08/05/2012 08:13 GMT+7

Xây thủy điện tràn lan: sai lầm

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Đó là tiếng nói của các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững: các bài học và khuyến cáo” do Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam phối hợp với Mạng lưới sông ngòi VN tổ chức ngày 7-5.

FourDq9R.jpgPhóng to
Thủy điện Pleikrong được xây dựng trên sông Krông Pôkô (Kon Tum) - Ảnh: Duy Anh

Tham dự hội thảo có các đại biểu Quốc hội miền Trung - Tây nguyên và nhiều chuyên gia đầu ngành về thủy điện, địa chất, sông ngòi; không có chủ đầu tư thủy điện nào tham dự.

Lợi ích cục bộ

Theo ông Lê Phước Thanh - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Việc xây dựng thủy điện đem lại lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư mà chưa mang lại lợi ích gì cho người dân”. Ông Thanh nhìn nhận thủy điện đã gây ra nhiều hậu quả xấu về môi trường, sinh thái như ngập lụt vùng hạ du do xả lũ, vấn đề an toàn đập, tái định cư, hậu tái định cư, nhân dân thiếu đất sản xuất, nguy cơ tái nghèo cao, hộ dân bỏ khu tái định cư đi phá rừng...

"Chúng ta đã đi một bước sai lầm khi phát triển thủy điện tràn lan. Giờ đi sửa sai nhưng không sửa nổi"

Ông Đinh Văn Thu (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam)

Ông Đỗ Tài, chủ tịch UBND huyện Đông Giang - nơi có bảy dự án thủy điện, nói: “Tôi rất đau lòng khi chứng kiến dân của mình không có đất sản xuất vì thủy điện, nên họ buộc phải phá rừng để kiếm cái ăn. Mà phá rừng thì bị khởi tố hình sự. Người dân không còn đường lui được nữa. Hậu quả từ đâu thì các anh đã biết”.

Tiến sĩ Đào Trọng Hưng, thành viên Mạng lưới sông ngòi VN, nói: “Không thể cầm lòng khi đi thực tế thấy đời sống người dân vùng tái định cư ở các thủy điện quá khó khăn và nhiều dự án phá rừng mang tên... thủy điện”.

Theo ông Hưng, phát triển thủy điện gây ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Đến nay có 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng, mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia cõng 2,5 dự án thủy điện. Vườn quốc gia của khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều dự án là Cát Tiên (6 dự án), Hoàng Liên (6 dự án). Ông Hưng nói: “Phần đất đẹp, tốt đã bị lấy hết làm thủy điện, người dân bị đẩy vào chỗ khô cằn, không thể gieo trồng được”.

VsF7YAp4.jpgPhóng to
Mới đi vào hoạt động, đập thủy điện Sông Tranh 2 gây lo lắng cho người dân - Ảnh: VIỆT HÙNG

Sửa sai không nổi?

Tại hội thảo, nhiều giáo sư đề nghị các bộ ngành, địa phương phải sớm vào cuộc để giải quyết kịp thời những “lỗ hổng” lớn, tránh gây tai họa cho con cháu sau này. GS.TS Vũ Trọng Hồng, chủ tịch Hội Thủy lợi VN, đề nghị các chủ đầu tư đánh giá lại sự ổn định của nền đập, thân đập, vai đập và có quy trình tích nước, xả lũ an toàn. Sự cố vai đập là nguy hiểm nhất, như thủy điện Sông Tranh 2 đang chảy nước ở vai đập vì đây là loại “tai họa đang đến”. “Chúng ta phải học từ những sai lầm của mình” - ông Hồng khuyến cáo.

Ông Đinh Văn Thu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề xuất: “Chúng ta cần rà soát ở tất cả các khâu khi xây dựng một thủy điện. Từ khâu thiết kế đến thi công, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Đáng ra hội thảo phải có sự tham gia của chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực VN, đại diện các nhà thầu, đơn vị tư vấn để lắng nghe nhưng họ không đến và chúng ta chỉ nói cho chúng ta nghe”.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Mạng lưới sông ngòi VN, phát biểu: “Chỗ nào xây được thủy điện là nhảy vào làm như hiện nay sẽ khiến các thế hệ con cháu đối diện với tai họa vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Ông Huỳnh Thành, phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, chỉ rõ việc khảo sát thiết kế thủy điện, tái định cư quá sơ sài, cẩu thả đang gây ra nhiều hệ lụy không thể giải quyết được. Thủy điện gây ra nhiều vấn đề môi trường, xã hội, thiệt hại không thể tính được bằng tiền.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên