Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về tình hình hoạt động thí điểm tuyến xe buýt điện.
Nghiên cứu đề xuất tỉ lệ trợ giá buýt điện
Lãnh đạo TP giao đơn vị thí điểm buýt điện và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tổng kết 2 năm thí điểm, tỉ lệ trợ giá tuyến D4 và các nguyên tắc hoạt động thí điểm thực hiện theo đúng chủ trương của UBND TP. Kết quả tổng kết báo cáo cho UBND TP.
Bên cạnh đó yêu cầu rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho xe buýt điện.
Thời gian rà soát hoàn thành chậm nhất trong quý 3-2024 để đảm bảo đủ điều kiện tổ chức đấu thầu trong năm 2025. Đối với công tác thí điểm các tuyến buýt điện chỉ được gia hạn (tối đa) đến hết quý 1-2025.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự thảo nội dung để báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TP về kết quả thực hiện thí điểm.
Tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân đối với các tồn tại, hạn chế để đề ra phương hướng thực hiện phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất tỉ lệ trợ giá (nếu có) và phương thức thực hiện phù hợp, đúng quy định nhằm khuyến khích hoạt động vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn TP.
Buýt điện, làn gió mới
Năm 2022, UBND TP chấp thuận chủ trương tổ chức thí điểm 5 tuyến xe buýt điện. Đơn vị vận hành các tuyến này là Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus.
Thời gian thí điểm là 24 tháng kể từ khi các tuyến bắt đầu hoạt động. Tỉ lệ trợ giá/chi phí cho buýt điện là 44,1%. Đến tháng 3-2022, tuyến buýt điện D4 được đưa vào vận hành.
Tuyến buýt điện D4 hiện đại, nhiều tiện nghi. Hành khách ví buýt điện như một làn gió mới cho hệ thống xe buýt TP.
9 tháng đầu năm 2023, xe buýt điện D4 thực hiện được 28.842 chuyến, chở khoảng 819.075 lượt khách.
Việc này góp phần giảm ùn tắc, đặc biệt giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên xe buýt điện D4 cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Theo báo cáo đơn vị vận hành, tỉ lệ trợ giá cho tuyến D4 hiện quá thấp (44,1%).
Mức này chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỉ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG. Vì vậy, hiện công ty đang hoạt động thua lỗ. Cụ thể, năm 2022 lỗ 16,1 tỉ đồng, 8 tháng đầu năm 2023 lỗ 12,5 tỉ đồng.
Với tỉ lệ trợ giá như hiện tại, nếu không được xem xét điều chỉnh và sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện, Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus không thể mở tiếp được các tuyến còn lại. Còn tuyến buýt điện D4 cũng có nguy cơ phải ngừng chạy.
Năm 2023, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức thí điểm 5 tuyến xe buýt điện.
Sở kiến nghị điều chỉnh trợ giá cho buýt điện từ 44,1% lên 64,8%. Thời gian thực hiện tính từ ngày 1-1-2023 đến hết ngày 31-12-2025.
Kiến nghị của sở trên cơ sở đã lấy ý kiến tổ công tác về theo dõi, thực hiện tổng kết, đánh giá hoạt động thí điểm vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, nên phát triển xe buýt điện tại TP.HCM như thế nào?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận