02/12/2021 09:52 GMT+7

Xe buýt: Thích ứng hay là 'chết'?

T.DUNG - C.TUẤN - Đ.PHÚ
T.DUNG - C.TUẤN - Đ.PHÚ

TTO - Đến thời điểm hiện tại, cuộc sống đã trở lại trạng thái 'bình thường mới', giao thông công cộng dù hoạt động trở lại nhưng trong tình cảnh vắng khách, nhiều dự án phải tạm hoãn dây chuyền.

Xe buýt: Thích ứng hay là chết? - Ảnh 1.

Xe buýt số 14 (bến xe Miền Đông - 3 Tháng 2 - bến xe Miền Tây) chạy trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điều này đòi hỏi ngành giao thông phải tái cấu trúc, có kế hoạch thích ứng linh hoạt trước mắt cũng như lâu dài.

Lèo tèo vài khách

Được đi làm lại sau mấy tháng nghỉ dịch, nhiều tài xế, nhân viên bán vé xe buýt cảm thấy rất vui mừng. Tuy nhiên niềm vui ấy chưa thật sự trọn vẹn vì hành khách còn khá thưa thớt, có xe khởi hành trống.

Ngày 30-11, khi có mặt tại bến xe buýt công viên 23-9 (quận 1, TP.HCM), PV Tuổi Trẻ ghi nhận hơn 30 phút cũng chỉ có vài hành khách đứng chờ xe. Xe buýt liên tục ra vào, song trên xe chỉ có 2 - 3 khách, có chuyến chỉ có tài xế và nhân viên soát vé.

Chúng tôi tiếp tục lên xe buýt số 19 (tuyến Bến Thành - Làng ĐH Quốc gia TP.HCM) để ghi nhận thực tế. Khi xe bắt đầu rời bến, ngoài chúng tôi, trên xe chỉ có tài xế và nhân viên bán vé. Chạy được khoảng 5km, xe này mới đón được vị khách đầu tiên. Suốt quãng đường dài khoảng 20km về tới bến xe buýt ở Làng ĐH, xe chỉ đón thêm được một khách nữa. 

Nhân viên bán vé cho biết thời gian đầu mới hoạt động lại (từ ngày 15-11), hành khách đi xe vô cùng thưa thớt, có hôm chạy xe không. Cho đến nay, dù có khá hơn trước nhưng vào khung giờ cao điểm như 7h và 17h, lượng hành khách đi chuyến xe buýt này cũng chỉ có khoảng 7 - 9 người.

Chia sẻ lý do lượng khách đi xe giảm mạnh, một nhân viên xe buýt cho biết một phần vì học sinh, sinh viên chưa đi học, người lao động đi làm trở lại cũng ít cộng thêm việc số chuyến ít, thời gian chờ giữa các chuyến lại lâu nên hành khách không mặn mà. Phần nữa sau đợt dịch thứ 4, thói quen của nhiều người cũng có phần thay đổi: ngại di chuyển, ngại đi xe chung với nhiều người.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một số hợp tác xã xe buýt tại TP.HCM nhìn nhận tâm lý e ngại là có thật. Với đà này, nếu không có hình thức hỗ trợ thì xe buýt rất khó sống. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc Sở GTVT) cũng thừa nhận những nguyên nhân vắng khách như nhân viên xe buýt đã nêu.

Xe buýt: Thích ứng hay là chết? - Ảnh 2.

Xe buýt số 65 (từ Bến Thành - CMT8 - bến xe An Sương) trang bị vách ngăn giữa ghế tài xế và ghế hành khách đảm bảo phòng chống dịch - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ảnh hưởng dây chuyền

Trước tình hình èo uột như trên, Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM (đại diện cho các đơn vị xe buýt) đã có kiến nghị gửi Sở GTVT xem xét giải quyết các khó khăn nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải xe buýt sớm được phục hồi.

Đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho hay để hoạt động giao thông thích ứng với tình hình COVID-19, đơn vị này đã yêu cầu mở lại hoạt động xe buýt theo diễn biến dịch. Cho đến nay, các tuyến xe buýt chỉ chạy 70% số chuyến, đồng thời yêu cầu mỗi chuyến xe không chở quá 50% lượng khách để đảm bảo khoảng cách phòng dịch. 

Bên cạnh đó, ngành giao thông cũng yêu cầu hành khách lên xe phải đảm bảo nguyên tắc 5K, hành khách nào không thực hiện đúng tài xế có thể từ chối phục vụ.

Ngoài ra, trung tâm này cũng cho biết đang cùng chuyên gia giao thông, các đơn vị liên quan nghiên cứu, tìm hướng tháo gỡ từng khó khăn kể trên để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. Trong đó, sẽ tính đến đề xuất Sở GTVT, UBND TP về điều chỉnh chỉ tiêu, sản lượng... phù hợp tình hình thực tế.

Tình hình khách đi xe công cộng thưa vắng, theo một số chuyên gia, không chỉ ảnh hưởng ở hiện tại mà còn tác động dây chuyền đến lộ trình hạn chế xe cá nhân theo Đề án tăng cường vận tải công cộng và kiểm soát xe cá nhân mà TP.HCM đã được phê duyệt. 

Chưa hết, một số dự án phát triển giao thông công cộng cũng đang bị trì hoãn như dự án xe buýt nhanh BRT số 1 dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành 2023. Trong khi các thủ tục về đấu thầu đang chuẩn bị triển khai thì mới đây Sở GTVT TP đã đề xuất tạm hoãn dự án này do một số nội dung có ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

Xe buýt: Thích ứng hay là chết? - Ảnh 3.

Dù đã được đưa vào hoạt động ngay từ những ngày đầu tháng 10-2021 nhưng nhiều tuyến xe buýt tại TP.HCM vẫn không thể đông khách như thời trước dịch - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cần có kế hoạch thích ứng trước mắt, lâu dài

TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - cho rằng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy mức độ lây nhiễm dịch trên xe công cộng thấp hơn 1%. Ngành xe buýt phải lý giải được điều này cho người dân hiểu thì họ mới dần quay lại đi xe buýt. 

Bên cạnh đó, trên xe cần ứng dụng công nghệ thanh toán tự động, hạn chế tiếp xúc, quản lý thông qua hệ thống camera có sẵn. TP xem xét mức độ an toàn, khôi phục hoạt động giáo dục để lượng khách cố định đi xe buýt cũng gia tăng trở lại.

Về lâu dài, ông Tuấn phân tích mấu chốt ở đây là chất lượng dịch vụ xe buýt hiện nay chưa có nhiều chuyển biến, đòi hỏi cần phải cải thiện xe buýt, nâng cao dịch vụ trên xe, xây dựng mạng lưới xe buýt phủ khắp, tăng ngân sách tập trung vào mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

Trong khi đó, ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - cho rằng TP.HCM cần phải tập trung thiết lập lại cho xe buýt để cứu vãn tình thế hiện nay. 

Hiện TP có khoảng 132 tuyến xe buýt với 2.332 xe. Đa số xe buýt tại TP đều là xe cỡ lớn, chạy ở trục đường lớn nên người dân ở các con hẻm ngại tiếp cận. Do đó, hiện nay TP phải khảo sát lại mạng lưới xe buýt để điều chỉnh cho phù hợp. 

"Cần phải mở hệ thống xe buýt nhỏ chạy ở các tuyến đường dưới 7m để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Chúng ta phải hướng đến cung ứng cái gì người dân cần thì kế hoạch hạn chế xe cá nhân mới đạt được hiệu quả" - ông Trường đề nghị.

Đồng tình với đề xuất trên, PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên trưởng khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay gần 85% người dân TP.HCM sinh sống trong các hẻm. 

Trong khi đó, xe buýt đều hoạt động trên các tuyến đường có chiều rộng từ 12m trở lên. Người dân trong hẻm muốn tiếp cận xe buýt phải đi bộ khoảng 500m đến 1km, trong khi theo khảo sát có đến 86% dân số mong muốn quãng đường tiếp cận xe buýt dưới 200m. 

"Chúng tôi cùng với Sở GTVT TP đã xây dựng dự án hệ thống xe mini buýt 12 - 16 chỗ để trung chuyển hành khách từ hẻm ra trục đường lớn. Nhưng kể từ khi hoàn thành bản đề xuất từ 2019, đến nay vẫn chưa được thực hiện" - PGS.TS Mai cho hay.

Xe buýt: Thích ứng hay là chết? - Ảnh 4.

Tuyến xe buýt số 90 (phà Bình Khánh - Cần Thạnh) thưa vắng khách - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sở GTVT: xây dựng kế hoạch thích ứng theo tình hình

Ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM - cho biết đơn vị đã nắm được thực tế dù hệ thống xe buýt khôi phục nhưng lượng khách đi vắng, tâm lý khách e dè.

Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đang tổ chức nghiên cứu tâm lý, hành vi, thói quen của người dân để đưa ra đề xuất về biện pháp thu hút người dân trở lại xe buýt.

Đồng thời nâng cao biện pháp tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu về tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt là không đáng ngại nếu thực hiện đủ biện pháp phòng dịch.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp xe buýt vượt qua khó khăn, sở cũng đang rà soát, có thể tính đến tiết giảm tần suất chuyến vào khung giờ không cao điểm. Đề xuất điều chỉnh chính sách thuế, bảo hiểm, chính sách trợ giá... Dịch bệnh có thể vẫn còn diễn biến phức tạp, cho nên trong quá trình thực hiện sẽ bám sát theo tình hình, cấp độ dịch bệnh.

Thách thức thực sự

Theo TS Vũ Anh Tuấn, hai năm liên tiếp, giao thông công cộng ở TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, có thời điểm buộc phải giảm hoặc tạm ngừng hoạt động. Điều này dẫn tới giảm sút lượng khách đáng kể, đặc biệt nhu cầu đi xe buýt của người dân cũng không còn như trước.

TP đặt mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, giao thông công cộng đáp ứng 15-25% nhu cầu đi lại của người dân (trừ taxi, xe ôm), trong khi hiện chỉ mới đáp ứng khoảng 6%. Trong điều kiện bình thường đạt chỉ tiêu này đã khó, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp có thể coi đây là một thách thức thực sự.

Nhà xe liên tỉnh cũng "méo mặt"

bxmdong

Không khí ảm đạm tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) những ngày này - Ảnh: CHÂU TUẤN

Không chỉ xe buýt, xe khách liên tỉnh cũng rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Hàng loạt nhà xe hoạt động tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) giảm chuyến, phải tạm ngưng chạy.

Chiều 30-11, bến xe Miền Đông trong không khí ảm đạm, phòng vé ế ẩm, thưa thớt người dân đến mua. Phía trong bến chỉ lác đác vài hành khách và nhân viên bến xe. Tuy vắng nhưng các hoạt động phòng chống dịch tại bến đều được thực hiện nghiêm ngặt.

Chủ một nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Tây Nguyên cho biết nhà xe chỉ dám đăng ký chạy cầm chừng một tuần vài chuyến, bởi xe chạy hầu như không có khách. Ngay cả xe giường nằm được chở 100% số khách nhưng chỉ 5 - 7 khách/chuyến.

"Trong khi đó, vừa hết dịch chúng tôi phải lập tức trang bị phòng dịch, đóng phí đăng kiểm, phí cầu đường... Một số chủ xe không gồng nổi lãi ngân hàng phải bỏ tuyến, thậm chí bán xe trả nợ" - vị này nói.

Theo ông Tạ Chương Chín - phó giám đốc bến xe Miền Đông, hiện có 16 tỉnh thành đã cùng với TP khôi phục hoạt động vận tải. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đi nhiều do lo sợ dịch bệnh, các tỉnh có cấp độ dịch khác nhau nên về phòng chống dịch khác nhau.

Sắp tới, đơn vị tiếp tục rà soát, bố trí hướng tới khôi phục dần hoạt động vận tải liên tỉnh để phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết 2022. Bến xe cũng mong muốn sẽ có những chính sách mới về giá nhiên liệu để các nhà xe, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

T.DUNG - C.TUẤN

Đà Nẵng mới chạy 4/11 tuyến xe buýt nhưng vẫn vắng khách

Đến nay, toàn TP mới chỉ có 4/11 tuyến xe buýt trợ giá phục vụ trở lại. Mặc dù giảm tần suất chạy xe từ 15 phút lên 30 phút/chuyến để có thêm khách, nhưng theo thống kê của Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (DATRAMAC), tính trung bình trong những ngày qua mỗi lượt xe chỉ có hơn 5 hành khách, bằng 30% so với lượng khách đi thời điểm trước dịch.

Theo ông Hồ Nguyễn Quốc Cường - phó giám đốc phụ trách DATRAMAC, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vắng khách là do học sinh, sinh viên TP chưa đi học.

"Hành khách là học sinh, sinh viên và người cao tuổi chiếm phần lớn nên khi học sinh, sinh viên chưa đến trường thì vắng hẳn, người dân cũng chỉ mới làm quen lại nhịp sống nên còn ít đi lại" - ông Cường nói.

Cũng theo DATRAMAC, một số tuyến xe chưa chạy lại nhưng lộ trình đi qua nút giao thông đang cải tạo ở Đà Nẵng nên nếu tính toán trở lại cũng phải điều chỉnh lộ trình để tránh nút giao thông đang thi công.

TR.TRUNG

Cần Thơ: xe buýt dừng hoạt động vì không có khách

Ông Lê Tiến Dũng - giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ - cho biết hiện nay người dân e dè đi lại bằng phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt nhưng sở cũng chưa có giải pháp gì vì việc đi lại bằng xe buýt hay không do lựa chọn của người dân.

TP hiện có 5 tuyến xe buýt chất lượng cao được doanh nghiệp đầu tư 150 tỉ đồng với xe buýt đời mới hoạt động từ năm 2020 đến nay đang thua lỗ.

Không có hành khách nên 5 tuyến xe buýt này đã ngưng hoạt động, 4 tuyến xe buýt liên tỉnh đang khai thác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (tuyến xe buýt đi từ TP Sa Đéc - TP Cần Thơ) cũng đã ngưng hoạt động. Hiện chỉ có 1/7 tuyến xe buýt đi từ Kiên Giang - TP Cần Thơ và ngược lại nhưng lượng hành khách cũng rất ít.

LÊ DÂN

Hà Nội: xe buýt đông khách trở lại

Theo thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2021, lượng khách đi xe buýt đã đông dần trở lại.

Khách vé lượt trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11-2021 ước đạt khoảng 1,05 triệu lượt.

Hành khách muốn tăng thêm chuyến

Do nhu cầu hành khách tăng nên ghi nhận thực tế trong các giờ cao điểm, trên nhiều tuyến có nhiều xe buýt phải từ chối khách vì đã chở đủ người theo quy định phòng dịch. Trong khung giờ bình thường, một số tuyến xe buýt trên các trục đường chính như Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu - Nhổn... vẫn có nhiều hành khách đi xe buýt và nhiều người phải chờ từ 2 - 3 lượt xe mới được đi.

Do vậy, tổng đài của Transerco liên tục nhận nhiều ý kiến của hành khách bày tỏ mong muốn các tuyến xe buýt sẽ tăng thêm tần suất vào giờ cao điểm để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Sở GTVT Hà Nội đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội theo dõi, tổng hợp, đề xuất tăng tần suất các tuyến xe buýt khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Hà Nội nên việc tăng tần suất khai thác xe buýt chưa được thực hiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Viện - giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết hành khách đi xe buýt tăng là tín hiệu đáng mừng.

"Chúng tôi cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải xe buýt trong bối cảnh khó khăn nhưng các chính sách vẫn phải nằm trong khung chính sách chung của Nhà nước, TP Hà Nội. Dù giảm tần suất, giảm sản lượng hành khách nhưng TP vẫn thực hiện chính sách trợ giá cho doanh nghiệp xe buýt" - ông Viện cho biết.

buyt hn

Xe buýt Hà Nội vẫn khai thác với 50% tần suất so với bình thường và chở không quá 20 hành khách trên xe tại một thời điểm để phòng chống dịch - Ảnh: MẠNH TUẤN

Tập trung phát triển vận tải công cộng

Dù vận tải công cộng tại Hà Nội đang gặp khó khăn tạm thời do dịch COVID-19 nhưng ông Viện cho biết Hà Nội không đình hoãn dự án giao thông nào. Mới đây, ngày 29-11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đi kiểm tra công trường dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và đặt mục tiêu phấn đấu năm 2022 khai thác 8,5km đoạn trên cao, đến năm 2025 xong phần đi ngầm 4km và đưa vào vận hành toàn tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Viện, khi metro chưa có nhiều thì xe buýt vẫn giữ vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng. Hiện nay, năng lực của vận tải hành khách công cộng từ vành đai 3 trở vào trung tâm Hà Nội đảm bảo được 39% nhu cầu đi lại nhưng thực tế hành khách đi chỉ đạt 9%.

"Như vậy là lãng phí lớn. Với nhiều người dân, xe cá nhân vẫn tiện lợi hơn và giao thông công cộng kết nối chưa tốt, thời gian đi lại bằng xe buýt lâu do ùn tắc giao thông. Hà Nội đang mở mới các tuyến xe buýt để kết nối thuận tiện hơn, nghiên cứu bố trí các tuyến đường riêng cho xe buýt để chạy nhanh hơn, đúng giờ hơn.

Mặc dù rất khó nhưng về nguyên lý, vận tải hành khách công cộng phải được ưu tiên. Khi được ưu tiên thì tần suất khai thác sẽ tăng và hành khách sẽ tăng do thấy thuận tiện hơn" - ông Viện phân tích.

Ông Viện cho hay bài toán cần thực hiện đồng bộ trong tầm nhìn 5 - 10 năm tới là Hà Nội cần giảm xe máy và ôtô cá nhân để ưu tiên vận tải công cộng, trước mắt là xe buýt. Trong đó, giảm ôtô cá nhân bằng giải pháp thu phí vào nội ô, giảm xe máy bằng giải pháp phân vùng hạn chế xe máy hoạt động.

Các giải pháp này cần được người dân hưởng ứng để thực thi nhằm đạt được lợi ích chung.

Khai thác 3 tuyến xe buýt điện

Sáng nay 2-12, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội và Công ty TNHH dịch vụ sinh thái Vinbus khai trương tuyến xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam, có lộ trình từ khu đô thị Ocean Park (Gia Lâm) đến Mỹ Đình (cạnh trạm y tế phường Cầu Diễn).

Tuyến xe buýt này sẽ khai thác bằng xe buýt điện Green Bus, sức chứa 68 chỗ do VinFast sản xuất.

Ngày 10-12 sẽ khai thác tuyến xe buýt điện thứ hai là tuyến Long Biên - Cầu Giấy - khu đô thị Smart City (Nam Từ Liêm). Ngày 20-12 sẽ khai thác tuyến xe buýt điện thứ ba từ bến xe Mỹ Đình - khu đô thị Ocean Park.

TUẤN PHÙNG

Kiến nghị thí điểm xe buýt điện tại TP.HCM từ quý 1-2022 Kiến nghị thí điểm xe buýt điện tại TP.HCM từ quý 1-2022

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị thí điểm xe buýt điện từ quý 1-2022 nhằm tăng kết nối giao thông, thêm một sự lựa chọn đi lại cho người dân.

T.DUNG - C.TUẤN - Đ.PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên