31/03/2018 14:33 GMT+7

Xe bắt chó, “đặc sản đô thị” Sài Gòn

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Đến nay, mô hình đội bắt chó thả rông vẫn chỉ duy nhất có ở TP.HCM. Đây được xem là "đặc sản đô thị" mà nhiều địa phương khác trên khắp cả nước như Vũng Tàu, Bình Dương, Trà Vinh... phải "mượn dùng".

Xe bắt chó, “đặc sản đô thị” Sài Gòn - Ảnh 1.

Hình ảnh xe bắt chó đã quen thuộc với người dân Sài Gòn từ hơn nửa thế kỷ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tháng 9-2016, đội bắt chó thả rông thuộc Phòng chăn nuôi dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM ra quân kiên quyết gom những chú cẩu không xiềng xích, ngang nhiên dạo tự do giữa phố mà không có đồ rọ mõm.

Người xưa nay không nuôi chó, từng một hai lần bị chó của hàng xóm làm phiền nhưng ngại tình làng nghĩa xóm nên ít khi lên tiếng, thấy đội bắt chó đi gom thì đồng tình. Còn chủ nuôi thấy "con cưng" của mình bị người ta tròng cổ, kéo quăng vô xe bắt chó thì xót xa. Người dân ở đô thị đông dân nhất nước lại tranh cãi, xôn xao về đội bắt chó thả rông.

Nhưng có lẽ ít ai biết, xe bắt chó này có thể xem là... "đặc sản đô thị" chỉ có ở Sài Gòn, ra đời từ trước năm 1975.

Bắt chó phải an toàn ... cho chó

6h sáng, hai anh Nguyễn Xuân Vũ và Giang Chấn Đạt đã có mặt tại trụ sở của đội bắt chó thả rông (252 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) để kiểm tra lại dụng cụ hành nghề của mình. Đó là một thanh sắt rỗng ruột, bên trong lồng một sợi dây cáp dọc theo thân ống sắt tạo thành một thòng lọng một đầu. Giữ ống sắt, người cầm dụng cụ sẽ điều khiển được thòng lọng bằng cách giật phía đầu dây còn lại.

"Đó, công việc của hai đứa tui chỉ là đứng đu phía sau xe, thấy chó chạy rông thì nhảy xuống quăng cái thòng lọng cho trúng con chó, siết lại giữ nó và đưa lên chuồng trên xe. Đơn giản thôi!", anh Vũ cười.

Nghe đơn giản, nhưng phải đi theo xe bắt chó này một buổi, mới cảm nhận hết được việc muốn trở thành thợ bắt chó, phải... có nghề.

Xe bắt chó mà chúng tôi theo chân hôm nay sẽ đi bắt ở khu vực phường 8, quận 6. Trước đó, phía ngành thú y phải có văn bản liên hệ với phường, để phường bố trí lực lượng dẫn đi và bảo vệ. Việc phối hợp này là cách thức hoạt động mới của đội bắt chó thả rông được quy định gần đây.

Trước đó, xe bắt chó này cứ vẽ ra một lộ trình quanh thành phố và đi bắt thoải mái. "Nhưng quá nguy hiểm, khi người dân chống cự quyết liệt và lực lượng chúng tôi lại quá mỏng. Do đó giờ muốn đi bắt phải theo kế hoạch của từng phường", ông Dương Thanh Đa, người phụ trách đội, cho hay.

Xuất phát từ trụ sở phường, chiếc xe di chuyển khoảng hơn 20km/h. Anh Vũ và anh Đạt bám phía sau xe, một tay cầm sẵn cán cây bắt chó, một tay vịn xe nhoài người ra quan sát. Xe vừa chậm một nhịp, anh Vũ đã lao xuống đường, quăng cây bắt chó.

Nhanh, chính xác. Vòng dây cáp đã ôm gọn con chó, lúc này anh Đạt cũng đã nhoài người ra mở cửa chuồng trên xe. Con chó được anh Vũ nâng gọn đưa lọt vào cửa chuồng. Anh Đạt vỗ vào thành xe, tài xế tiếp tục nhấn ga lao đi trước khi những người dân bên đường kịp hiểu ra chuyện gì.

"Trừ khi xác định con chó bị dại, tụi tui sẽ phối hợp vây bắt. Chứ nó chạy được vào nhà hay chủ đã giữ lại thì thôi", anh Vũ kể lại sau khi chiếc xe đã kết thúc một vòng làm việc, quay lại trụ sở phường. Hành động phải nhanh, dứt khoát. Nếu có người nào xông vào thì... đã có phường lo. "Trước đây khi chưa phối hợp với phường thì mệt lắm. Không ít lần bị chủ chó ném đá ào ào vào xe", anh Vũ kể tiếp. 

13 năm trong nghề, hiện tại anh Vũ được mọi người trong đội phong tặng là "nghệ nhân" bắt chó điêu luyện nhất Việt Nam. Chó to, chó nhỏ, chó dữ dằn cách mấy, anh Vũ cũng xử lý gọn ghẽ. "Nguyên tắc là khi mình không sợ chó, hẳn chó phải sợ mình", anh Vũ nói tỉnh bơ. Nhưng tiêu chí của việc bắt chó không chỉ dừng lại ở việc đưa chó lên xe, mà quan trọng nhất là phải giữ chó không bị thương. 

Đặc biệt hành động phải chính xác, nếu không, con chó có thể bị hoảng loạn và trở thành mối nguy hại cho những người chung quanh. "Còn nếu con chó bị thương, khi chủ lên nhận lại mà thấy thì mệt chuyện lắm", anh Vũ nói.

Xe bắt chó, “đặc sản đô thị” Sài Gòn - Ảnh 2.

Bắt chó phải nhanh, chính xác và cần nhất là phải an toàn... cho chó - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Hai năm trước được nhận vào đội, tui phải mất hơn 2 tháng mới bắt được con chó đầu tiên", anh Đạt ở kế bên nói chen vào. Cũng chính anh Vũ là người kèm cặp cho anh Đạt những kỹ năng để bắt chó. Bởi tuy là một nghề đặc thù của Nhà nước, nhưng đến nay chẳng có một giáo trình nào dạy nghề này. Người đi sau cứ học người đi trước, tồn tại mấy chục năm nay.

"Đặc sản" cần cho đô thị văn minh

"Nói chính xác từ lúc nào thì tôi không nhớ, nhưng từ trước năm 1975, tôi đã nghe người ta đem khái niệm xe bắt chó ra hù con nít rồi. Và bấy giờ, cũng thường xuyên cảnh xe bắt chó đi tuần giữa phố. Những người lớn tuổi thì quả quyết có từ đầu thập kỷ 1960", ông Dương Thanh Đa, người phụ trách đội bắt chó thả rông, nhớ lại.

Ông Đa được phân công phụ trách đội này đã 12 năm nay. Khi thừa kế và tìm hiểu về công việc mới, ông Đa chỉ chắc chắn rằng tháng 9-1976, khi Sở Mục súc đô thành Sài Gòn hợp nhất với ngành thú y tỉnh Gia Định thành Trạm thú y thành phố, đội bắt chó thả rông đã là một lực lượng có sẵn và tiếp tục được quản lý tại đơn vị này.

"Hơn mười năm trước, ở đội này còn có một thành viên mà bố vợ của anh ấy trước đây từng thực hiện nhiệm vụ bắt chó liên tục trong giai đoạn chuyển giao chính quyền", ông Đa kể.

Liên tục từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm, xe bắt chó thả rông vẫn là một loại hình chỉ duy nhất Sài Gòn mới có. Ông Đa nói với giọng đầy tự hào: "Ngay cả Hà Nội cũng không có đội này, nên thi thoảng, chúng tôi vẫn đến các tỉnh như Bình Dương, Trà Vinh... để phối hợp bắt và cũng là cách làm hình mẫu cho các địa phương khác".

Là đội trưởng, công việc của ông Đa nhiều vô kể. "Nghề này không nghỉ ngày nào, phải làm sao để xoay chuyển anh em duy trì trực cả những ngày lễ, tết", ông Đa nói. Hiện nay, ngoài việc phối hợp với các phường thực hiện việc đi bắt chó thả rông như kể trên, đội này cũng là thành phần không thể thiếu trong những đợt công tác cưỡng chế thi hành án, giải tỏa...

"Thấy vậy thôi chứ không có đội này cũng mệt. Mấy năm trước, trong quá trình cưỡng chế kê biên thi hành án tại quận 11, thành phần đội bắt chó không được tính toán trong phương án. Thế là khi gia chủ xua chó ra, một thành viên bị cắn. Chúng tôi được lệnh, phải lập tức đến hiện trường khống chế ba con chó", ông Đa nhớ lại.

Xe bắt chó, “đặc sản đô thị” Sài Gòn - Ảnh 3.

Chó chạy rông giữa phố được đưa về trụ sở của đội ở 252 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM nuôi nhốt trong vòng 72 giờ. Trong thời gian trên, nếu chủ chó không đến nhận, chó sẽ được tiêm thuốc cho chết và đưa đi tiêu hủy ở bãi rác Đông Thạnh. Trường hợp chủ chó đến nhận, sẽ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với mức phạt 600.000 - 800.000 đồng. Trường hợp chủ chó không có sổ tiêm phòng bệnh dại cho chó, sẽ thêm một mức phạt tương tự. Do đó nếu chó không tiêm phòng và thả rông khi bị bắt sẽ có thể bị phạt cao nhất đến 1,6 triệu đồng - Ảnh: SƠN LÂM

Với đô thị lớn nhất Việt Nam như Sài Gòn, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mồng 3 Tết Giáp Ngọ (năm 2014), một chú chó ở đâu bỗng... xuất hiện trong khuôn viên Ủy ban nhân dân thành phố và cứ chạy lòng vòng. Nếu không có đội bắt chó, hẳn cũng khó khăn trong việc đưa chú chó kia vào chuồng.

Số điện thoại của đội cũng gần như reo suốt. Nửa đêm mất chó, gọi. Chó đi lạc, gọi. Thậm chí có người bực bội vì chó hàng xóm sủa inh ỏi, cũng gọi... "Dù đa số trường hợp không giải quyết được, nhưng chúng tôi cũng phải giải thích rõ ràng cho người ta về công việc chính của đội, là làm theo kế hoạch và sự phân công của cấp trên", ông Đa cười.

Mai này còn xe bắt chó?

Là đội trưởng, nhưng nói đến kỹ năng bắt chó, ông Đa cũng... lắc đầu. Công việc thì nhiều vô kể, nhưng lực lượng của đội hiện nay chỉ còn 5 người. Ngoài ông Đa, còn một người lo việc giấy tờ hành chính, một người bảo vệ. Chỉ còn anh Vũ và anh Đạt là 2 thợ bắt chó còn lại của Sài Gòn. Tài xế thì được điều động luân phiên từ Chi cục Chăn nuôi và thú y mỗi khi công lệnh đi bắt chó được duyệt.

Cả hai người thợ bắt chó đều làm việc theo dạng hợp đồng phổ thông. Với thâm niên 13 năm, anh Vũ, "người bắt chó điêu luyện nhất Việt Nam", được hưởng mức lương chưa tới 4 triệu đồng mỗi tháng, không phụ cấp gì thêm. Còn anh Đạt mới vào gần 3 năm, lương chỉ ở mức hơn 2 triệu đồng.

Anh Vũ 37 tuổi, anh Đạt 34. Cả hai đều có gia đình riêng và đều bị nghề này vấn lấy theo một mẫu số chung: đi nghĩa vụ về, làm đủ thứ nghề từ phụ hồ đến bốc xếp, bảo vệ... và khi nghe tin đội bắt chó thả rông tuyển người thì đăng ký và trúng tuyển. "Mới đầu nản lắm, người ta nghe làm nghề bắt chó, nghe cũng chừng chừng như... trộm chó. Chứ đâu có nghĩ đến tác dụng phòng chống bệnh dại, ngăn dịch này nọ đâu", anh Đạt tâm sự. Nhưng người trước động viên người đi sau, anh em động viên nhau. Môi trường làm việc xoay vòng và bảo ban nhau tạo ra một tập thể gắn bó và góp phần cho hai người thợ bắt chó cuối cùng này bám nghề.

"Chỉ 2 thợ bắt, với khối lượng nhiệm vụ hiện nay rất vất vả. Chưa kể, nếu đúng thì mỗi lần đi bắt chó phải có 3 thợ thì mới phát huy được tối đa hiệu quả công việc", ông Đa nói.

Nhưng từ lúc tuyển được anh Đạt đến nay, đội này chưa tuyển thêm được "thợ bắt chó" nào. Ngay trong đợt anh Đạt trúng tuyển, còn có hai người khác. Nhưng một người không đủ sức khỏe, chi cục phải phân công nhiệm vụ bảo vệ nơi khác. Một người thì bị cận, đi theo xe bắt chó mấy bữa thì biết mình không thể học nổi nghề, cũng nghỉ.

"Chúng tôi cũng rất đau đầu, nhưng đúng công việc bắt chó là một công việc đặc thù rất khó tuyển. Hơn nữa mức lương so với đời sống hiện nay thì không hấp dẫn", anh Lê Minh Trí, phó Phòng chăn nuôi dịch tễ, quản lý đội bắt chó thả rông, chia sẻ.

Một điều oái ăm nữa là hiện nay, đội bắt chó thả rông này... không có tên chính thức trong văn bản hành chính. "Trước đây, đội thuộc Trạm phòng chống dịch và kiểm dịch động vật. Tuy nhiên vào giữa tháng 9-2017, sau UBND TP.HCM quyết định tổ chức lại Chi cục Thú y thành Chi cục Chăn nuôi và thú y, thì không có tên đội này. Do đó hiện tại đây chỉ được xem như một tổ chuyên môn giao cho Phòng chăn nuôi dịch tễ tạm thời phụ trách. Mọi thư từ, giấy mời, lệnh công tác... đều phải liên hệ qua phòng", anh Trí giải thích.

Theo anh Trí, trong quy định mới về phòng chống dịch, phòng ngừa bệnh dại thì mỗi xã, phường phải có lực lượng bắt chó. Đó là lý do số phận của đội bắt chó vẫn chưa được quyết. "Nhưng việc triển khai mỗi phường, xã thêm công tác phòng chống bệnh dại, bắt chó sẽ rất khó khăn. Phải cắt đặt thêm nhân sự mà chưa chắc công việc đạt hiệu quả", anh Trí nói.

Xe bắt chó, “đặc sản đô thị” Sài Gòn - Ảnh 4.

Anh Giang Chấn Đạt, một trong hai thợ bắt chó cuối cùng của Sài Gòn. Sau anh Đạt, chưa có thêm ai theo nghề bắt chó thả rông, giữ đường phố trật tự văn minh - Ảnh: SƠN LÂM

Tương lai của đội bắt chó thả rông duy nhất Việt Nam này hiện vẫn đang treo lơ lửng. "Nếu được, chúng tôi vẫn muốn được giữ lại và nâng cấp, phát triển thêm đội này. Cũng có thể tổ chức theo hướng làm dịch vụ, cung ứng dịch vụ bắt chó thả rông chuyên nghiệp để các phường, đơn vị khi cần có thể thuê mướn", anh Trí nói thêm.

Trong suốt câu chuyện về đội bắt chó thả rông, hầu hết mọi người đều nói về chuyện TP.HCM sắp triển khai thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù riêng vừa được Quốc hội thông qua. "Chúng tôi vẫn động viên anh em, hy vọng khi có cơ chế riêng, những loại hình đặc thù của đô thị lớn nhất nước này như đội bắt chó thả rông sẽ được tồn tại và phát huy hiệu quả", anh Lê Minh Trí - phó Phòng chăn nuôi dịch tễ - chia sẻ.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên