14/01/2018 11:59 GMT+7

Xây lại chân đế cho bóng đá Việt

SĨ HUYÊN GHI
SĨ HUYÊN GHI

TT - VN đang phát triển mô hình bóng đá theo kiểu kim tự tháp ngược. Tức là hạng chuyên nghiệp có quá nhiều CLB, trong khi các hạng dưới thì lèo tèo và tồn tại theo kiểu được chăng hay chớ.

Ông Đoàn Minh Xương. Ảnh: S.H
Ông Đoàn Minh Xương. Ảnh: S.H

Chuyên gia ĐOÀN MINH XƯƠNG: mạnh tay thanh lọc V-League

VN đang phát triển mô hình bóng đá theo kiểu kim tự tháp ngược. Tức là hạng chuyên nghiệp có quá nhiều CLB, trong khi các hạng dưới thì lèo tèo và tồn tại theo kiểu được chăng hay chớ.

Điều này khiến V-League thiếu tính cạnh tranh, nhất là khi chỉ có một CLB phải xuống hạng. Không có cạnh tranh thì khó có thể đòi hỏi V-League có chất lượng và kéo theo việc làm sao có cầu thủ giỏi để tạo ra đội tuyển quốc gia hùng mạnh?

Vì vậy, đã đến lúc VFF (LĐBĐ VN) và VPF phải nghiêm túc rà soát lại năng lực thật sự của 14 đội chuyên nghiệp (nguồn lực tài chính, hệ thống đào tạo trẻ, cơ sở vật chất...). Ai hội đủ tiêu chuẩn thì chơi, không thì phải xuống hạng dưới để chơi bóng đá bán chuyên nghiệp. Thực tế, chúng ta không thể chấp nhận được việc CLB Quảng Nam vô địch V-League 2017 nhưng lại bị LĐBĐ châu Á (AFC) loại ra khỏi AFC Champions League lẫn AFC Cup do chưa hội đủ tiêu chuẩn!

Và cũng đến lúc chúng ta cần phải mạnh tay thanh lọc lại số lượng các đội dự V-League. Chỉ cần 6 - 8 đội là đủ, không chấp nhận việc chạy theo số lượng nhưng chất lượng thì tỉ lệ nghịch một cách nghiêm trọng. Ngoài ra, sự tồn tại của các CLB chuyên nghiệp luôn phập phù vì dựa dẫm quá nhiều vào túi tiền một nhà tài trợ. Điều này rất nguy hiểm, vì khi nhà tài trợ không có lợi nhuận từ kinh doanh sẽ đưa đến việc giải thể CLB.

HLV TRẦN BÌNH SỰ: Phải có mặt sân thi đấu đúng chuẩn

Nếu V-League có 14 CLB thì Giải hạng nhất phải có 18 đội, hạng nhì 32 đội và hạng ba 64 đội. Bóng đá phải phát triển trên diện rộng mới mong chân đế bền vững. Tại giải giao hữu M-150 Cup của tuyển U-23 VN ở Thái Lan vừa qua, nhiều người đã trầm trồ với mặt sân thi đấu của CLB Buriram United.

Một mặt sân như vậy luôn là ước ao của HLV, cầu thủ và người hâm mộ VN. Thật buồn khi cả nước có rất nhiều sân vận động, nhưng chỉ có vài sân đủ tiêu chuẩn để tổ chức các trận đấu bóng đá đỉnh cao. Không có mặt sân đúng chuẩn, các cầu thủ VN khó có thể phô diễn hết kỹ thuật của mình. Và như vậy làm sao kéo khán giả đến sân.

Trong phát triển bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta chỉ nhăm nhăm đến thành tích, đến việc phải có mặt ở V-League bằng mọi giá mà nhắm mắt bỏ qua các điều kiện cơ bản, tối thiểu nhất về cơ sở vật chất. Do xây dựng từ lâu nên hầu hết các sân ở VN đều lạc hậu, xuống cấp và tất cả đều do ngành TDTT quản lý theo sự phân cấp ở địa phương. Các CLB chuyên nghiệp chỉ là đơn vị thuê sân để tập và thi đấu. Sự chồng chéo này dẫn tới việc “cha chung không ai khóc”, nên sự xuống cấp của các sân ngày một nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi sân Pleiku và mới đây là Hàng Đẫy được giao cho CLB Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội quản lý toàn diện thì mặt cỏ luôn được chăm chút đúng quy cách, giúp cầu thủ thoải mái hơn trong lúc tập lẫn thi đấu. Mỗi năm, một CLB ở V-League tiêu tốn không dưới 40 tỉ đồng và CLB có thể trích ra một khoản chi phí để duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất nếu được giao quyền sử dụng sân. Vì vậy, bài học từ hai CLB Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội cần được nhân ra ở các CLB khác.

SĨ HUYÊN GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên