Flycam toàn cảnh các homestay xây trên đất rừng Sóc Sơn
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại hiện trường vụ đất đá vùi lấp nhiều ô tô ở xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) có loạt homestay xây sai phép trên đất rừng, nhiều nơi có dấu hiệu san gạt lộ rõ những mảng đồi trơ sỏi đá. Tại hồ Đồng Đò (xã Minh Trí), tình trạng vi phạm trật tự xây dựng còn nghiêm trọng hơn.
Vậy chính quyền địa phương ở đâu, tại sao cứ để xảy ra sai phạm mới "vào cuộc xử lý"?
Có sự bao che không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 8-8, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp.
Theo ông, đây là việc rất hệ trọng. Thời gian qua, tình trạng phá rừng gây sạt lở nghiêm trọng diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của người dân.
Về câu chuyện xây hàng loạt homestay, tự ý làm đường trong rừng ở Sóc Sơn, ông nhận định việc này là bất hợp pháp.
"Tại sao chuyện này lại xảy ra? Người ta làm đường, xây nhà kiên cố làm cả năm trời nhưng chính quyền địa phương ở đâu, cơ quan quản lý lâm nghiệp ở đâu mà không lên tiếng, không lập biên bản vi phạm?" - ông đặt câu hỏi.
Ví von những công trình đồ sộ, xây sai phép tại Sóc Sơn như những "con voi", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nêu lên thực tế hiện có tình trạng "con kiến không thể chui lọt qua lỗ kim nhưng con voi lại chui lọt".
Ông cho rằng phải chăng có sự bao che của chính quyền địa phương, lợi ích nhóm để cho các công trình trên đang ngày ngày "nuốt chửng" đất rừng tại Sóc Sơn.
"Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải vào cuộc, điều tra, thanh tra, xác minh làm rõ để xử lý vi phạm. Nếu vi phạm hành chính thì xử lý hành chính. Nếu có câu kết, gây bất lợi, thiệt hại đến tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước thì phải xử lý hình sự" - ông Hòa đề nghị.
Cần thiết phải tái thanh tra
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho biết việc sai phạm xây dựng trên đất rừng ở Sóc Sơn đã được dư luận nói tới rất nhiều, đặc biệt ở khu vực xã Minh Trí và Minh Phú.
Về câu chuyện người dân tự ý xây dựng các con đường bê tông, phá dỡ đồi núi làm đường, ông Nhưỡng cho rằng trách nhiệm về mặt pháp lý trước tiên là những người trực tiếp thực hiện công việc trên.
"Ngoài ra, cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền không biết các sự việc này thì thiếu tinh thần trách nhiệm; nếu biết mà không xử lý thì thiếu tinh thần trách nhiệm ở mức độ cao hơn.
Nhưng nếu thông đồng, có biểu hiện tiêu cực để cho người dân thực hiện các việc này thì tôi cho rằng trách nhiệm rất nặng, cần phải xử lý theo thang bậc, tính chất, mức độ của sự vi phạm mà người vi phạm đã gây ra. Nếu cán bộ còn trực tiếp tham gia vào việc phá rừng, thu lợi ích thì đó là đồng phạm" - ông Nhưỡng nói.
Những sai phạm xây dựng tại khu vực hồ Đồng Đò, dù đã có kết luận thanh tra, đến nay không những chưa được xử lý triệt để mà trái lại các công trình kiên cố lại được xây dựng chi chít, hầm hố hơn. Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng các cơ quan ra kết luận thanh tra phải đôn đốc, giám sát; nếu cần thiết phải tái thanh tra.
"Phải kiểm tra, rà soát để xem kết luận như thế nào. Không thể kết luận xong rồi bỏ đấy. Đi kèm với kết luận thanh tra là phải hoạt động để đảm bảo kết luận được thực hiện. Nếu kết luận không được thực hiện mà còn sai phạm nghiêm trọng hơn, cần thiết là phải truy tố" - ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Chính quyền huyện Sóc Sơn nói xử lý "rắn"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết thời gian vừa qua những vi phạm về trật tự xây dựng tại khu vực hồ Đồng Đò và hồ Ban Tiện được địa phương xử lý "rắn".
Theo ông, huyện rất kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Tháng 6-2023, huyện đã tạm đình chỉ 3 phó chủ tịch UBND xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Trước đó, đã có 2 chủ tịch xã bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.
Trước đó, tháng 10-2018, Thanh tra TP Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó tập trung vào vi phạm tại hai xã Minh Phú và Minh Trí.
Đến tháng 3-2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng. Tại xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận