28/07/2022 15:48 GMT+7

Xe buýt chưa phát triển, cần sớm có giải pháp

THU DUNG - CHÂU TUẤN
THU DUNG - CHÂU TUẤN

TTO - Hội thảo 'Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng' do báo Giao Thông tổ chức sáng 28-7. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã góp ý, hiến kế giúp cơ quan chức năng có những giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Xe buýt chưa phát triển, cần sớm có giải pháp - Ảnh 1.

Bến xe buýt 23-9, quận 1, TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đỗ Mười - viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải Bộ Giao thông vận tải - cho biết việc phát triển vận tải hành khách công cộng là một trong những giải pháp tất yếu nhằm giảm ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ở các đô thị. Trong đó xe buýt là loại xe được ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, ông Mười đánh giá ở hầu hết các địa phương, xe buýt còn chưa phát triển đúng hướng, mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ (trừ Hà Nội và TP.HCM tỉ lệ chiếm 90% cả nước).

Từ đó ông Mười đề xuất một số giải pháp kiểm soát xe cá nhân, phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Đồng thời lựa chọn tăng cường số lượng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên các hành lang giao thông chính (đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, làn đường dành riêng cho BRT...).

"Chúng ta phải khuyến khích sự tham gia của tư nhân và bảo đảm cạnh tranh có kiểm soát, các tuyến buýt cần được đấu thầu công khai, minh bạch để đơn vị có năng lực đảm nhận", ông Mười cho hay.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Trung Tín - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM - mong Sở Giao thông vận tải TP.HCM sớm có kế sách tác động, nâng cấp lại từ cơ sở hạ tầng, phương tiện, hệ thống vé... sao cho đồng bộ. 

Về chính sách trợ giá, TP.HCM phải nghiên cứu dài hạn 5-10-20 năm tới trợ giá bao nhiêu để các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có kế hoạch đầu tư và phát triển hợp lý. 

Trao đổi tại hội nghị, ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết đơn vị tiếp thu những đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp. Từ đó có những nghiên cứu để tạo đà ưu tiên phát triển xe buýt.

TP.HCM đang phấn đấu hoàn thành metro vào cuối năm 2023 để kết nối đồng bộ với các tuyến xe buýt. Hiện tại, TP đã nghiên cứu xong việc đầu tư xe buýt nhỏ, dự kiến tới cuối năm 2022 sẽ kêu gọi đầu tư.

Để doanh nghiệp thử sức

Theo ông Đào Viết Ánh - tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, đơn vị này đã có nhiều năm hoạt động trong ngành vận tải hành khách, trong đó có loại hình xe buýt không trợ giá nhiều năm qua vẫn làm ổn, không lỗ.

Đơn vị này cho hay có khả năng, nguồn lực tài chính, sự quản lý, đảm bảo dịch vụ tốt để tham gia các tuyến xe buýt tại TP.HCM và liên tỉnh cho dù không trợ giá.

Thêm 12 tuyến xe buýt mới tại TP.HCM Thêm 12 tuyến xe buýt mới tại TP.HCM

TTO - UBND TP.HCM vừa có quyết định bổ sung 12 tuyến xe buýt mới, trong đó có 4 tuyến xe buýt nhỏ, 4 tuyến chất lượng cao và 4 tuyến liên tỉnh giúp tăng cường kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận.

THU DUNG - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên