26/11/2020 08:33 GMT+7

Xe buýt mini công nghệ đang 'kẹt bánh'

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - TP.HCM từng có dự án xe buýt mini công nghệ. Thêm nhiều tuyến mới, hành khách có thể đặt vé qua điện thoại, hành trình văn minh lịch sự, tiết kiệm thời gian. Vì sao mãi chưa triển khai trong khi các tuyến buýt trợ giá ngày càng mất khách?

Xe buýt mini công nghệ đang kẹt bánh - Ảnh 1.

Đường phố TP.HCM đầy kín xe cá nhân. Cần có cơ chế để tư nhân tham gia đầu tư mạng lưới buýt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để kết nối với tuyến metro số 1 và phát triển xe buýt ở các tuyến đường nhỏ, Sở GTVT TP.HCM có chủ trương thành lập đề án phát triển xe buýt mini công nghệ dưới 17 chỗ. Nhưng đề án này Bộ GTVT chưa đồng ý vì cho rằng xe buýt phải bố trí chỗ đứng.

Cần có buýt gom khách cho metro

Hiện lượng xe cá nhân ở TP.HCM đã vượt 8,1 triệu xe (ôtô con, xe máy). Tổng chiều dài đường phố tại TP là 4.291,9km nhưng chỉ 1.827km (42%) đường rộng trên 7m. Mật độ đường tập trung ở trung tâm TP chiếm 67%, phân bố theo dạng hình nan quạt trục chính hướng tâm và xuyên tâm từ trung tâm chính như: Bến Thành, Chợ Lớn tỏa đi các hướng. Cơ cấu đô thị dàn trải, phân tán khiến người dân phụ thuộc quá nhiều vào xe cá nhân trong khi nhiều khu đô thị mới đã hình thành nhưng chưa thể thiết lập mạng lưới xe buýt.

1.800 xe buýt hiện có đầu tư từ năm 2002-2004 chủ yếu là xe buýt cỡ lớn. Thiết lập mạng lưới xe buýt đi vào đường nhỏ rất khó khăn. Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất với Bộ GTVT cho phép triển khai đề án sử dụng xe buýt mini dưới 17 chỗ ngồi tích hợp công nghệ do Công ty TNHH Busgo đề xuất. 

Công ty đề xuất mở mới sáu tuyến kết nối các vùng đô thị, khu công nghiệp ở các quận huyện như: 1, 2, 7, 9, Nhà Bè. Hành khách đi xe đặt vé qua ứng dụng, có thể chọn giờ đi, ghế ngồi. Xe chỉ dừng lại đón tại trạm khi khách đặt ứng dụng trước để tiết kiệm thời gian đi lại. Điểm mới của đề xuất này là doanh nghiệp tự thu tự chi, không cần ngân sách trợ giá.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, đề xuất này chưa thể thực hiện do Bộ GTVT chưa đồng ý vì chưa phù hợp với quy định hiện hành là xe buýt phải bố trí chỗ đứng… "Metro số 1 sắp hoàn thành, xe buýt nhanh BRT cũng đang được triển khai, việc tổ chức buýt mini gom khách rất cần thiết cho giao thông công cộng thời gian tới. Sở sẽ kiến nghị bộ xem xét lại đề xuất này" - ông Hải cho biết.

Nên tháo vướng cho một đề án hay

Theo ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Bình, giám đốc Hợp tác xã xe buýt 28 (TP.HCM), trong bối cảnh xe buýt thiếu kết nối, thu hút tư nhân mở tuyến mới mà không cần chi tiền ngân sách là cần thiết. Ông Bình kiến nghị TP cần có cơ chế về làn đường cho xe buýt bởi tốc độ xe buýt giờ chậm hơn xe cá nhân rất nhiều. Hành khách giảm, doanh nghiệp xe buýt rất khó khăn.

Đánh giá về đề xuất buýt mini công nghệ, ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Hành khách liên tỉnh và du lịch TP - cho rằng đây là đề xuất khá hay, khác xa với các đề án phục hồi hệ thống buýt mini TP sử dụng ngân sách trợ giá từng được đề xuất. Nếu áp dụng thành công, TP sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia mở rộng mạng lưới các tuyến xe buýt mới từ khu dân cư ra trục chính. 

"Nhà đầu tư tự mua xe, bán vé theo cung cầu sẽ giảm bớt gánh nặng ngân sách. Người dân đi xe buýt bằng phần mềm đặt vé hiện đại được báo trước biển số xe và lộ trình, không phải đợi lâu" - ông Tính nói.

Đây là đề xuất đột phá để giải được bài toán xe công cộng khi khách đi xe buýt ngày càng giảm mà chưa có cách tháo gỡ hiệu quả. "Thật đáng tiếc chưa triển khai khi mà Bộ GTVT chỉ dựa chủ yếu vào chủng loại xe không đúng với quy định của nghị định 10 và thông tư 12. Bộ nên xem xét lại đề xuất này. Ít nhất là cho phép thí điểm trong vòng vài ba năm, theo hướng mà dự thảo Luật giao thông đường bộ 2020 đã mở ra: xe buýt là loại xe có số ghế từ 10 chỗ trở lên" - ông Tính góp ý.

Không mở cơ chế, buýt sẽ chết!

Đặc thù của đô thị TP có nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp khiến người dân khó tiếp cận giao thông công cộng. Đề xuất mở xe buýt mini công nghệ phù hợp với thực tế tại TP, vừa hiện đại, vừa không tốn tiền ngân sách. Nếu không mở cơ chế, xe buýt sẽ chết dần, xe cá nhân sẽ tăng lên và ùn tắc ở TP sẽ trầm trọng hơn.

Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hiệp hội Cầu đường TP.HCM)

Buýt trợ giá: hành khách còn một nửa

Mạng lưới xe buýt TP chỉ còn 128 tuyến, trong đó 91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Các tuyến xe buýt chủ yếu được hình thành từ năm 2002-2006. Hiện lượng khách đi xe buýt đang giảm so với các năm trước. Tính riêng xe buýt trợ giá, năm 2012 đạt 305 triệu lượt khách, đến cuối năm 2019 chỉ còn 159 triệu lượt. Năm 2020, tình hình dịch COVID-19 khiến khách giảm đột ngột, riêng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 62% kế hoạch.

Nỗi niềm xe buýt: người bỏ nghề, người vỡ nợ... Nỗi niềm xe buýt: người bỏ nghề, người vỡ nợ...

TTO - Người bỏ nghề, người vỡ nợ, nhiều người làm cầm chừng hi vọng chính sách mới tháo gỡ khó khăn cho xe buýt tại TP.HCM. Câu chuyện nghề của họ, những người hàng chục năm tâm huyết, gắn bó với xe buýt.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên