung Tính - nguyên trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP - cho rằng khách đi xe buýt ngày càng giảm là do dịch vụ cung ứng của xe buýt ngày càng kém, ra đường kẹt xe liên tục mà không có đường ưu tiên, không đảm bảo được giờ giấc...

Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Tính, là xe buýt phải nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Muốn làm được điều này không chỉ đầu tư xe mới mà hạ tầng giao thông cũng phải được cải thiện.

Nguy cơ xe buýt đình trệ

Ngoài lượng khách đi ngày càng giảm, hệ thống xe buýt trên địa bàn TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ đình trệ phạm vi rộng. Nguyên nhân chủ yếu do việc cấp phát tiền trợ giá hiện nay có quá nhiều bất cập.

Theo đó, ngân sách phân bổ trợ giá hoạt động xe buýt năm 2018 là 1.000 tỉ đồng được cho là không đủ duy trì hoạt động. Vì vậy mới đây Sở Giao thông vận tải xin bổ sung thêm dự toán 330 tỉ đồng nhưng chưa được duyệt. Trong khi đó, cho đến ngày 2-10, việc ký hợp đồng đặt hàng với các hợp tác xã (làm cơ sở phân bổ tiền trợ giá) vẫn chưa thực hiện được.

Vì vậy trong khoảng 9 tháng qua, các hợp tác xã chỉ được tạm ứng khoảng 50% chi phí trợ giá. Nhiều hợp tác xã cho hay mức chi phí được nhận không đủ bù đắp chi phí hoạt động, nhiều xã viên lâm cảnh nợ nần nên có nguy cơ hoạt động xe buýt bị đình trệ trong những ngày tới.

Công an điều tra vụ vé xe buýt phát hành ít, thu về nhiều

TTO - Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP, Sở GTVT TP phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh và hồ sơ vụ việc cũng đã được chuyển qua cơ quan công an điều tra làm rõ.

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên