Phóng to |
Một cảnh chen lấn trên tuyến xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ với số người đi trên xe lên đến 90 người trong khi xe chỉ có 30 chỗ ngồi (ảnh chụp ngày 11-11) - Ảnh: Nhân Tâm |
Ông Ngô Thanh Thiện - trưởng phòng quản lý vận tải và phương tiện Sở GTVT TP Đà Nẵng - cho biết đã nhận được nhiều đơn thư, điện thoại phản ảnh của người dân đi tuyến xe buýt này.
Nhồi nhét, chạy bạt mạng
Hiện có bốn đơn vị đăng ký khai thác tuyến xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ với gần 100 đầu xe loại 30 chỗ, bình quân mỗi ngày có tổng cộng 180 chuyến xe từ Đà Nẵng - Tam Kỳ và ngược lại. |
Xe buýt 92K... chạy tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ xuất phát tại vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vào sáng 11-11 khi trên xe chỉ có khoảng mười hành khách. Tuy nhiên, khi vừa ra khỏi TP chừng 3km đến khu vực chợ Miếu Bông (huyện Hòa Vang) thì trên xe đã xấp xỉ 90 người.
Mặc dù xe đã hết chỗ nhưng hai cánh cửa xe vẫn mở liên tục suốt chuyến đi gần hai giờ và phụ xế cứ í ới gọi khách suốt chặng. Đã có quy định đón trả khách đúng địa điểm ghi trên hành trình mà xe buýt chạy, tuy nhiên khi xe vừa ra khỏi thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thấy có người đứng vẫy xe, lập tức tài xế đạp phanh cho dừng xe ngay giữa đường để hành khách lên xe. Tuyến đường có nhiều đoạn rất xấu, thế nhưng tài xế vẫn chạy nhanh và khi cần đón hoặc trả khách thì phanh gấp khiến nhiều phụ nữ ngã nhào, túm tụm lẫn nhau. Suốt chặng đường nhân viên soát vé hầu như không xé vé cho khách, mà chỉ hỏi đi chặng nào và từ đó thu tiền theo cách tính của nhà xe.
Chiều cùng ngày, xe biển số 43K... từ Tam Kỳ về Đà Nẵng cũng nhồi nhét khoảng 90 người. Theo lời của tài xế thì: “Có những lúc xe chở đến cả 100 người nữa kia, chứ chừng này chưa là gì cả”. Khi xe chuẩn bị vào khu nội thị TP Đà Nẵng thì trên xe chỉ còn sáu người và cô soát vé hỏi các hành khách về đâu để xe trả khách. Ba người đề nghị nhà xe trả khách tại điểm cuối của tuyến xe là đường Nguyễn Tất Thành (quận Hải Châu). Tuy nhiên, khi đến trạm xe buýt vòng xoay Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ thì nhân viên soát vé yêu cầu mọi người xuống xe và nói: “Mọi người chịu khó đi xe ôm hoặc đi bộ về nhà, xe không đi các tuyến đó”.
Chấn chỉnh nhà xe
Ông Ngô Thanh Thiện cho biết thời gian qua đơn vị nhận được rất nhiều đơn thư, điện thoại phản ảnh của người dân về những vi phạm ở tuyến xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là xe bắt khách không đúng trạm, nhân viên thu tiền không xuất vé cho khách, nhiều xe vẫn chưa niêm yết giá... Trước những bức xúc của người dân, ngày 14-11 Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các tuyến xe buýt nội thành và liền kề.
Theo đó, sở yêu cầu giám đốc các đơn vị vận tải xe buýt phải chấn chỉnh các lái xe về việc chạy xe buýt không đúng biểu đồ, lộ trình, bỏ trạm dừng đỗ lâu tại một điểm, chạy xe quá tốc độ. Nhân viên phục vụ không được thu giá cước cao hơn giá quy định, thu tiền phải xuất vé cho khách, đồng thời phải có thái độ phục vụ hành khách lịch sự, tận tình, chu đáo. Đối với tuyến xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ, Phòng quản lý vận tải và phương tiện đã đề xuất các đơn vị quản lý hai đầu tuyến tại hai địa phương kiên quyết từ chối lên phiên đối với những phương tiện không đủ tiêu chuẩn, đình phiên những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, lực lượng thanh tra giao thông cũng phải thường xuyên tăng cường tuần tra xử lý nghiêm những lái xe, phụ xe vi phạm.
Cũng theo ông Thiện, từ đầu năm 2011 hai sở GTVT Đà Nẵng và Quảng Nam đã thống nhất việc quản lý tuyến xe buýt liên tỉnh bằng một quy chế rất cụ thể. Theo đó, mức phạt dành cho đội ngũ tài xế và nhân viên không thực hiện đúng quy định là đình chỉ mười ngày làm việc (lần 1), đình chỉ một tháng làm việc (lần 2), trục xuất khỏi tuyến (lần 3). Còn đối với các đơn vị khai thác là đình chỉ hoạt động khai thác tuyến (vi phạm lần 3) và cảnh cáo, nhắc nhở cho hai lần đầu. Tuy nhiên hằng năm đơn vị này chỉ xử phạt khoảng 30 vụ vi phạm khác nhau vì “việc thanh tra các đội xe để xử lý rất khó” - ông Thiện nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận