30/09/2024 11:32 GMT+7

Xây 'lô cốt' tránh bão

Thay vì làm hầm tạm với bao cát chôn chìm dưới lòng đất như trước, gần đây những ngôi làng sát biển ở Quảng Nam có phòng tránh bão kiểu mới: phòng đúc vây bốn bề bằng bê tông cốt thép, kiên cố vững chãi như lô cốt.

Xây 'lô cốt' tránh bão - Ảnh 1.

“Lô cốt” trú bão lưỡng dụng được xây thêm bên các ngôi nhà miền biển

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết nhờ chính sách hỗ trợ xây phòng kiên cố này, người dân ở làng trước biển bớt âu lo mỗi lần nghe tin bão về.

Hết thời nghe bão phải đưa nhau đi trú

Những ngày sau cơn bão số 4, cụ Nguyễn Xuân (84 tuổi) cùng vợ là Trần Thị Thu (75 tuổi, ở thôn An Trân, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) gói ghém chăn màn, nệm trải dưới nền phòng trú bão vừa xây bên hông nhà để đem phơi cất. Đây cũng cũng là phòng ở dự phòng lúc con cái ở xa về, được vợ chồng già chắt bóp xây cất với khoản hỗ trợ 10 triệu đồng từ Nhà nước.

Giữa trưa, khi thấy cán bộ xã đến hỏi han tình hình sau mưa bão, cụ Xuân bảo vợ rọi đèn pin luồn cửa sau, đi một đoạn tối om để mở cửa căn phòng trú ẩn vừa được đưa vào sử dụng.

"Xây vầy thì thôi, chứ lo gì mưa bão nữa. Ý tui lúc đầu là làm hầm âm, đổ bê tông bốn phía dưới lòng đất như hầm hồi xưa dân Quảng Nam tránh đạn pháo. Nhưng vợ tui không chịu, bảo làm trên mặt đất cho thoáng khí. Thỉnh thoảng con cháu có về thì cũng còn chỗ nghỉ ngơi", cụ Xuân nói.

Căn phòng trú bão kết hợp phòng ở của cụ Xuân có lẽ là kỳ dị nhất ở bốn thôn xã miền biển Bình Hải. Tin rằng tường làm càng dày càng chắc, bê tông đổ càng nhiều thì càng vững chãi trước gió bão nên cụ Xuân chống gậy đích thân đứng ra chỉ đạo thợ xây.

"Thợ họ bảo xây tường 20cm chắc hung rồi, bão nào quật được, nhưng tui không đồng ý. Hồ phải trít cho kín mạch, xi măng trộn càng nhiều càng tốt, cứ đổ vô giữa mạch rồi đan thép. Tốn thêm chút tiền cũng được, miễn là an toàn. Tính mạng trên hết. Còn mạng thì còn của, chứ làm ẩu rồi nó sập một cái lại hối hận", cụ Xuân nói.

Căn phòng cụ Xuân cho xây rộng khoảng 8m2, cao hơn đầu người chừng vài gang tay. Tường được xây rất dày. Dù kết cấu hình hộp, trên đổ giằng, lợp thêm mái nhưng được thi công theo kiểu nhà xưởng công nghiệp. Cụ Xuân nói đã yêu cầu thợ đổ vuông hệ thống trụ giằng rồi mới xây gạch lên.

Thôn An Trân nơi cụ Xuân ở nằm cách biển ít phút đi bộ. Dân đa số làm nghề biển, số ít ở nhà buôn bán. Mùa lặng gió, An Trân hiền hòa như bao ngôi làng khác nhưng tới mùa mưa bão thì cả làng giằng co với gió. Những ngôi nhà thấp lè tè, đa phần lợp ngói và tôn "run rẩy" trong gió bão.

Đặc biệt, bão Chan Chu quét qua năm 2006 đã khiến làng mạc tiêu điều, mái tôn bị bóc lên khỏi mái nhà như tách lột vỏ bánh. Nhà cụ Xuân cũng từng bay hết mái ngói, con cái ở xa phải đón xe về lợp lại nhà cửa cho cha mẹ.

Năm 2023, chính quyền đến tận từng hộ gia đình chưa có nhà kiên cố để mời đăng ký đối ứng khoản hỗ trợ của Nhà nước cho dân đối ứng xây phòng tránh bão. Vợ chồng cụ Xuân lụi cụi làm đơn. Cộng với khoản tiền bán mấy cây mai trồng trước nhà, vợ chồng già này thi công hầm trú bão suốt gần hai tháng, hết 35 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng.

"Giờ thì bão Chan Chu chứ... chan thứ gì tui cũng không sợ. Cứ nghe đài báo là gỡ di ảnh, đồ đạc trên bàn thờ và các nơi xuống rồi gói lại. Hai vợ chồng cùng con cái sang phòng ngồi đóng cửa lại. Khi nào nghe gió bên ngoài không rít gào nữa thì mới ra", cụ Thu nói rồi cười móm mém.

Xây 'lô cốt' tránh bão - Ảnh 2.

Căn hầm trú bão với tường dày kiên cố của vợ chồng cụ Xuân

Phòng trú bão mọc lên, nỗi lo ít lại

Vào những ngôi làng biển các huyện như Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình ở Quảng Nam vài năm trở lại đây thấy dân ít lo mưa bão hơn trước. Đời sống khấm khá kéo theo nhà cửa bê tông cốt thép vững chãi mọc lên thay thế dần nhà sơ sài trước bão. Chính quyền và người dân cũng kinh nghiệm dạn dày qua nhiều đợt bão lớn nên có sự chuẩn bị tốt hơn.

Đặc biệt, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo ra ngày một nhiều "lô cốt" vững chãi, giúp dân làng biển có nơi trú tránh bão tố an toàn. Thay vì làm nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp hoặc các công trình trong khuôn viên gia đình với một chức năng, nay với khoản Nhà nước hỗ trợ 10 triệu, các hộ dân tùy điều kiện đối ứng thêm để làm vững chãi công trình dự phòng khi có bão. Mỗi công trình trú bão có diện tích từ 7m2 trở lên, đủ để tránh trú cho gia đình khi có bão lớn.

Chủ tịch UBND xã Bình Hải Nguyễn Kim Tư cho biết chỉ trong năm 2023 xã này đã có 38 gia đình sử dụng khoản hỗ trợ của Nhà nước để làm phòng trú bão lưỡng dụng. Dù không thể đủ để làm một hầm tránh trú kiên cố, nhưng chính sách của Nhà nước thúc đẩy quyết tâm của người dân gia cố, bao chắn cho ngôi nhà mình an toàn trước gió bão.

Dẫn chúng tôi đi vào các thôn hướng biển, cán bộ xã Bình Hải cho biết đơn gửi đề xuất xây p-phòng, chòi tránh bão khá nhiều. Chính quyền tạo mọi điều kiện để giải ngân. Nhiều hộ dân lâu nay cứ mỗi lần mưa bão là tất tả lo khăn gói đi tránh trú, khi có thông báo hỗ trợ thì bà con vay mượn thêm để gọi thợ về xây phòng tránh bão.

Những ngày cuối tháng 9, bà Ngô Thị Kim Hoa (ở thôn Đông Trì) yên tâm ở nhà trông cháu nhỏ để chồng cùng con trai đi làm xa. Bà Hoa vừa làm xong căn phòng trú bão ngay sát hông nhà với tổng diện tích 10m2, phía trong ốp gạch men, tường sơn nước còn mùi mới. Trước đây cứ vào mùa mưa, chồng và con trai bà mỗi lần nghe có bão là không dám đi xa.

"Tui làm phòng này vừa là phòng ngủ vừa là nhà kho, nhưng khi có bão thì cả nhà vô đây trốn. Tổng chi phí hết 65 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, còn lại gia đình bỏ ra. Để chắc chắn, chúng tôi làm phần móng hết 20 triệu đồng, phần mái bằng hết 15 bao xi măng, thợ làm mất 40 ngày công, không còn lo chi bão bùng nữa", bà Hoa nói.

Xây 'lô cốt' tránh bão - Ảnh 3.

Có nơi trú bão kiên cố cho vợ con, đàn ông cũng yên tâm đi làm ăn xa - Ảnh: B.D.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ người dân vùng rủi ro với gió bão xây dựng các nơi tránh trú bão. Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, người dân góp thêm tiền đối ứng để làm kết hợp công trình trong khuôn viên nhà ở kiêm chức năng trú tránh an toàn lúc có bão.

Ngủ ngon trong phòng chống bão

Ở thôn Đông Trì có rất nhiều phòng tránh bão lưỡng dụng được xây từ khoản hỗ trợ của Nhà nước. Vào các gia đình có công trình đặc biệt này rất dễ nhận ra những khối bê tông khác biệt, mới tinh lồi ra bên hông nhà. Đa phần các gia đình làm hầm đều là hộ chưa có nhà kiên cố, thuộc diện phải di tản bắt buộc trước các trận bão lớn.

Bà Trần Thị Tề (66 tuổi, thôn Đông Trì) cũng vừa xây một phòng trú bão bên hông nhà. Hầm có diện tích hơn 10m2, nền lát gạch bóng. Xây xong, bà Tề cũng sắm thêm một máy điều hòa nhiệt độ.

"Vợ chồng tui tích cóp dựng căn nhà cấp 4 để làm chỗ ở cả mấy chục năm qua. Cứ có bão lớn là lục tục khăn gói đi trú. Từ khi làm được cái phòng kiên cố này chẳng lo gì bão lớn nữa. Thấy gió rít là đưa chăn nệm vào rồi chốt cửa ngủ ngon lành. Nhà xây bê tông cốt thép vây quanh, bão kiểu gì cũng không giật sập được", bà Tề nói.

Xây 'lô cốt' tránh bão - Ảnh 4.Không chỉ là bài học chống bão

Bão số 3 duy trì cường độ siêu bão hơn một ngày là hiếm thấy, chưa từng có trên Biển Đông. Sức tàn phá của cơn bão mạnh nhất quốc tế năm 2024 và cũng mạnh nhất trong số các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam trong mấy chục năm qua là rất khủng khiếp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên