Không gian sinh hoạt cộng đồng
Vừa qua, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố Đà Nẵng - đơn vị tư vấn tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch kiến trúc quảng trường - bảo tàng dọc trục Trung tâm hành chính thành phố - Bạch Đằng - Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan - đã trưng bày 12 phương án dự thi và lấy phiếu đánh giá, bình chọn online.
Theo tìm hiểu, việc lập quy hoạch kiến trúc, tổ chức không gian quảng trường - bảo tàng dọc trục Trung tâm hành chính - Bạch Đằng - Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan nhằm:
Cụ thể hóa định hướng quy hoạch quảng trường khu vực trung tâm theo điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được HĐND thành phố thông qua và đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tổ chức lại không gian phía đông Thành Điện Hải thành quảng trường công cộng hướng ra sông Hàn kết nối với di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, Trung tâm hành chính, thư viện, Bảo tàng Đà Nẵng, Trung tâm công nghệ phần mềm, cảng sông Hàn… trên cơ sở tạo đồng bộ vật liệu bề mặt, cảnh quan cây xanh, mặt nước nhằm tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng với nhiều chức năng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, du khách.
Tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan đô thị phía bắc cầu sông Hàn.
Quảng trường còn là không gian mở kết nối với đường Bạch Đằng, trong tương lai sẽ là tuyến đi bộ ven sông Hàn kéo dài từ chân cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước. Trong đó, quảng trường Thành Điện Hải là một điểm nhấn quan trọng trong tuyến đi bộ ven sông Hàn.
Quảng trường có phạm vi quy hoạch với tổng diện tích là 16,2ha, gồm 3 khu vực.
Phạm vi nghiên cứu mở rộng khu vực quy hoạch gồm: toàn bộ tuyến đường Bạch Đằng và khu vực bờ sông Hàn từ cầu sông Hàn đến công viên Hòa Bình cuối đường Bạch Đằng.
Các tuyến đường xung quanh khu vực quy hoạch bị ảnh hưởng gồm: Trần Phú, Lý Tự Trọng, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh.
Tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 1.000 tỉ đồng.
Mang nhiều ý nghĩa
Ông Nguyễn Cửu Loan - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng - cho biết ông ủng hộ việc làm quảng trường trung tâm.
Theo ông Loan, đầu tư quảng trường tại khu vực này sẽ tạo điểm nhấn, cảnh quan đô thị, không gian mở cũng như tạo ra chuỗi liên kết từ Thành Điện Hải đến Bảo tàng Đà Nẵng.
Ông Loan cũng cho biết thực tế hiện Đà Nẵng chưa có một quảng trường đúng nghĩa, quỹ đất không còn. Khu vực mà thành phố tính làm quảng trường trung tâm là phù hợp nhất. "Bây giờ quan trọng là đối với đồ án kiến trúc làm như thế nào cho phù hợp, có tầm nhìn rộng, hài hòa" - ông Loan nói.
Theo ông Loan, trước đây thành phố từng có ý tưởng chọn khu vực nhà hát Trưng Vương xuống đến chợ Hàn để làm quảng trường. Tuy nhiên, chi phí giải tỏa, đền bù rất lớn, nên không được.
Là một người gắn bó với công tác văn hóa lâu năm ở Đà Nẵng, nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Văn Hùng - nguyên giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng - cho rằng làm quảng trường ở vị trí trung tâm, có các công trình văn hóa sẽ được nhiều người đồng tình.
"Đà Nẵng là một thành phố, trung tâm du lịch của miền Trung, có nhiều điểm để du khách tham quan như các bảo tàng, du lịch sinh thái… Việc xây dựng quảng trường là cần thiết, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa cho người dân địa phương và trở thành một điểm đến cho du khách" - ông Hùng nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết quảng trường trung tâm sẽ mang rất nhiều ý nghĩa, trong đó đặc biệt là không gian có di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải. Ngoài giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị còn là thu hút đầu tư, điểm đến cho du khách...
Cũng theo vị này, trong quyết định 359 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng đã xác định đây là quảng trường trung tâm và đó cũng là định hướng của thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận